Thế giới điện ảnh

Tiếp thêm làn gió mới cho điện ảnh Thủ đô

Đặng Thủy 25/06/2024 06:07

Trong bối cảnh hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật sôi động và đều khắp của Thủ đô thì “bức tranh gam trầm” của điện ảnh Hà Nội thời gian qua khiến cho những người trong cuộc không khỏi băn khoăn, trăn trở. Cũng bởi thế Đề án Liên hoan phim ngắn Hà Nội được Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phê duyệt mới đây như một làn gió mới tiếp thêm sinh lực mới, khơi dậy sáng tạo cho các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Thủ đô.

Trăn trở từ “bức tranh gam trầm”

Theo đánh giá của giới chuyên môn, điện ảnh Việt đang ở vào thời điểm vàng của sự phát triển. Kinh tế thị trường đang đem lại những xung lực mới cho điện ảnh qua sự tham gia ngày càng tích cực, hiệu quả của tư nhân vào hoạt động sản xuất và phổ biến, phát hành phim. Ước tính, mỗi năm có khoảng 30 - 40 phim truyện ra rạp trong đó có phim đạt doanh thu phòng vé trên 500 tỷ đồng. Riêng TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội được coi là 2 thành phố có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp điện ảnh.

canh-trong-phim-_vi-thu-do-ta_.jpg
Một cảnh trong phim tài liệu "Vì Thủ đô ta" do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất.

Tuy nhiên, so với sự phát triển sôi động của điện ảnh TP. Hồ Chí Minh thì điện ảnh Thủ đô đang khá trầm lắng, nhất là hoạt động sản xuất phim truyện và phổ biến phim. Nói như, họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh thì điện ảnh Hà Nội vẫn “dậm chân tại chỗ” trong bối cảnh điện ảnh phía Bắc đang “ngủ quên”.

Nếu như trước đây, một số đơn vị sản xuất và phát hành phim “quốc doanh” đứng chân trên địa bàn Hà Nội đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo nên dòng chảy điện ảnh dân tộc mạnh mẽ, đậm bản sắc Việt thì nay đang phải vật vã cho sự tồn tại của chính mình trong sóng gió thị trường khốc liệt.

Trong số trên 30 phim truyện “made in Việt Nam” mỗi năm, chỉ có vài ba phim do các cơ sở “Trung ương” tại Hà Nội sản xuất bởi ngân sách nhà nước hỗ trợ. Các công ty điện ảnh tư nhân hiếm hoi như BHD, Galaxy Studio bấy lâu nay đã “vô Nam” làm phim, vài ba rạp chiếu thuộc 2 đơn vị ở Hà Nội cũng đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp phổ biến, phát hành phim có yếu tố đầu tư nước ngoài... Trong khi đó, phim tài liệu, khoa học và phim hoạt hình dù có sản lượng ổn định tầm trên 80 phim xuất xưởng theo kế hoạch đầu tư ngân sách hàng năm lại thiếu đầu ra kể cả chiếu rạp và phát sóng trên truyền hình”.

Theo nhà biên kịch Bành Thị Mai Phương - Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội, điểm nghẽn giữa khâu sản xuất và phổ biến phim đã và đang hạn chế hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ công chúng và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. Đó là chưa kể đến sự giảm nhiệt của hoạt động giao lưu điện ảnh tại Hà Nội trong thời gian gần đây, đặc biệt là sự thiếu vắng tác phẩm điện ảnh đạt chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật, nhất là tác phẩm về đề tài công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển... Những tồn tại, hạn chế này là nguyên nhân khiến điện ảnh chưa đóng góp nhiều cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa của Thành phố.

Tiếp thêm làn gió mới

Xuất phát từ thực tiễn đời sống văn học nghệ thuật Thủ đô; đồng thời nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, năm 2023 Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã đề xuất Đề án “Liên hoan phim ngắn Hà Nội”. Ngay sau khi được thành phố phê duyệt, ngày 22/5/2024, Hội Điện ảnh Hà Nội đã tổ chức lễ phát động Liên hoan phim ngắn Hà Nội lần thứ nhất (Giải Sao Khuê).

lien-hoan-phim-ngan-hn.jpg
Liên hoan phim ngắn Hà Nội như một làn gió mới tiếp thêm sinh lực mới, khơi dậy sáng tạo cho các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Thủ đô.

NSND Trần Quốc Chiêm – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cho hay, Đề án Liên hoan Phim ngắn Hà Nội nhằm tạo điều kiện cho các nhà điện ảnh Thủ đô sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao về mảnh đất và con người Thủ đô hơn một nghìn năm văn hiến, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh theo tiêu chí mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước, sống có lý tưởng, tình cảm, nhân cách và đạo đức.

Đề án tập trung vào nội dung tổ chức, xét giải đối với các tác phẩm phim ngắn sáng tác về đề tài Hà Nội với phong cách độc đáo, ngôn ngữ điện ảnh đa dạng, thể hiện cái nhìn mới mẻ, sáng tạo, nhiều màu sắc về mảnh đất và con người Hà Nội ngàn năm văn hiến. Ban tổ chức khuyến khích các tác phẩm có ý tưởng độc đáo, có sự tìm tòi và khám phá cách thể hiện mới về Thăng Long - Hà Nội, mang tính nhân văn sâu sắc, tôn vinh vẻ đẹp và giá trị văn hóa, con người Hà Nội.

Theo nhà biên kịch Bành Thị Mai Phương – Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội, kể từ khi thành lập Hội Điện ảnh Hà Nội đến nay, đây là lần đầu tiên Hội phát động Liên hoan phim. Liên hoan phim ngắn Hà Nội dành cho là các cơ sở, đơn vị sản xuất phim trên địa bàn Thành phố Hà Nội; người làm phim chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp hiện cư trú trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Phim dự thi được sản xuất từ năm 2021 đến nay, có độ dài dưới 60 phút. Mỗi đơn vị sản xuất được gửi tối đa 10 phim cho cả 3 loại hình (phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình).

phim-_su-tich-den-bach-ma_.jpg
Hoạt hình là một trong 3 thể loại sẽ được "tranh tài" trong Liên hoan phim ngắn Hà Nội 2024.

“Liên hoan phim ngắn Hà Nội được kỳ vọng là điểm hẹn giao lưu nghệ thuật của các nhà làm phim cũng như những người yêu điện ảnh để tạo nên một hoạt động hữu ích thúc đẩy sự tìm tòi sáng tạo. Hoạt động này cũng góp phần nâng cao đời sống văn hóa, thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho quảng đại quần chúng. Ngoài ra, Liên hoan phim còn là nơi những nghệ sĩ trẻ được học hỏi kinh nghiệm quý báu từ những nghệ sĩ từng đoạt giải cao trong các kỳ Liên hoan phim trong nước và Quốc tế, qua các buổi tọa đàm trao đổi về học thuật”, Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội nhấn mạnh.

Từ góc nhìn của người làm điện ảnh, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Văn Tân cũng đánh giá cao ý nghĩa của Đề án. Theo Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, phim ngắn tuy không phải đầu tư lớn về tài chính, yêu cầu cao về kỹ xảo, công nghệ nhưng đòi hỏi những người làm phim sáng tạo, đổi mới để không bước vào những lối mòn. Thực tế cho thấy, đã có nhiều nhiều người làm phim thành danh với thể loại phim này. Xác định được tầm quan trọng của phim ngắn đối với những người làm phim trẻ nên các giải thưởng Liên hoan phim đều có hạng mục dành cho phim ngắn. Đặc biệt, các Liên hoan phim ngắn được tổ chức chính là cơ hội quý giá để các tác giả, nhà làm phim trẻ tìm kiếm ý tưởng và sáng tạo, thể hiện tài năng và niềm đam mê, góp phần đem đến diện mạo mới cho điện ảnh Hà Nội nói riêng, điện ảnh Việt Nam nói chung.

Có thể nói, tiếp sau Liên hoan phim ngắn TP. Hồ Chí Minh (tổ chức lần đầu năm 2023, định kỳ 2 năm một lần), thì Liên hoan phim ngắn Hà Nội đã mở ra những tín hiệu vui cho những người làm điện ảnh. Trong bối cảnh Thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa với 12 lĩnh vực trọng tâm trong đó có điện ảnh, thì Liên hoan phim ngắn Hà Nội cũng chính là sự cụ thể hóa chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện ảnh của thành phố.

Hi vọng rằng từ sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố, cùng với sự tham gia hưởng ứng tích cực của các cơ sở, đơn vị, cá nhân trong hoạt đông sản xuất phim, Liên hoan phim ngắn Hà Nội 2024 sẽ có những “mùa vàng”, góp thêm làn gió mới cho sự phát triển của điện ảnh Thủ đô./.

Đặng Thủy