Y tế - Giáo dục

Ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" mang lại nhiều tiện ích cho người dân

Đình Thế 25/06/2024 07:22

Với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”, thời gian qua, ngành y tế Thủ đô đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số nhằm giúp mỗi người dân biết, tự quản lý thông tin sức khỏe của mình để chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe.

maxresdefault-6909-8538.jpg
Ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" giúp người dân theo dõi sức khỏe.

Việc triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố là một trong những hoạt động chuyển đổi số của thành phố Hà Nội, theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030"; Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chuyển đổi số, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ Nhân dân luôn là ưu tiên hàng đầu được ngành y tế Thủ đô triển khai trong thời gian qua. Kết quả quá trình triển khai đã góp phần tạo nên diện mạo, phong cách làm việc mới, thông minh, hiện đại, hiệu quả giúp Hà Nội trở thành một trong những địa phương tiên phong trong chuyển đổi số y tế quốc gia.

Theo đó, ứng dụng nhằm kết nối các thông tin, dữ liệu điện tử hình thành trong quá trình khám, chữa bệnh của người dân tại các cơ sở y tế Nhà nước và tư nhân thành hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử phục vụ công tác quản lý chuyên ngành y tế được đầy đủ, chính xác, kịp thời. Hỗ trợ công tác tổng hợp, phân tích thông tin dữ liệu, giúp việc dự báo, hoạch định chính sách, chỉ đạo hiệu quả về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Ứng dụng này được đánh giá là bước tiên phong của Thủ đô trong tiến trình chuyển đổi số, tạo phong cách làm việc mới, xây dựng Thành phố xanh, thông minh, hiện đại, phát triển bao trùm và bền vững với quyết tâm xây dựng: “Xã hội số - xã hội niềm tin” với “Tư duy Thủ đô - hành động Hà Nội”.

Thông qua ứng dụng, giúp người dân có thể theo dõi, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân liên tục, suốt đời; chủ động trong việc phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe bản thân, giảm các chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố…

Là một trong những bệnh viện áp dụng hồ sơ điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (huyện Ứng Hòa) khám cho gần 1.000 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho hơn 400 lượt người. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình Nguyễn Khuyến cho biết, việc áp dụng bệnh án điện tử vào hoạt động khám chữa bệnh rất hữu ích cho cả bác sĩ và người bệnh.

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn xem việc triển khai bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy là giải pháp chiến lược góp phần giảm tải áp lực cho nhân viên y tế, đem đến sự hài lòng cho người bệnh.

Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Ngô Quang Hùng cho biết, việc triển khai bệnh án điện tử góp phần giúp người bệnh không cần thiết phải lưu trữ các loại giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh như: kết quả chẩn đoán, xét nghiệm, danh mục thuốc…

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Từ đó, giúp người bệnh tự quản lý, cập nhật thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời.

Ông Lê Văn Toản (64 tuổi) nhà ở huyện Đông Anh chia sẻ, với người cao tuổi, mỗi lần đi khám bệnh tại bệnh viện Xanh Pôn lại phải nhờ con cháu đi kèm để mang theo các loại giấy tờ, xét nghiệm ở các lần khám trước, rất bất tiện. Nếu có bệnh án điện tử, gia đình người bệnh sẽ yên tâm được lưu trữ kết quả trên mạng. Khi bác sĩ tái khám đều có sẵn dữ liệu cho bệnh nhân.

Có thể thấy, hồ sơ sức khỏe điện tử mang lại những lợi ích thiết thực. Những lợi ích này là động lực, mục tiêu để ngành y tế Thủ đô tiếp tục nỗ lực, nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình y tế thông minh, phấn đấu đến năm 2025, có trên 90% dân số được quản lý sức khỏe điện tử, cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên phạm vi cả nước.

Việc xây dựng và triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ cần bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về nghiệp vụ chuyên môn trong công tác quản lý sức khỏe. Các chức năng, tính năng kỹ thuật của phần mềm phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế; bảo đảm việc chia sẻ thông tin, dữ liệu và các quy định về an toàn thông tin của Bộ TT&TT. Đặc biệt là việc kết nối, chia sẻ và hiển thị thông tin sức khỏe người dân trên ứng dụng VNeID luôn đáp ứng theo hướng dẫn của Bộ Công an…

Đình Thế