Văn hóa - Xã hội

Thành phố Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả phòng cháy - chữa cháy

Quỳnh Chi 20:26 02/07/2024

Theo Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND Thành phố Hà Nội đưa ra giải pháp đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại để PCCC.

UBND Thành phố Hà Nội nhấn mạnh, việc xây dựng và triển khai “Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là rất cần thiết. Bởi với điều kiện tự nhiên, xã hội và vị thế, vai trò của Thủ đô, ý nghĩa, vai trò của công tác PCCC và CNCH đối với sự phát triển của Thủ đô, để thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

bao-chay-ha-noi.jpg
Lực lượng công an Thành phố Hà Nội hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng báo cháy 114 trên điện thoại thông minh.

Cùng đó, xây dựng và triển khai Đề án trên cũng nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình số 09-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội Khóa XVII về “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025”.

Sáng 2/7, tại Kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã thông qua Nghị quyết về việc thống nhất chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030.

Để nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án của UBND Thành phố Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, trong đó có nhóm giải pháp đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ hiện đại để PCCC trên địa bàn.

Đối với hệ thống thông tin liên lạc, Đề án quy hoạch kết nối giữa Trung tâm Thông tin chỉ huy 114 của Thành phố Hà Nội với các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH các quận, huyện, thị xã và các Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực. Đồng thời nghiên cứu kết nối mở rộng với các Đội PCCC chuyên ngành, các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ trên địa bàn Thành phố (thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công an).

Về giải pháp phát triển, Hà Nội sẽ xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố (thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công an). Đó là ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng Công nghệ 4.0 (số hóa, điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật, phân tích dữ liệu lớn (big data), viễn thông 5G,...) là các nền tảng công nghệ phù hợp cho việc xây dựng Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố.

Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố là hệ thống ứng dụng Công nghệ thông tin quản trị tập trung, nhằm thu thập, số hóa, lưu trữ, xử lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các thông tin, dữ liệu về công tác PCCC và CNCH; phát hiện và truyền tin báo cháy, sự cố, hỗ trợ thông tin chỉ huy điều hành chữa cháy và CNCH từ cơ sở đến trung tâm của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH từ cấp huyện, cấp tỉnh đến cấp trung ương. Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố gồm cơ sở dữ liệu về PCCC ; cơ sở hạ tầng thông tin và thiết bị truyền tin báo sự cố.

Bên cạnh đó, Hà Nội xây dựng các hệ thống tự động truyền tin báo cháy. Giải pháp tự động truyền tin báo cháy sử dụng mạng thông tin di động tích hợp trong các hệ thống báo cháy tự động, có thể triển khai thực hiện một cách đồng bộ, phù hợp với định hướng nghiên cứu phát triển, ứng dụng trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp được xây dựng dựa trên nền tảng hạ tầng kỹ thuật rất thuận lợi về các hệ thống, thiết bị báo cháy tự động và các thiết bị đầu cuối mạng thông tin di động. Giải pháp giúp đem lại hiệu quả đối với công tác PCCC, cải thiện thời gian phát hiện và tiếp nhận, xử lý thông tin báo cháy, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.

Hệ thống tự động truyền tin báo cháy đa vùng được tích hợp với các hệ thống báo cháy tự động trong các cơ sở và một phần mềm ứng dụng quản lý được cài đặt trên điện thoại thông minh của chủ nhà, chủ cơ sở và của lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH địa bàn hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm, bảo dưỡng hệ thống PCCC cho cơ sở khi cần thiết. Phần mềm trên điện thoại có khả năng kết nối thông tin với hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH và Công an các địa phương. Hạt nhân của mô hình là thiết bị tự động truyền tin báo cháy, thiết bị có nhiệm vụ kết nối thông tin giữa hệ thống báo cháy của cơ sở với điện thoại thông minh của người dùng thông qua mạng thông tin di động.

chay-ab.jpg
Nhằm nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy; Thành phố Hà Nội thời gian qua đã không ngừng đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại vào thực tiễn.

Thiết bị được lắp đặt trực tiếp tại tủ báo cháy của cơ sở với các kết nối vật lý với từng kênh tín hiệu báo cháy thông qua dây và cáp tín hiệu. Kỹ thuật này giúp cho thiết bị có thể giám sát báo cháy chính xác đến từng vùng, từng khu vực bên trong cơ sở. Đồng thời, cho phép thiết bị có khả năng giám sát phát hiện cháy và các lỗi trên đường dây tín hiệu (hở mạch, mất đầu báo cháy...) hoàn toàn độc lập với sự hoạt động của trung tâm báo cháy.

Cùng đó, Hà Nội ứng dụng Internet và các phần mềm mạng xã hội phục vụ nghiệp vụ PCCC. Công an Thành phố Hà Nội đề xuất Dự án đầu tư hệ thống tiếp nhận xử lý thông tin đồng bộ với hệ thống chỉ huy điều hành chữa cháy và CNCH của Thành phố, kết nối với Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - Bộ Công an khi có hướng dẫn. Để thực thực hiện giải pháp này, Hà Nội tiếp tục duy trì thực hiện tốt chế độ thường trực sẵn sàng chữa cháy, CNCH; tổ chức tiếp nhận và truyền tải thông tin phục vụ chữa cháy, CNCH thông suốt.

Thường xuyên kiểm tra chất lượng hoạt động của hệ thống để bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời. Không ngừng nâng cấp để tín hiệu, thiết bị của hệ thống ngày càng chất lượng hơn. Nghiên cứu, nâng cấp Trung tâm thông tin chỉ huy 114 của Công an Thành phố để phục vụ công tác PCCC, CNCH; kiến nghị các cơ sở thuộc diện phải trang bị khẩn trương, kịp thời trang bị hệ thống cảnh báo cháy nhanh, kết nối với trung tâm truyền tin báo của quốc gia, bảo đảm đáp ứng theo yêu cầu vận hành hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu PCCC và truyền tin báo sự cố.

Ứng dụng các công nghệ hiện đại để nâng cấp hệ thống thông tin (toàn diện ở các loại đường truyền hữu tuyến, vô tuyến, trực tuyến) hỗ trợ cho hoạt động tiếp nhận thông tin và chỉ huy, điều hành chữa cháy, CNCH, đáp ứng yêu cầu của công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới.

Triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó triển khai thử nghiệm ứng dụng nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số trong lĩnh vực PCCC. Phối hợp với Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực I - Cục Tần số vô tuyến điện rà soát và xử lý nhiễu đối với hệ thống thông tin vô tuyến (bộ đàm) dùng riêng của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH để điều hành các hoạt động chỉ huy, điều hành công tác chữa cháy và CNCH trên địa bàn Thành phố./.

“Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trong công tác PCCC và CNCH; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC và CNCH, vận động các tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia PCCC và CNCH, phát huy năng lực, hiệu quả của lực lượng PCCC tại chỗ.

Mục tiêu cụ thể: 100% cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan Thành phố, học sinh các cấp, bậc học được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC; 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy; mỗi gia đình có một người được tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn; 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh mở “lối thoát nạn thứ 2”; vận động các cá nhân tình nguyện, đăng ký tham gia hoạt động PCCC và CNCH đạt 2% so với tổng số hộ gia đình trên địa bàn; 100% khu dân cư được thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của Đội dân phòng bảo đảm thực chất, hiệu quả...

Quỳnh Chi