Sự kiện & Bình luận

Đến năm 2025, Hà Nội sẽ hình thành 10.000 doanh nghiệp công nghệ số

Quỳnh Chi 19/06/2024 21:49

Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 hình thành 10.000 doanh nghiệp công nghệ số 10 nhóm sản phẩm, công nghệ số là sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội; ươm tạo được 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ số có khả năng cung cấp ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ cho phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của Thành phố.

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg về “Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”; Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Quyết định số 36/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Quyết định số 58/QĐ-UBQGCĐS ngày 19/4/2024 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số ban hành “Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số”; Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27/9/2023 của UBND Thành phố Hà Nội về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch “Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025”.

khoi-nghiep.jpg
Các đại biểu tham quan sản phẩm đổi mới sáng tạo tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Thủ đô năm 2023. (Ảnh tư liệu)

Kế hoạch đặt ra chỉ tiêu phấn đấu hình thành 10.000 doanh nghiệp công nghệ số 10 nhóm sản phẩm, công nghệ số là sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội; phấn đấu ươm tạo được 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ số có khả năng cung cấp ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ cho phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của Thành phố.

Cùng đó cụ thể hóa, xác định rõ nội dung nhiệm vụ, giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn Hà Nội đến năm 2025 gắn với phân công thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương của Thành phố bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu UBND Thành phố đặt ra, đó là Thành phố tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp chung phát triển các loại hình doanh nghiệp công nghệ số qua việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Nhà nước, Thành phố, hoạt động phát triển các loại hình doanh nghiệp công nghệ số trên hệ thống báo chí Hà Nội, báo chí Trung ương, trên các nền tảng số, Cổng, trang thông tin điện tử của Thành phố, sở, ngành, quận, huyện, thị xã, Trang thông tin điện tử doanh nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin thành phố Hà Nội và các phương thức truyền thông phù hợp khác.

Tổ chức tuyên truyền đổi mới nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về phát triển và ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích các cơ quan nhà nước của Thành phố ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp công nghệ số. Tuyên dương các doanh nghiệp công nghệ số thực hiện tốt chiến lược “Make in Viet Nam” giai đoạn 2021 - 2025.

Cùng đó, Thành phố sẽ ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, khảo sát, đánh giá về tình hình phát triển doanh nghiệp công nghệ số phục vụ công tác quản lý của Thành phố và xếp hạng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trên cơ sở đó, thành phố nghiên cứu và đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp công nghệ số.

Đến năm 2025, Thành phố tập trung xây dựng, ban hành các văn bản sau: Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2026 – 2030; Chính sách hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp công nghệ số; Chính sách thu hút đầu tư về công nghệ thông tin, công nghệ số và vi mạch bán dẫn vào các khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn Thành phố, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; tháo gỡ khó khăn đối với Khu công nghệ thông tin tập trung Cầu Giấy và Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội.

doi-moi-sang-tao.jpg
Hà Nội luôn xác định khởi nghiệp sáng tạo là hướng đi quan trọng của Thủ đô. (Ảnh minh họa).

Hà Nội đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, trong đó thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn Thành phố đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng di động 5G, ưu tiên phát triển mạng di động 5G tại các khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn Thành phố và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Thành phố đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ. Cụ thể, tăng cường các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật, vi mạch bán dẫn, ...) trong các chương trình khoa học và công nghệ của Thành phố. Thông tin về các hoạt động cho vay từ Quỹ đầu tư phát triển của Thành phố để các doanh nghiệp công nghệ số tiếp cận nguồn vốn cho vay thực hiện sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ cho phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của Thành phố.

Hà Nội đồng thời sẽ tạo lập thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số. Thông tin các chương trình, kế hoạch và đề án về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh của thành phố Hà Nội trên Cổng thông tin điện tử của Thành phố để các doanh nghiệp tiếp cận và có định hướng nghiên cứu, phát triển, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của Hà Nội.

Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp công nghệ số, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Định kỳ hằng năm tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa chính quyền Thành phố với doanh nghiệp công nghệ số để các bên lắng nghe, trao đổi, tháo gỡ khó khăn trên tinh thần chung của Thành phố “Chính quyền đồng hành - Doanh nghiệp hiến kế - Kinh tế phát triển”. Thành phố tổ chức hội thảo, triển lãm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số của các doanh nghiệp công nghệ số hằng năm.

Thành phố tổ chức ký kết các chương trình hợp tác giữa chính quyền với các Hội, Hiệp hội trong nước, nước ngoài nhằm thúc đẩy các cam kết phát triển doanh nghiệp công nghệ số; tạo điều kiện và dẫn dắt các doanh nghiệp công nghệ số phát triển ra các thị trường trong và ngoài nước.

Về nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, Thành phố Hà Nội sẽ phát triển các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; Phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất; Phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; Phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ số…/.

Hà Nội luôn xác định khởi nghiệp sáng tạo là hướng đi quan trọng của Thủ đô, lấy người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ, chính vì vậy, chính quyền Thành phố luôn tạo mọi điều kiện để người dân và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên tổng số 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước (chiếm 26,32%); có 32 vườn ươm doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực (chiếm 38,1% tổng số vườn ươm của cả nước); có 14 tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh (chiếm 40% cả nước). Từ năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới trên địa bàn thành phố đã huy động được hơn 1 tỷ USD với 100 thương vụ gọi vốn thành công.

Quỳnh Chi