Y tế - Giáo dục

Hà Nội: Người dân thụ hưởng nhiều tiện ích khi ngành y tế tích cực triển khai chuyển đổi số

Đình Thế 15:20 18/06/2024

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong lộ trình phát triển, là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành Y tế Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quản lý, khám chữa bệnh.

kcb-bhyt_20220301021143pm.png
Người dân khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030"; Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố đã chỉ đạo ngành y tế Hà Nội cần tập trung nghiên cứu 3 vấn đề, gồm: Quy hoạch ngành và chiến lược của ngành trong thực hiện chuyển đổi số; xây dựng quy chế và quy trình.

Ngành y tế Thủ đô đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe như: Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử; đăng ký và khám bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp; đặt lịch khám qua điện thoại; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; ứng dụng hiệu quả các phần mềm quản lý bệnh viện… đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ với nhiều giải pháp thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và Nghị quyết số 18/NQ-TU, Tính từ ngày 01/01/2024 đến nay, các cơ sở khám, chữa bệnh của ngành Y tế Hà Nội đã tiếp đón hơn 4 triệu lượt khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế. Các cơ sở tiêm chủng đã xác thực điện tử cho 17,31 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác Đề án 06 các địa phương tổ chức xác thực trên 1 triệu trường hợp sai thông tin. Liên thông và ký số thành công khoảng 196 nghìn hồ sơ lên Cổng giám định bảo hiểm y tế.

Về việc triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử, thành phố đã khởi tạo Hồ sơ sức khỏe điện tử của hơn 9 triệu người dân; chuẩn hóa thông tin trên hệ thống cho 7,75 triệu người; hơn 6,16 triệu người được cập nhật bổ sung thông tin căn cước công dân; hơn 4,3 triệu người dân được cập nhật bổ sung số thẻ bảo y tế.

Ngoài ra, Hà Nội cũng hoàn thành việc cấp 3.200 tài khoản cho các đơn vị, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng hệ thống; tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế của 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa và 297 trạm y tế. Đến nay, thành phố đã đồng bộ được gần 3,3 triệu Hồ sơ sức khỏe của người dân lên Cổng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để phục vụ hiển thị thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên Ứng dụng VneID.

Đáng chú ý, việc ứng dụng chuyển đổi số trong khám chữa bệnh đã có 5 bệnh viện của ngành y tế Hà Nội triển khai hiệu quả bệnh án điện tử gồm: Phụ sản Hà Nội, đa khoa Xanh Pôn, đa khoa Mỹ Đức, đa khoa Vân Đình và đa khoa Hòe Nhai. 5 bệnh viện triển khai khám chữa bệnh từ xa gồm Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội, đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Thanh Nhàn.

Là một trong những cơ sở đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã và đang đẩy mạnh việc khuyến khích người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ BHYT giấy.

Vốn là người có bệnh nền huyết áp cao, tiểu đường, hay đau ốm nên bà Nguyễn Thị Hoa (69 tuổi, quận Long Biên) thường xuyên đến bệnh viện Đa khoa Đức Giang kiểm tra sức khỏe.

Bà Nguyễn Thị Hoa cho biết, nhờ tích hợp thông tin bảo hiểm y tế vào căn cước công dân nên thủ tục thăm khám thuận lợi, nhanh chóng hơn so với trước. Việc sử dụng thẻ BHYT qua thiết bị di động giúp bà không phải lo lắng việc quên hoặc mất thẻ BHYT giấy. Qua đó, tiết kiệm thời gian, không phải làm thủ tục hay chờ đợi để được cấp lại thẻ do mất, hỏng.

Để đăng ký khám chữa bệnh, bà Hoa đã được nhân viên y tế hướng dẫn đăng ký bằng Face ID hoặc căn cước công dân gắn chip. Sau khi được chuyển đến phòng khám, bà được bác sĩ chỉ định đi thực hiện các xét nghiệm, chụp x-quang, siêu âm,…

“Nhờ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tối giản TTHC, đồng thời, tăng chất lượng KCB, đặc biệt là tạo được bước đột phá trong công tác quản lý. Hiện BV có số bệnh nhân đăng ký khám Face ID và thanh toán không dùng tiền mặt thuộc nhóm nhiều nhất miền Bắc. TTHC được số hoá tối đa, nên thời gian KCB của người dân giảm từ 3 giờ xuống còn 1,5 giờ”, TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang cho biết.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội luôn nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành tại các đơn vị, góp phần cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người dân được tốt hơn. 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai hệ thống khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT điện tử (VSSID); lắp đặt các thiết bị đọc thẻ CCCD gắn chíp để dần sử dụng thay thế cho thẻ BHYT.

Hiện nay, hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử đã tích hợp và lập được thông tin hành chính của hơn 7,7 triệu người dân. Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người dân cũng như ngành Y tế./.

Đình Thế