Ký ức không quên mùa thu năm ấy...
70 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về ngày Giải phóng Thủ đô dường như chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí của những người từng sống trong những ngày thu lịch sử. Mỗi người đều mang trong mình những kỷ niệm riêng, mà khi gợi nhắc, những ký ức ấy lại tô điểm thêm bức tranh toàn cảnh ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954).
Bà Đỗ Thị Thảo (87 tuổi), khu Văn công Cầu Giấy, Hà Nội: Ngày bình yên, sum vầy và hy vọng
“Kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô với tôi như ngày trở về. Bởi trong 8 năm Hà Nội bị tạm chiếm, gia đình tôi phải di cư đến Tuyên Quang. Cha tôi đi đi về về giữa Tuyên Quang và Hà Nội vì phải tiếp tục ở lại công tác phục vụ cách mạng. Mẹ tôi một mình cáng đáng việc nhà, cuộc sống lúc bấy giờ rất thiếu thốn, nên chị em tôi cũng làm thêm nghề đan lát ở nhà để có thêm thu nhập phụ mẹ. Dù khó khăn trăm bề nhưng không một ai bi quan và luôn tin tưởng vào tương lai tươi sáng. Niềm hy vọng lớn nhất luôn là gia đình được sum vầy, đất nước không còn chiến tranh.
Mẹ tôi luôn theo dõi tin báo đài sát sao để chờ ngày trở về. Và rồi, vào một ngày năm 1954, mẹ bảo với chị em tôi “Thu dọn đồ đạc dần đi để còn về nhà nào!”. Khi ấy tôi không hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của câu nói này, chỉ khi lớn hơn rồi mới thấm thía những cảm xúc của mẹ. Tháng 9/1954, mấy mẹ con chúng tôi đi ca nô xuống bến Phà Đen rồi được bố đón và đưa về Hà Nội, sau đó chúng tôi đến ở nhờ nhà bạn của bố tại ô Đống Mác, vì căn nhà xưa của chúng tôi lúc ấy chỉ còn lại như một tàn tích của chiến tranh.
Khi rời Hà Nội, tôi mới chỉ 9 tuổi. Ký ức về Hà Nội ngày ấy là nạn đói, là khói lửa. Nhưng khi quay về, mọi thứ êm ru, việc chuyển giao quyền lực không hề có bạo động, tiếng súng hay đổ máu. Mẹ không cho mấy chị em chúng tôi ra khỏi nhà những ngày ấy, tôi chỉ được nghe các chú các bác cập nhật tình hình. Tôi nghe tin những toán quân Pháp đã rút quân đến cầu Long Biên một cách trật tự và nhanh chóng. Khi những toán quân Pháp cuối cùng ra khỏi thành phố, cả Thủ đô như thở phào nhẹ nhõm. Đã lâu lắm tôi mới nhìn thấy mẹ thoải mái hân hoan như vậy. Những ngày tiếp theo, Hà Nội như “thay da đổi thịt”, lung linh và rạng rỡ hơn. Tôi nghe tiếng thanh niên trong khu phố rúc rích bàn nhau việc viết khẩu hiệu, một số bảo nhau chăng đèn kết hoa, một số làm cờ Tổ quốc. Không khí ấy như lễ hội. Ngày 10/10/1954, quân đội ta tiến về “5 cửa ô” (thực ra đấy là cách nói phiếm chỉ chứ quân đội ta chỉ đi qua hai cửa ô là ô Cầu Giấy và ô Cầu Dền mà thôi). Vì vậy mà tôi ở ô Đống Mác nhưng phải đi ra phố Bạch Mai từ sớm rồi “cắm cọc” ở đó cả ngày để chứng kiến quân Việt Minh ta về tiếp quản Thủ đô. Một người chị cùng khu phố cho tôi và các em lá cờ. Thế là tôi cũng hòa nhịp vào đám đông mà vẫy cờ, mà hò reo. Niềm hân hoan của ngày ấy như xóa nhòa đi những nỗi buồn, những nỗi sợ từ thời ấu thơ trong tôi về đói nghèo, về chia cách, về chiến tranh, về cái chết. Tôi cũng cảm thấy những người xung quanh mình cũng được sống lại, được thêm niềm tin vào tương lai tươi sáng...”
Ông Văn Hậu (84 tuổi), Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội: Nao nức niềm vui “mang chiếc khăn thắm màu cờ nước”
“Năm 1954, gia đình tôi bán cà phê cạnh chùa Ngũ Xã, quận Ba Đình. Hơn 10 tuổi, tôi học trường Tiểu học Mạc Đình Chi, sau học trường Trung học Trưng Vương. Sống trong thời Hà Nội tạm chiếm, chúng tôi đã trải qua áp bức và kìm kẹp. Vì vậy khi nghe tin chiến thắng Điện Biên Phủ, ai ai cũng náo nức mong chờ ngày hòa bình, Chính phủ về tiếp quản. Mùa thu năm ấy, tất cả người dân như vỡ òa, từ sợ hãi, chúng tôi được tự do.
Không khí trở nên rộn ràng, mọi người nô nức chuẩn bị từ tinh thần đến vật chất, người lớn thì hồ hởi đón tiếp đồng bào từ Việt Bắc trở về; đồng thời thực hiện “cuộc cách mạng lớn” trong khu phố là làm vệ sinh đường xá, quét vôi, vẽ khẩu hiệu; rồi chuẩn bị cờ hoa, quần áo mới. Bọn trẻ con chúng tôi thì phấn khởi, thường chơi trò đánh trận giả ở mỏm Đình Vàng bên hồ Trúc Bạch. Tốp đóng giả lính Tây làm bốt bằng 2 thùng phuy căng lều bạt. Tốp đóng lính Cụ Hồ, cầm súng bắn chum, ào ào lội nước tấn công. Bao giờ lính Cụ Hồ cũng thắng và lính Tây cũng kéo cờ trắng ra hàng. Mùa thu ấy, các trường mở ra kịp thời. Thầy giáo từ Việt Bắc trở về cùng thầy cô giáo cũ. Ngoài việc học trên lớp, chúng tôi được các anh bộ đội dạy múa hát ở sân đình, được kết nạp vào Đội Thiếu niên Tiền phong và sinh hoạt Đoàn đội, đi cắm trại, dạy bình dân học vụ cho bà con xóm bãi An Dương. Chủ nhật cùng bà con khu phố đi lao động XHCN xây vườn hoa ở đường Cổ Ngư, hồ Bảy Mẫu… Nhớ buổi chiều lên tàu điện đi tới làng Nghĩa Đô, chúng tôi hát: “Từ hôm nay được mang chiếc khăn thắm màu cờ nước, khăn vờn bay trong gió tưng bừng”.
Ngày 10/10/1954, tôi vẫn nhớ như in vào buổi sáng, bọn trẻ con khu phố chúng tôi cầm cờ đỏ sao vàng đứng ở Cửa Bắc để đón các anh bộ đội từ chiến khu trở về tiếp quản nhà máy Yên Phụ, tôi nắm tay các anh với niềm vui hân hoan của đứa trẻ được giải phóng. Buổi chiều, tôi nghe trên đài phát thanh lệnh thượng cờ ở Cột cờ Hà Nội, đến tối thì nghe thấy ô tô phát về 10 điều với đồng bào Thủ đô mới Giải phóng. Còn những người anh lớn như anh Ba - tổng phụ trách trường Mạc Đình Chi kéo dương cầm, thầy Nguyễn Văn Quỳ - nhạc sĩ đánh đàn ghita đã cùng đông đảo học sinh và sinh viên đứng ở phố Hàng Đào để đón Trung đoàn Thủ đô tiến về Cửa Đông vào thành.
Khi nhớ lại những kỷ niệm này, trong tôi lại vang vọng những vần thơ của nữ sĩ Ngân Giang về ngày vui tiếp quản:
“Kìa bệ Kỳ Đài đây Cửa Bắc
Hoa vườn Bách thảo,
tháp Hồ Gươm
Sóng dồn Trấn Quốc,
chuông Văn Miếu
Như cùng reo vui vợi oán hờn.”
Ông Đỗ Văn Thành (88 tuổi), Võ Chí Công, Cầu Giấy, Hà Nội: Ký ức tự hào không dễ nguôi quên
“Những năm ấy, khi còn là học sinh trường Kỹ nghệ Hà Nội (trên đường Quang Trung), tôi tham gia đoàn Phan Chu Trinh cùng các anh em bạn bè khu phố. Đoàn Phan Chu Trinh được thành lập từ Cách mạng tháng Tám năm 1945. Khi nghe tin Hiệp định Geneve được ký kết, chúng tôi - các anh em trong đoàn Phan Chu Trinh đã tập trung ở đình Vạn Phúc (phố Đội Cấn hiện nay) để phân công nhau đi các phố tuyên truyền bình dân học vụ, bảo vệ làng xóm, canh gác các giếng nước, luyện tập và tổ chức văn nghệ cũng như tiếp đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô, nhất là đoàn Văn công quân đội. Các đồng chí văn công dạy chúng tôi hát, múa sạp của đồng bào dân tộc Thái và đóng vở kịch thơ “Bến nước Ngũ Bồ” của Hoàng Công Khanh. Chúng tôi làm nhiệm vụ và biểu diễn suốt ngày đêm tại đình Vạn Phúc cho bà con thưởng thức khiến bà con hết sức phấn khởi. Thậm chí, chúng tôi còn dựng sân khấu ở bến xe Kim Mã (lúc bấy giờ) để biểu diễn cho bà con ở đây xem.
Mọi việc diễn ra liên tục từ tháng 8 đến tháng 10/1954 trong tâm trạng háo hức, phấn khởi của bà con. Trước ngày 10/10, cờ hoa đã đâu vào đấy, có những cô cậu thanh niên cầm trống ếch đi lang thang dọc con đường gõ trống hát ca. Sáng ngày 10/10/1954, chúng tôi có mặt ở đường Kim Mã để xếp hàng đón đoàn quân tiếp quản Thủ đô đi từ Cầu Giấy về và được phát cờ hoa để vẫy. Một gia đình bán cá mua cho đoàn chúng tôi bộ trống gồm trống cả và trống con, các thanh niên cứ cầm trống đánh vừa đi vừa hát, vừa đi vừa hoan hô reo mừng. Sau đó chúng tôi lại tiếp tục đón các anh bộ đội về đình để chuẩn bị thay thế chính quyền cũ, thành lập chính quyền mới. Cả chiều và tối chúng tôi tập trung ca hát biểu diễn cho nhân dân các vở kịch, các điệu múa sạp, các bài hát đã quá nổi tiếng như “Chiến sĩ anh hùng”, “Tiến về Hà Nội” cùng các bài hát cách mạng khác thời bấy giờ.
Có thể nói, ngày ấy, nhân dân ta rất hạnh phúc, tự hào, phấn khởi vì lấy lại được tự do, và chỉ khi tự do mới có thể thoải mái mà ca hát được đến vậy. Tôi nhớ về người huynh trưởng của tôi đã từng bị bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò, nhớ những người đồng bào bị địch bắt giết rồi trở thành những nấm mồ vô danh. Để được như ngày hôm nay là sự đấu tranh của biết bao năm ròng. Chúng tôi dâng niềm hào hứng trong suốt cả thời kỳ ấy và cho đến tận ngày hôm nay. Nhiều năm qua, cứ đến ngày 10/10, chúng tôi lại tụ họp ở đình Vạn Phúc trò chuyện ôn lại những kỷ niệm xưa, ca hát những bài hát mà đã 70 năm trôi qua vẫn không dễ nguôi quên:
“Khi đoàn quân tiến về
là đêm tan dần
Như mùa xuân xuống cành
đường nghe gió về
Hà Nội bừng tiến quân ca”./.