Chuyển động Hà Nội

Thực hiện hương ước, quy ước: nhận được sự quan tâm sát sao của các cấp lãnh đạo và sự ủng hộ tích cực của nhân dân

Ly Ly 18:34 12/06/2024

Ngày 12/6, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội tiếp tục tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức về công tác xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước năm 2024 cụm số 02 (bao gồm các huyện: Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hoà, Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên) và cụm số 03 (bao gồm các quận, huyện: Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Thanh Trì).

Nhiều kết quả tích cực

Theo báo cáo của huyện Chương Mỹ, từ năm 1995 đến năm 2023, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện được cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đã đạt nhiều kết quả tích cực, tác động đến các phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Thôn văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội góp phần gìn giữ và phát huy phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân cư ở mỗi địa phương.

1.jpg
Quang cảnh Hội nghị tập huấn sáng 12/6 tại huyện Chương Mỹ.

Thực hiện Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ, UBND huyện Chương Mỹ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn các các thôn, tổ dân phố rà soát, sửa đổi, bổ sung và thực hiện hương ước, quy ước. Các xã, thị trấn đã lồng ghép nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện hương ước, quy ước trong nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và gia đình cấp xã. Đến ngày 12/9/2023, trên địa bàn huyện có 114/208 thôn, tổ dân phố thuộc 18/32 xã, thị trấn đã thực hiện xong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và có quyết định phê duyệt hoặc công nhận hương ước, quy ước mới. Việc xây dựng, rà soát, bổ sung, sửa đổi và thực hiện hương ước, quy ước của các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Chương Mỹ trong những năm qua đã góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở; hạn chế, loại bỏ các tập tục lạc hậu trong đời sống xã hội; giữ gìn, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư và hình thành các giá trị văn hóa mới, tiến bộ; bài trừ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, tổ chức lễ hội ở địa phương; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mê tín dị đoan; thực hiện tốt nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ; nâng cao ý thức bảo vệ các di tích, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên của nhân dân; bảo đảm an ninh trật tự, phát huy dân chủ ở cơ sở.

Đối với quận Bắc Từ Liêm, việc xây dựng quy ước, hương ước có ý nghĩa vô cùng quan trọng đến đời sống của nhân dân, cộng đồng, khu dân cư, có tác động trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ ở cơ sở, qua đó việc tổ chức Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở được lồng ghép và phát huy kết quả rõ rệt trong xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

2.jpg
Đại biểu chia sẻ tại Hội nghị tập huấn chiều ngày 12/6 tại quận Bắc Từ Liêm.

Việc cưới, tang, lễ hội, mừng thọ được thực hiện đúng theo quy định của Trung ương, Thành phố: tỷ lệ hoả táng luôn đạt trên 90%; 100% đám cưới được tổ chức văn minh; 100% lễ hội được tổ chức đúng nghi lễ. Việc đóng góp xây dựng các công trình dân sinh được Nhân dân ủng hộ nhiệt tình với hàng nghìn mét đường được đóng góp xã hội hoá. Công tác vệ sinh môi trường các tuyến đường, ngõ trong khu dân cư được Nhân dân hưởng ứng tổ chức định kỳ và theo điều kiện cụ thể của từng đợt thi đua. Quy ước, hương ước giúp nhân dân đấu tranh phòng ngừa với các tệ nạn xã hội và phòng chống các dịch bệnh, vượt qua đại dịch Covid-19. Nhiều mô hình tiêu biểu của quận được nhân dân hưởng ứng, phát huy hiệu quả như: phong trào con đường bích họa trên với 55 tuyến đường được bừng sáng nhờ hàng nghìn mét bích họa; cuộc vận động thực hiện xây dựng “Tổ dân phố xanh - sạch - an toàn - văn minh”, “Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng”; “Gia đình tình nguyện, cộng đồng tình nguyện và công tác giải phóng mặt bằng các tuyến đường lớn, các dự án dân sinh. Riêng trong năm 2023, nhân dân đã xã hội hoá hơn 4,4 tỷ đồng để xây sửa 1.114m đường, 10 nhà văn hoá, 12 cổng chào, 21 đoạn đường nở hoa, 12 sân vui chơi.

Còn theo đại biểu Bùi Văn Hải - Trưởng thôn Trê, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, quy ước đi vào cuộc sống như nét đẹp văn hoá truyền thống thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới ở thôn Trê xã Tuy Lai nói riêng, góp phần cùng huyện, Thành phố xây dựng “Văn hóa người Hà Nội” trong thời đại mới.

Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung

Theo đại diện của huyện Chương Mỹ, Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức về công tác xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước năm 2024 là rất cần thiết đối với các địa phương từ huyện đến thôn, tổ dân phố để xác định nhận thức, trách nhiệm công tác chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung và thực hiện quy ước, hương ước là thường xuyên nhằm phát huy dân chủ ở cơ sở, huy động sự tham gia đóng góp tích cực của cộng đồng dân cư; phát hiện, sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp, không đúng quy định của pháp luật để quy ước, hương ước sau khi sửa đổi, bổ sung được cộng đồng dân cư ủng hộ, tham gia thực hiện, thực sự đi vào cuộc sống.

Chia sẻ tại Hội nghị, đại biểu Phạm Đức Cường, trưởng thôn My Hạ, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai cho biết, hằng năm tại cơ sở đều có việc xây dựng, bổ sung các nội dung vào quy ước, hương ước để giúp cho cộng đồng dân cư duy trì và phát triển các quy tắc xử sự văn minh, lành mạnh trong cộng đồng, nhờ đó mà cộng đồng tăng cường đoàn kết giữa các thành viên.

Đại diện Ban công tác mặt trận phố Lê Lợi, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hoà cho hay, thực hiện Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Tổ dân phố Lê Lợi hiện đang tiếp tục rà soát lại các nội dung của Quy ước Tổ dân phố văn hoá để phù hợp hơn với tình hình thực tế tại địa phương và các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Dự kiến hoàn thành trong tháng 7 năm 2024.

3.jpg
Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu tại Hội nghị tập huấn ngày 12/6.

Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh chia sẻ, với mong muốn tiếp tục được cập nhật thêm nhiều kiến thức, kỹ năng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham gia triển khai trực tiếp trong công tác quản lý, xây dựng và thực hiện quy ước hương ước tại cơ sở; Hội nghị tập huấn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực đối với cán bộ cơ sở các cấp trong quá trình triển khai thực hiện quy ước hương ước tại địa phương./.

Ly Ly