Chuyển động Hà Nội

Tuyến buýt “Du lịch Bát Tràng”: Góp sức đưa du lịch Hà Nội thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trung Kiên 25/06/2024 06:08

UBND Thành phố Hà Nội cho biết, Thành phố sẽ triển khai tuyến xe buýt City tour 04 với tên gọi “Du lịch Bát Tràng” (CITR 04) trong năm 2024. Điểm xuất phát tuyến buýt này từ trung tâm Hà Nội đến điểm cuối Bảo tàng Gốm sứ Bát Tràng – vùng đất ngoại thành Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Quyết định số 3187/QĐ-UBND về việc công bố “Danh mục mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Theo Quyết định này, Hà Nội có 136 tuyến xe buýt nội tỉnh và 18 tuyến xe buýt liền kề. UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm công bố công khai và tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố theo thẩm quyền và đúng quy định.

xe-buyt-2-tang-hanoi.jpg
Xe buýt 2 tầng du lịch Hà Nội đi qua Cột cờ Hà Nội. Từ năm 2018, Thành phố đã triển khai tuyến buýt City tour, đến nay Thủ đô có 3 tuyến buýt phục vụ hoạt động du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xác định, công bố lộ trình, vị trí các điểm dừng đỗ đón trả khách đối với “Danh mục mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề trên địa bàn Thành phố theo quy định”, đảm bảo phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và tổ chức quản lý, triển khai thực hiện theo đúng quy định. Thường xuyên rà soát, nghiên cứu, tham mưu đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến buýt nội tỉnh và liền kề trên địa bàn Thành phố phù hợp với thực tiễn và nhu cầu đi lại của người dân.

Đáng chú ý, trong danh mục mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề trên địa bàn Thành phố Hà Nội vừa công bố, trong năm 2024, Thành phố dự kiến sẽ triển khai tuyến xe buýt City tour số 04 với tên gọi “Du lịch Bát Tràng”. Tuyến buýt này có điểm đầu từ Bờ Hồ (Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, quận Hoàn Kiếm; từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần) và điểm đầu Vườn hoa Diên Hồng (thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần). Điểm cuối của tuyến xe buýt City tour số 04 “Du lịch Bát Tràng” tại Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) ở tất cả các ngày trong tuần.

Mặc dù chưa đưa vào khai thác, tuy nhiên biết được thông tin này, nhiều ý kiến nhận định Thành phố Hà Nội mở tuyến xe buýt City tour số 04 “Du lịch Bát Tràng” từ trung tâm Thủ đô đến một địa điểm văn hóa nổi tiếng là làng gốm Bát Tràng, sẽ tạo thêm sức bật cho du lịch Hà Nội.

Thực tế chứng minh, Hà Nội đang vận hành 3 tuyến City tour 01, 02 và tuyến City tour 03 với tên gọi “Thăng Long thắng cảnh”, sử dụng xe buýt 2 tầng và đi qua nhiều danh lam, thắng cảnh mang đến nhiều trải nghiệm đặc sắc của thành phố Hà Nội. Du khách quốc tế khi đến Thủ đô Hà Nội cũng đã lựa chọn đi xe buýt City tour 2 tầng để khám phá văn hóa, phố phường Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến với Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - Hồ Hoàn Kiếm, Nhà thờ Lớn, Cột Cờ Hà Nội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đền Quán Thánh, Chùa Trấn Quốc, Nhà thờ Cửa Bắc, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Nhà tù Hoả Lò, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Nhà hát lớn Hà Nội, Bưu điện Hà Nội...

Đây là tour du lịch linh hoạt và thuận tiện, kết hợp giao thông và tham quan nhiều điểm nổi bật của du khách tại Hà Nội. 3 tuyến City tour đang được vận hành tại Hà Nội thời gian qua với chi phí hợp lý, du khách có thể khám phá Thủ đô theo nhịp độ của riêng của mình, có thể lên và xuống xe buýt tại bất kỳ điểm tham quan nào trong suốt chuyến đi. Đặc biệt, xe buýt được trang bị công nghệ hiện đại với nhiều tiện ích, thuyết minh tự động đa ngôn ngữ, đảm bảo mang đến trải nhiệm tốt nhất tới khách hàng.

gom-su-bat-trang.jpg
Đoàn văn nghệ sĩ Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Gốm sứ Bát Tràng trong Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật của 3 Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội - Huế và TP. Hồ Chí Minh, cuối tháng 3/2024. (Ảnh: Đình Thế).

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Người Hà Nội về việc Thành phố chuẩn bị triển khai tuyến buýt City tour số 04 “Du lịch Bát Tràng”, chị Trần Thị Tám (phường La Khê, quận Hà Đông) rất ủng hộ, bởi Bát Tràng là làng gốm sứ đặc sắc của Hà Nội đã nổi tiếng khắp cả nước và thế giới. Khi tuyến buýt này đi vào vận hành sẽ là cầu nối đưa người dân và du khách đến với làng gốm Bát Tràng nhiều hơn, quảng bá làng nghề truyền thống tới mọi người và từ đó góp phần phát triển du lịch làng nghề, du lịch văn hóa Thủ đô.

Vấn đề chị Tám quan tâm, đó là tuyến xe buýt City tour số 04 “Du lịch Bát Tràng” cần cân nhắc giá vé để cả khách nước ngoài và du khách trong nước đều có cơ hội được trải nghiệm, khám phá nét độc đáo của làng gốm Bát Tràng. Bên cạnh đó, theo chị Tám, tuyến xe buýt City tour số 04 “Du lịch Bát Tràng” cần có sự đầu tư điểm đến hợp lý và có tính kết nối văn hóa trên lộ trình xe buýt di chuyển từ điểm đầu đến điểm cuối.

“Xe buýt du lịch khác với xe buýt thường. Đi xe buýt du lịch cần có điểm dừng, điểm đến là các công trình kiến trúc, địa danh văn hóa nhằm kéo cảm xúc, hứng thú của du khách tham gia trải nghiệm. Nếu chỉ dừng ở những điểm như xe buýt thường thì sẽ khó tạo được sức hút với du khách” - chị Trần Thị Tám bày tỏ.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, từ khi triển khai (năm 2018) đến nay, xe bus 2 tầng City tour đã góp phần nâng cao hình ảnh của Hà Nội, tạo được sản phẩm mới, góp phần xây dựng hình ảnh cho ngành du lịch, ngành giao thông. Lộ trình tuyến của xe bus 2 tầng City tour đã đáp ứng được sự kết nối giữa các điểm du lịch, các thắng cảnh và các điểm vui chơi chính của Thủ đô, tạo điều kiện để khách du lịch có thể thăm, tiếp cận được với các điểm du lịch chính của thành phố, đồng thời giảm được nguy cơ ùn tắc do khách du lịch không sử dụng các loại hình vận chuyển khác.

du-khach2e.jpg
Du khách tham quan quá trình làm ra một tác phẩm Gốm Bát Tràng tại làng gốm Bát Tràng. (Ảnh: Đình Thế).

Với 3 tuyến đang vận hành và trong năm 2024 triển khai tuyến xe buýt City tour số 04 “Du lịch Bát Tràng” từ trung tâm Thủ đô đến làng gốm Bát Tràng, có thể khẳng định Thành phố Hà Nội đã, đang triển khai nhiều giải pháp, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đây cũng là mục tiêu phấn đấu của Hà Nội và đã được nhấn mạnh trong Chương trình số 06-CTr/TU về “phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09-NQ/TU về “phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội./.

Trung Kiên