Chuyển động Hà Nội

Quy hoạch Thủ đô: Mục tiêu phát triển cao, “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu” của Hà Nội

Quỳnh Phạm 08:08 04/07/2024

Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội về “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quy hoạch Thủ đô) và “Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”.

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội là đơn vị được Thành phố tin cậy giao nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Liên quan đến nội dung này, gần đây, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng – Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho biết, hai Quy hoạch nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra giai đoạn mới cho Thành phố Hà Nội phát triển.

pho-vien-truong.jpg
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Thị Diễm Hằng, khẳng định Quy hoạch Thủ đô thể hiện “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu” của Hà Nội.

“Ngày 20/6/2024, Quốc hội đã cho ý kiến về hai Quy hoạch, và duy nhất chỉ có Quy hoạch Thủ đô là Quy hoạch trên cả nước được Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hai Quy hoạch được các Đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao, từ cách lập và chất lượng hai Quy hoạch mà Thành phố Hà Nội đã thực hiện”, Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Thị Diễm Hằng, chia sẻ.

Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”. Để thực hiện mục tiêu đặt ra, toàn bộ nội dung, phương hướng Quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội lấy các yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh, hiện đại của Thăng long - Hà Nội như là triết lý phát triển: “Phát sáng nhân tài; Khai phóng trí tuệ; Lan tỏa nhân văn; Hòa điệu thiên nhiên; Tiến cùng thời đại”.

Vẫn theo bà Hằng, vừa qua, Bộ Chính trị đã cho ý kiến hai Quy hoạch tại Kết luận số 80-KL/TƯ, giao Hà Nội lập Quy hoạch phải có “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội” cùng tâm thế Quy hoạch cho Thủ đô một nước Việt Nam phát triển. Do đó, nội dung Quy hoạch Thủ đô hiện nay đã thể hiện khát vọng của Hà Nội, của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô. Trong hai Quy hoạch Thủ đô cũng xác định trong giai đoạn tới xây dựng một Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” và “Thành phố toàn cầu”. Những mục tiêu phát triển của Hà Nội rất cao đã được thể hiện trong Quy hoạch Thủ đô.

Cụ thể, Quy hoạch Thủ đô đặt mục tiêu phát triển đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5 - 9,5%; GRDP bình quân/người (giá hiện hành) đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,88 - 0,90; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội Thủ đô trong mọi tình huống.

Để đạt được mục tiêu này, Quy hoạch Thủ đô đã dự báo tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn Thành phố giai đoạn 2021 – 2030 là 8,8 đến 9,5 triệu tỷ đồng, trong đó phân kỳ giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 3,1 - 3,26 triệu tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 5,69 - 6,25 triệu tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, để phát triển Hà Nội đạt những mục tiêu này phải đầu tư rất lớn.

hanoi23.jpg
5 trụ cột phát triển Thủ đô Hà Nội trong Quy hoạch Thủ đô.

Quy hoạch Thủ đô nhằm tạo ra nguồn lực để phát triển, cùng với các nguồn lực “truyền thống” như đất đai, vốn thì Quy hoạch Thủ đô đã xác định thêm các nguồn lực khác, đặc biệt là văn hóa. Theo bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, trước đây chúng ta mới chú trọng đến công tác bảo tồn văn hóa nhưng trong giai đoạn tới Quy hoạch Thủ đô đặt văn hóa là nguồn lực quan trọng, nền tảng, động lực để phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, Quy hoạch Thủ đô nhấn mạnh nguồn lực con người, bởi Hà Nội là nơi hội tụ nhân tài của cả nước. Ngoài ra Hà Nội có nguồn lực tài nguyên số, Thủ đô hiện nay là địa phương đi đầu trong xây dựng hạ tầng số, chuyển đổi số trong các hoạt động phục vụ phát triển Thủ đô.

Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Thị Diễm Hằng nhấn mạnh thêm: “Đặc biệt, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua sẽ có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù giúp Hà Nội có thể khai thác và phát triển mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn chúng ta khai thác các nguồn thu từ đất đai, tiền thuế, phí theo quy định mới hoặc những quy hoạch về giao thông theo định hướng TOD (giao thông công cộng thông minh). Đây là những yếu tố tạo thêm nguồn lực để Thủ đô phát triển”.

Dự kiến trong tháng 7/2024, Quy hoạch Thủ đô và Đề án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch Thủ đô sẽ được Thành phố Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bà Hằng cho biết, theo chỉ đạo của UBND Thành phố, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô, trong đó phân công rõ trách nhiệm, công việc cụ thể cho từng đơn vị, cơ quan và xác định rõ nội dung ưu tiên, giải pháp chi tiết để từng nội dung trong Quy hoạch thu hút được đầu tư, phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn tới theo định hướng của Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, Kết luận số 80-KL/TƯ... ./.

Đồng chí Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, đánh giá, cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô đã nghiên cứu, làm rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Bảo vệ môi trường; Giao thông, Phát triển đô thị, nông thôn; Kinh tế; Văn hóa xã hội; An ninh, an toàn; Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực. Trong đó, trọng tâm về ưu tiên bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả văn hóa Thủ đô trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt có một số nhiệm vụ:

Phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, thực hiện các sáng kiến và cam kết của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Ưu tiên bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả một số không gian văn hóa phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa: không gian Hoàng Thành kết nối Ba Đình; không gian phố cổ kết nối cầu Long Biên; không gian Hồ Tây; không gian khu vực Cổ Loa; không gian văn hóa xứ Đoài; không gian một số làng nghề truyền thống… Xây dựng mới một số công trình văn hóa hiện đại mang tính biểu tượng thời kỳ mới của Thủ đô.

Nghiên cứu, xác định một số không gian văn hóa, di sản để đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới như: quần thể di tích Cổ Loa; quần thể thắng cảnh Hương Sơn; khu di tích quần thể Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, K9 - Đá Chông; Cầu Long Biên… để bảo tồn, khai thác phát huy các giá trị di sản, xây dựng hình ảnh thành phố toàn cầu. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý, bảo tồn, phát huy, nâng tầm di sản bằng công nghệ số.

Quy hoạch Thủ đô cũng xác định 4 khâu đột phá, trong đó có đột phá về hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan. Ngoài ra, Quy hoạch Thủ đô xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô: Văn hóa và di sản; Phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; Hạ tầng đồng bộ, giao thông hiện đại; Xã hội số - đô thị thông minh, kinh tế số; Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo - việc làm.

Quỳnh Phạm