Chính phủ đánh giá cao sự quyết liệt của Hà Nội trong chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy Đề án 06 Chính phủ
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao Thành phố Hà Nội đã nỗ lực, cống hiến trong hoạt động chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt thúc đẩy triển khai Đề án 06 Chính phủ một cách rất trách nhiệm, tâm huyết, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. “Chính phủ cũng hoan nghênh Thành phố đã ra mắt các nền tảng ứng dụng của Đề án 06 Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Sáng 28/6, UBND Thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06 Chính phủ và Lễ công bố vận hành các ứng dụng nền tảng của Đề án 06 Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội, gồm: Công dân Thủ đô số (iHanoi), Hồ sơ Sức khoẻ điện tử trên VneID, Phòng họp thông minh, không giấy (i-Cabinet). Sự kiện được phát trực tuyến trên các nền tảng: Fanpage Thông tin Chính phủ, Fanpage Thủ đô Hà Nội - Việt Nam, Fanpage Hà Nội Online.
Dự Hội nghị và Lễ công bố vận hành các ứng dụng nền tảng của Đề án 06 Chính phủ tại Thành phố Hà Nội có các đại biểu Trung ương: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Trung ương Đảng Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan… cùng đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo.
Đại biểu Thành phố Hà Nội có đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, điều hành Thành uỷ Hà Nội; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy – Chủ tịch HĐND Thành phố; Trần Sỹ Thanh – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND Thành phố… Tham dự sự kiện của có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố; đại diện lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần thơ, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Nam Định.
Báo cáo Sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06 Chính phủ trên địa bàn Thành phố Hà Nội, đồng chí Trần Sỹ Thanh - Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, Đề án 06 thành phố Hà Nội, cho biết, thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo”, ngày 1/2/2024, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 trên địa bàn Thành phố năm 2024, với 33 nhiệm vụ (gồm 10 nhiệm vụ chung và 23 nhiệm vụ cụ thể) giao các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện đảm bảo đúng nội dung, mục đích, yêu cầu, tiến độ đề ra.
Bên cạnh đó, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, về nhận thức, tư duy, cách làm trong công tác cải cách hành chính, chuyển đối số, triển khai Đề án 06 của các cơ quan, đơn vị, 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, với không khí mới, đang tạo nên một phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo giữa các đơn vị… với những kết quả cụ thể, thiết thực, hiệu quả.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06 ngày 06/1/2022, phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Thành phố Hà Nội đã quán triệt và nhận thức sâu sắc về vai trò của công tác chuyển đổi số trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, đồng thời xác định “Đề án 06 của Chính phủ là khâu đột phá của đột phá”; là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, tạo động lực mới cho những bước phát triển mạnh mẽ, mang tính chiến lược của Thành phố.
Với quan điểm và mục tiêu “Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh là đích đến; từng bước minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong hoạt động của chính quyền các cấp; khuyến khích mọi nguồn lực xã hội để xây dựng, phát triển, thúc đẩy ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”;…
Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” và phương châm “Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội”, Thành phố đã tiên phong thực hiện thí điểm nhiều giải pháp mang tính đột phá như: Xây dựng Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử; hỗ trợ thiết bị thông minh cho các hộ gia đình khó khăn; hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; miễn phí chữ ký số điện tử cá nhân; áp dụng “mức thu phí bằng không” khi công dân thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và thu thuế khoán; chi trả an sinh xã hội, chỉ trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt; Thanh toán giá trông giữ xe không dùng tiền mặt,...
Những giải pháp sáng tạo, linh hoạt trong triển khai Đề án đã góp phần thực hiện hiệu quả 5 nhóm mục tiêu: (1) Phát triển kinh tế, xã hội; (2) Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (3) Đẩy mạnh công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu dân cư, bảo đảm tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”,… Qua đó đem lại những bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng tầm giá trị văn hóa của Thủ đô, huy động trí tuệ và đóng góp của nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho công tác chuyển đổi số của Thành phố.
“Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Thành phố, tôi biểu dương những nỗ lực, cố gắng và thành tích đạt được của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô trong triển khai thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ thời gian qua” – Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, UBND Thành phố Hà Nội đã công bố vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn Thành phố, bao gồm: Công dân Thủ đô số (iHanoi) - Chạm để kết nối - kênh kết nối quan trọng giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp của Thủ đô, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cải thiện các chỉ số cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân; Hồ sơ sức khoẻ điện tử trên VneID tạo nền tảng đưa mô hình khám chữa bệnh từ xa, sử dụng sổ khám sức khỏe duy nhất trong đời. Đặc biệt là hệ thống phòng họp thông minh, không giấy (i-Cabinet) sử dụng công nghệ hiện đại, trợ lý ảo AI tạo thuận lợi, kịp thời trong chỉ đạo điều hành, xây dựng nền quản trị hiện đại, hiệu quả.
Đây là sự kiện có ý nghĩa đánh dấu bước tiên phong của Thủ đô trong tiến trình chuyển đổi số, tạo phong cách làm việc mới khoa học, hiệu quả, xây dựng Thành phố xanh, thông minh, hiện đại, phát triển bao trùm và bền vững với quyết tâm xây dựng “Chính quyền số - Chính quyền phục vụ”, “Doanh nghiệp số - Doanh nghiệp cống hiến”, “Xã hội số - Xã hội niềm tin” với “tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu”, “Tư duy Thủ đô và hành động của Hà Nội”.
Việc vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn Thành phố sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, từng bước xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết số 15 ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị./.
(Tạp chí Người Hà Nội sẽ tiếp tục thông tin về Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06 Chính phủ trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong các bài viết sau).