Y tế - Giáo dục

Chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức về hiến, ghép tạng từ người chết não

Tô Ngọc Oanh 15:42 20/06/2024

Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (Bộ Y tế) đã tổ chức chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức về hiến, ghép tạng từ người chết não tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vào chiều 18/6.

Theo báo cáo của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, ca chết não hiến tạng đầu tiên vào tháng 5/2010 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Từ năm 2010 đến 2022, mỗi năm có từ 10 - 11 ca chết não hiến tạng tại nước ta. Riêng năm 2023 có 16 ca chết não hiến tạng. Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 10 ca chết não hiến tạng. Dù số ca chết não hiến tạng đã tăng lên nhưng tình trạng thiếu tạng ở Việt Nam vẫn ở mức rất trầm trọng.

Phát biểu tại chương trình, PGS. TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, hiện nay, Việt Nam đã thực hiện ghép thành công hầu hết các tạng như các nước phát triển gồm thận, gan, tim, phổi, tụy và ruột. Trong hai năm gần đây, nước ta ghi nhận hơn 1.000 ca ghép tạng mỗi năm, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có số lượng ca ghép tạng hàng năm cao nhất khu vực Đông Nam Á.

PGS. TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người phát biểu tại chương trình.

“Dù vậy, danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn dài. Mỗi ngày vẫn có nhiều người bệnh phải qua đời vì không có tạng để ghép. Trong khi đó, số người chết não hiến mô, tạng tại Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới”, PGS. Tiến sĩ Đồng Văn Hệ nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, 94% nguồn tạng hiến ở nước ta từ người sống, chỉ có 6% tạng hiến từ người chết não, trái ngược với tỷ lệ 40 - 90% ở các nước phát triển. Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhận thức về hiến ghép tạng vẫn còn hạn chế. Sự hiểu biết chưa đúng, thậm chí hiểu sai về các khái niệm “chết não”, “chết tim” gây ra những khó khăn, rào cản khiến tỷ lệ hiến mô tạng từ người chết não, chết tim còn thấp.

Toàn cảnh chương trình.

Theo PGS. TS Đồng Văn Hệ, để giúp các bệnh viện có nguồn tạng ghép cho người bệnh, Việt Nam cần phải có khoảng 600 bệnh viện có nguồn các ca chết não tiềm năng tham gia mạng lưới vận động hiến tặng mô, tạng. Vì thế, cần tổ chức đào tạo, tập huấn cho chính nhân viên y tế trong bệnh viện. Khi nhân viên y tế hiểu đúng về khái niệm chết não, chết tim; thậm chí phát hiện chết não “tiềm năng” họ chắc chắn là cầu nối giữa gia đình người bệnh đến với các cơ sở cấy ghép mô, tạng./.

Tô Ngọc Oanh