Y tế - Giáo dục

Nâng cao vai trò của Vật lý trị liệu trong hợp tác đa chuyên ngành

Tô Ngọc Oanh 22:07 16/06/2024

Ngày 16/6, tại Hà Nội, Hội Vật lý trị liệu Việt Nam (Vietnam Physical Therapy Association – VNPTA) đã tổ chức hội nghị Khoa học Vật lý trị liệu Việt Nam lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Vai trò của Vật lý trị liệu trong hợp tác đa chuyên ngành”. Hội nghị nhằm thúc đẩy việc hành nghề độc lập trong quá trình can thiệp Vật lý trị liệu trên cơ sở hợp tác đa chuyên ngành nhằm đưa đến dịch vụ chăm sóc tốt nhất, lấy người bệnh/khách hàng làm trung tâm.

Đây là sự kiện được tổ chức thường niên dưới sự chủ trì của Hội Vật lý trị liệu Việt Nam. Năm nay, hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của gần 500 đại biểu là các chuyên gia hàng đầu Hội Vật lý trị liệu quốc tế đến từ Mỹ, Úc, Bỉ, Nhật, Singapore, Đài Loan và chuyên gia đầu ngành vật lý trị liệu Việt Nam trao đổi các kết quả nghiên cứu, chứng cứ và ứng dụng lâm sàng trong lĩnh vực Vật lý trị liệu (VLTL).

l.jpg
Hội nghị với sự tham dự của gần 500 đại biểu là các chuyên gia hàng đầu lĩnh vực Vật lý trị liệu trong và ngoài nước.

Vật lý trị liệu đóng một vai trò quan trọng cả trong hệ thống y tế hiện đại và y học cổ truyền. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, VLTL ngày càng chứng tỏ vai trò không thể thiếu trong việc điều trị và phục hồi chức năng (PHCN) cho bệnh nhân sau chấn thương, phẫu thuật, hoặc mắc các bệnh mãn tính. Thông qua các phương pháp điều trị không dùng thuốc, VLTL giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe, cải thiện chức năng vận động, và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ Trưởng Bộ Y Tế cho biết, trong những năm qua, lĩnh vực VLTL đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng như hệ thống chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh được hoàn thiện; tổ chức hệ thống, mạng lưới VLTL, PHCN với 1 bệnh viện trung ương, 38 bệnh viện địa phương, khoảng 550 khoa VLTL/PHCN tại các cấp cơ sở KCB từ ban đầu đến chuyên sâu và 25 bệnh viện/trung tâm thuộc y tế các Bộ, ngành, đã ngày càng được củng cố và ngày càng phát triển, làm chủ những kỹ thuật cao; công tác chăm sóc sức khỏe PHCN dựa vào cộng đồng tiếp tục được đẩy mạnh ở các địa phương giúp cho người bệnh, người khuyết tật được chăm sóc ngày một tốt hơn, hoà nhập với cộng đồng và nâng cao sức khỏe toàn dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, VLTL vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Sự gia tăng của các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, và các bệnh lý cơ xương khớp đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và hiệu quả của các phương pháp VLTL. Hơn nữa, việc tiếp cận dịch vụ VLTL còn hạn chế ở nhiều vùng nông thôn và khu vực khó khăn. Đội ngũ nhân lực và cơ sở vật chất ở những khu vực này còn thiếu thốn, cần được đầu tư và phát triển.

z5544406511138_788181bc4bf597921badf92e8d453b83.jpg
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ Trưởng Bộ Y Tế phát biểu tại Hội nghị.

“Trước những thách thức đó, Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều chiến lược nhằm phát triển ngành VLTL/PHCN, nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng phạm vi tiếp cận cho người dân. Một trong những giải pháp quan trọng đó là chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, trong đó quy định rõ khái niệm về PHCN, có riêng một Điều 68 quy định về PHCN. Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 53 của Nghị định 96 hướng dẫn Luật KCB cũng đã mở rộng hơn đối tượng đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn của các cơ sở kỹ thuật PHCN, có thể là Bác sĩ hoặc Kỹ thuật y có trình độ cử nhân trở lên với phạm vi hành nghề chuyên khoa PHCN”, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ Trưởng Bộ Y Tế nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, ông Trần Văn Dần - Chủ tịch Hội Vật lý trị liệu Việt Nam cho biết, chuyên ngành Vật lý trị liệu tại Việt Nam đã và đang được phát triển, đóng góp vào công việc chăm sóc sức khỏe toàn dân. Vật lý trị liệu là phương pháp y học vừa an toàn, vừa hiệu quả. Việc nghiên cứu khoa học và sự hợp tác đa chuyên ngành để tối ưu hoá, nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh là vô cùng cần thiết.

Theo đó, hội nghị đã tập trung thảo luận, trao đổi các vấn đề liên quan đến vật lý trị liệu và hợp tác đa chuyên ngành; rối loạn cơ xương dưới góc nhìn đa chiều; bệnh lý nội khoa dưới góc nhìn của Vật lý trị liệu; đa chuyên ngành trong điều trị vật lý trị liệu bệnh lý thần kinh và đề ra những giải pháp hiệu quả về những thách thức đang đặt ra, đóng góp cho sự phát triển chuyên môn về PHCN của Việt Nam, cung cấp các bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả của các kỹ thuật VLTL giúp phục hồi chức năng cho người bệnh, người khuyết tật và nâng cao sức khoẻ người dân.

Hội Vật lý trị liệu Việt Nam – VNPTA được thành lập từ năm 2019, là tổ chức duy nhất đại diện tiếng nói cho các chuyên viên Vật lý trị liệu tại Việt Nam. Mục tiêu VNPTA hướng tới là nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng và thực hành lâm sàng dựa trên chứng cứ cho các chuyên viên Vật lý trị liệu. Từ vai trò của Vật lý trị liệu được nâng cao nhằm góp phần vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ y tế cho người dân Việt Nam.

Hiện nay, Hội VNPTA có hơn 1.400 hội viên gia nhập với khoảng 80% là các nhà VLTL, 15% là các sinh viên đang học tập hệ Cử nhân ngành Vật lý trị liệu trên cả nước. Hội được thành lập nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên; động viên, giúp đỡ, khuyến khích cá nhân, tổ chức, thành viên học tập nâng cao năng lực chuyên môn, thực hành nghề nghiệp đúng theo chuẩn năng lực của nghề nghiệp và đạo đức./.

Tô Ngọc Oanh