Chuyển động Hà Nội

Hà Nội đề xuất chi hơn 26.000 tỉ đồng cho phòng cháy, chữa cháy

Văn Thiện 15:49 24/06/2024

UBND TP. Hà Nội vừa có Tờ trình gửi HĐND thành phố xem xét, thông qua “Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CHCN) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

pccc.jpg
Cơ quan chức năng tổ chức diễn tập phương án PCCC cho người dân ở phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân).

Tại tờ trình, UBND TP. Hà Nội cho biết, thành phố hiện có 159.780 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó, có 8.261 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, 01 cảng hàng không quốc tế, 08 cảng sông, 10 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và khoảng trên 500 khu dân cư, làng nghề có nguy cơ cháy, nổ cao.

Những năm vừa qua, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác PCCC&CNCH của thành phố vẫn còn một số hạn chế, điển hình như: vẫn còn những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người xảy ra tại nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và một số loại hình cơ sở khác trong khu dân cư.

Trong khi đó, điều kiện hạ tầng, giao thông, nguồn nước liên quan phục vụ chữa cháy, CNCH chưa đồng bộ để đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế xã hội; nhận thức, ý thức trong công tác PCCC, CNCH của một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương (nhất là cấp phường, xã), người đứng đầu cơ sở và người dân chưa cao...

Do đó, đề án đưa ra dự báo tình hình và 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.

Cụ thể: Nhóm giải pháp thứ nhất: Tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành, địa phương từ cấp thành phố đến cấp cơ sở trong công tác PCCC&CNCH.

Nhóm giải pháp thứ hai: Làm tốt công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng; Tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan PCCC&CNCH.

Nhóm giải pháp thứ ba: Xây dựng và phát triển toàn diện hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC &CNCH, với 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.

Nhóm giải pháp thứ bốn: Đầu tư phát triển hạ tầng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, với 03 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.

Bên cạnh 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nêu trên; dự thảo Đề án cũng đề ra 5 nhiệm vụ định kỳ, thường xuyên.

UBND TP Hà Nội cho biết, đề án được thực hiện qua hai giai đoạn. Giai đoạn đến năm 2025 và giai đoạn năm 2026 – 2030.

Dự kiến sơ bộ khái toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đề án khoảng 26.341,45 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách cấp thành phố khoảng 13.852,67 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện khoảng 12.488,78 tỷ đồng.

Cụ thể, giai đoạn 1 (từ nay đến hết năm 2025) sơ bộ kinh phí dự kiến khoảng 10.620,35 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến năm 2030) sơ bộ dự kiến kinh phí khoảng 15.721,1 tỷ đồng.

Quá trình triển khai thực hiện, căn cứ vào từng giai đoạn, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã chủ động lập dự án, gói dự án và dự toán kinh phí. Đồng thời, đề xuất nguồn ngân sách đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và đảm bảo theo quy định.

Dự kiến, đề án trên sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP Hà Nội được tổ chức từ ngày 1- 5/7/2024./.

Văn Thiện