Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Mỹ Đức lần thứ III năm 2024
UBND huyện Mỹ Đức đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III năm 2024 trong hai ngày 17 - 18/6 với chủ đề “Đồng bào các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, hội nhập phát huy lợi thế, tiềm năng tích cực xây dựng huyện Mỹ Đức phát triển bền vững”. Đại hội đã tổng kết, đánh giá công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024, đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2024 - 2029, và lựa chọn đại biểu tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp Thành phố lần thứ IV.
Công tác dân tộc (CTDT), chính sách dân tộc (CSDT) giai đoạn 2019 - 2024 đạt nhiều thành tựu to lớn
Phát biểu khai mạc đại hội, ông Đặng Văn Cảnh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Đức cho biết: Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III năm 2024 nhằm tổng kết, đánh giá những thành tựu nổi bật trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các dân tộc thiểu số huyện. Đồng thời, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong toàn huyện.
Theo báo cáo chính trị được trình bày tại Đại hội cho thấy, hiện nay, huyện Mỹ Đức có 16 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, chiếm tỷ lệ 3,24% dân số toàn huyện, trong đó dân tộc Mường chiếm 3,04%, các dân tộc thiểu số khác chiếm 0,2%. Đồng bào DTTS cư trú ở hầu hết các xã, thị trấn nhưng chủ yếu là tập trung ở xã An Phú.
5 năm đẩy mạnh thực hiện CTDT, CSDT, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết, không ngừng nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các Kế hoạch của Nhà nước, chỉ đạo và triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện địa phương nên đã đạt được những kết quả hết sức to lớn trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, tạo tiền đề cơ bản để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Đường giao thông liên xã, liên thôn, trục đường thôn, bản được bê tông hóa đạt 100%. Qua đó, kết cấu hạ tầng vùng dân tộc và miền núi đã được cải thiện rõ rệt, góp phần đắc lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của đồng bào vùng dân tộc và miền núi.
Tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 6%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 45 triệu đồng, năm 2023 là 56 triệu đồng (tăng 11 triệu đồng so với năm 2019). Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm từ 6,5% (cuối năm 2019) xuống còn 0,8% (cuối năm 2023). Bên cạnh đó, từ năm 2019 - 2022 huyện đã xây mới, sửa chữa 43 hộ nghèo, hộ cận nghèo (số tiền 2.150 tỷ đồng); hỗ trợ tổng kinh phí: 373,611 triệu đồng. Từ năm 2019 đến hết năm 2023, hỗ trợ tiền điện với tổng kinh phí là 373,611 triệu đồng. Giới thiệu, giải quyết việc làm cho 415 lao động (2019 - 2023).
Quản lý giáo dục - đào tạo được đẩy mạnh, đa số các cơ sở trường học đã được kiên cố hoá, hạ tầng hoá. Tỷ lệ học sinh Mầm non, Tiểu học, THCS đến trường đúng độ tuổi đạt 100%, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương là 80%, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ngày càng tăng. Chất lượng dạy và học được nâng lên; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp ngày càng cao. Đến nay đã có 2/3 trường đạt chuẩn quốc gia.
Công tác y tế được chú trọng đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường; đội ngũ cán bộ được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về mọi mặt. Tích cực triển khai, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế theo đúng quy định, 100% người dân thuộc các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được cấp thẻ BHYT. Tính đến hết tháng 5/2024 đã cấp 745 thẻ BHYT cho đối tượng theo Nghị định 75/2023/NĐ/-CP.
Bên cạnh đó, đời sống văn hoá của đồng bào các dân tộc được nâng cao. Hiện nay, có 89% số hộ đạt gia đình văn hóa; 12/13 thôn tại xã An Phú được công nhận Làng văn hóa, chiếm 92%. Ngoài ra, việc bảo tồn và phát triển văn hóa vùng DTTS được quan tâm sâu sắc, đặc biệt là trên địa bàn xã An Phú. Giai đoạn 2016 – 2020 đã tổ chức 4 lớp tập huấn truyền dạy về kỹ thuật đánh cồng chiêng, nhạc cụ và hát dân ca Mường; thành lập 6 đội cồng chiêng, 4 đội nhạc cụ dân tộc, 2 Câu lạc bộ hát dân ca Mường, 130 bộ trang phục dân tộc. Tổ chức 10 lớp tập huấn đánh cồng chiêng, đánh nhạc cụ dân tộc và hát dân ca Mường với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng.
Chính sách cho người có uy tín cũng được thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời, nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS với tổng kinh phí thực hiện từ năm 2019 đến năm 2024 là 1.170,5 triệu đồng.
Phát huy tinh thần “Đồng bào các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, hội nhập phát huy lợi thế, tiềm năng tích cực xây dựng huyện Mỹ Đức phát triển bền vững” giai đoạn 2024-2029
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng Ban Dân tộc Thành phố Hà Nội ghi nhận và biểu dương những kết quả mà cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thiểu số huyện Mỹ Đức đạt được trong 5 năm qua.
Phát huy tinh thần chủ đề của đại hội là “Đồng bào các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, hội nhập phát huy lợi thế, tiềm năng tích cực xây dựng huyện Mỹ Đức phát triển bền vững”, Trưởng ban Dân tộc thành phố đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; củng cố vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.
Đại hội đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2024 - 2029. Theo đó, huyện Mỹ Đức tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS; tích cực huy động các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào DTTS phát triển du lịch sinh thái. Xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, văn hóa các dân tộc và văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Nâng cao năng lực cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; trang bị, bổ sung kiến thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở và cộng đồng về năng lực quản lý điều hành, triển khai thực hiện các Chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, chính sách dân tộc; hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với mục tiêu cụ thể hướng tới đảm bảo mức sống của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bằng với các xã khác trong huyện, 100% trường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục, 100% thôn làng có nhà văn hóa, và 86 - 88% các gia đình được công nhận giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa. Ngoài ra, cần duy trì chuẩn quốc gia về y tế, cải thiện cơ sở hạ tầng, và đào tạo nghề cho trên 80 -85% lao động. Phấn đấu để 100% hộ dân sử dụng nước sạch và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2029.
Trong khuôn khổ đại hội, 17 đại biểu đã được lựa chọn tham dự Đại hội Đại biểu các Dân tộc Thiểu Số cấp Thành phố và thông qua dự thảo Quyết tâm thư Đại hội, giai đoạn 2024 - 2029.
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Mỹ Đức là không chỉ dịp quan trọng để củng cố sự đoàn kết của các dân tộc huyện Mỹ Đức cùng Đảng bộ và Chính quyền huyện nhà cùng một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước, mà còn là cơ hội để xác định và định hướng các chính sách ưu tiên cho giai đoạn sắp tới, hướng tới mục tiêu phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh xây dựng quê hương Mỹ Đức ngày càng giàu đẹp và phát triển bền vững./.