Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến ra mắt tập thơ “Hỗn độn và khu vườn”
Nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến đã tạo dựng tên tuổi của mình ở lĩnh vực âm nhạc với bài hát “Bà tôi.” Anh cũng rất thành công với vai trò là một kiến trúc sư. Song, cá tính nhà thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến dường như ít nổi tiếng hơn cả, với tập thơ gần nhất đã in từ năm 2001.
Tập thơ “Hỗn độn và khu vườn” của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phối hợp cùng Công ty Nhã Nam ra mắt bạn đọc trong mùa hè 2024.
Sách dày 268 trang, được chia làm 5 chương, gồm: Hoa lạ, Hỗn độn và khu vườn, Trầm cảm đô thị, Chàng thơ, Hoa nở không tên.
Cuốn sách mang đến một hình dung về những chặng đường đời, những chặng đường thơ của tác giả. Thuở ban đầu là nỗi háo hức mê say khám phá những khả năng của chữ, thời trưởng thành là hình ảnh con người suy tư buồn bã với câu hỏi “tôi là gì,” và ở phần cuối là mảnh tâm tư đã nhiều phần tìm được chốn bình yên.
Có hai nhân cách hiển hiện trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, con người của nhà quê và con người của lang bạt. Con người nhà quê nhớ thương nguồn cội, nhớ về ông bà, đám giỗ, với bờ ao, mảnh vườn, tường gạch, cọng rơm… Còn con người lang bạt, lang bạt nơi thị thành hay lang bạt trong cõi riêng, hiện ra mơ mộng hơn, suy tư hơn, chán chường hơn, lại có chút bông phèng bất cần đời.
Nguyễn Vĩnh Tiến (sinh năm 1974) được biết đến là một người tài hoa, ghi dấu ấn tên tuổi của mình trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, từ kiến trúc đến âm nhạc, đặc biệt là văn chương. Đến với thơ ca từ năm 8 tuổi, anh không chỉ được biết đến qua các bài thơ mang phong cách mới lạ, sáng tạo, mà còn nổi tiếng với những ca khúc có giai điệu độc đáo và lời ca sâu lắng.
Nhiều ca khúc nổi tiếng do chính anh phổ nhạc từ thơ của mình như: Bà tôi, Chồn hoang, Hoa chi chi, Cái roi tre… Thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến thường mang đậm chất trữ tình, giàu cảm xúc và tư tưởng, làm nổi bật những chủ đề như tình yêu, cuộc sống và con người với một góc nhìn sâu sắc và mới mẻ./.