Sự kiện & Bình luận

Hà Nội tháo gỡ "điểm nghẽn' trong triển khai Đề án 06

KT 20:00 10/06/2024

Sáng 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn' trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.

Cùng dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và trụ sở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh dự hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải và lãnh đạo các sở, ngành...

Thủ tướng: Quyết liệt hơn để Đề án 06 mang lại lợi ích thiết thực

img5478-171798358489557084916-1717983779166131427999920240610133123.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số ở nước ta trong thời gian qua, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, các thành viên Tổ công tác, các bộ, ngành, địa phương triển khai tương đối đồng bộ, tích cực, hiệu quả.

Việc triển khai Đề án 06 đã mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Đề án 06 đã đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đổi mới phương thức quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.

"Trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án 06 suốt hơn 2 năm qua, chúng ta đặc biệt ghi nhận và trân trọng cảm ơn những đóng góp tích cực, quan trọng của đồng chí Đại tướng Tô Lâm, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 và đồng chí Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ Công tác đối với Đề án 06; xin chúc mừng hai đồng chí được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao trọng trách cao hơn", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được của Đề án 06, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, "ngủ quên trong chiến thắng".

"Cách đây 1 năm, trong quá trình triển khai Đề án 06, chúng ta đã nhận diện nhiều khó khăn, thách thức và "điểm nghẽn" cần phải tập trung tháo gỡ ngay, liên quan đến pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn, nguồn nhân lực...", Thủ tướng chỉ ra.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ (tại văn bản số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023). Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị yêu cầu thực hiện đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu thuế, ngân hàng, viễn thông... để định danh, xác thực cá nhân, tổ chức trên môi trường điện tử; phòng ngừa hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới (Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023).

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào các vấn đề:

Thứ nhất, đánh giá một cách thẳng thắn, khách quan, có số liệu minh chứng cụ thể về kết quả thực hiện nhiệm vụ được đề ra tại Văn bản số 452 và Chỉ thị số 18 với tinh thần khách quan, trung thực, "không tô hồng, không bôi đen";

Nêu bật những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc; đặc biệt cần phát hiện được nguyên nhân, phân tích rõ các bất cập thì mới xây dựng được giải pháp để hóa giải khó khăn, thách thức, bất cập, từ đó chuyển đổi trạng thái nhanh (như về thể chế, chính sách, đầu tư phát triển hạ tầng số, xây dựng nền tảng số, phát triển nhân lực số, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin...).

Thứ hai, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của các cấp, ngành và địa phương trong triển khai Đề án 06 và Chỉ thị số 18 (như phát triển hạ tầng số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến;

Phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin, liên thông các hệ thống thông tin hình thành dữ liệu lớn, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử...).

Thứ ba, chỉ ra bài học kinh nghiệm, xác định rõ các quan điểm, phương hướng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong ngắn hạn và dài hạn; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ đạo mới, bài bản và hiệu quả, bền vững hơn nữa.

Hà Nội tháo gỡ "điểm nghẽn", đẩy mạnh phát triển kinh tế số

ubnd120240610133309.jpg
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh dự hội nghị. Ảnh: Mai Hữu

Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tham luận tại hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế. Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ-HĐND, ngày 04/7/2023 quy định mức thu bằng ‘‘không’’ đến hết 31/12/2025 đối với 82 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố tăng cường hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế…

Về một số kết quả cụ thể, đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP Hà Nội theo nhiệm vụ Chính phủ giao với 4/4 nội dung quan trọng: Hoàn thành việc xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP Hà Nội phục vụ công tác quản lý, khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố; kết nối chia sẻ dữ liệu về khám chữa bệnh của người dân thành phố với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố với 651 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn; tạo dữ liệu của hơn 9,2 triệu người dân với hơn 16,2 triệu lượt khám trên phần mềm hồ sơ sức khỏe thành phố từ các nguồn dữ liệu; đồng bộ được 3,5 triệu hồ sơ người dân với 48/48 trường thông tin theo Quyết định của Bộ Y tế.

Thành phố đã đưa vào vận hành hệ thống thẻ vé điện tử trên xe buýt, thực hiện triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại 57 điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố, kết quả có 79,9% lượt giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Việc thanh toán không dùng tiền mặt công khai, minh bạch, áp dụng công nghệ an toàn, thuận tiện đã nhận được hài lòng, ủng hộ của người dân.

Trong vòng hơn 1 tháng triển khai thực hiện đã có 8.000 lượt công dân thực hiện yêu cầu cấp Lý lịch tư pháp qua VNeID đã có 78,6% số yêu cầu cấp phiếu được thực hiện qua VNeID. Việc cấp Lý lịch tư pháp trên VNeID là tiền đề cho việc chuyển đổi và sử dụng tài khoản VNeID mức độ 2 là tài khoản duy nhất trong thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến bắt đầu áp dụng từ 1/7/2024.

Với phương châm 3 nắm chắc “đối tượng - kê khai - dòng tiền”, đến tháng 6/2024 Cục Thuế Hà Nội đã định danh và tổng hợp được dữ liệu lớn về thương mại điện tử gồm 418 doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử, 668 chủ thể kinh doanh sản phẩm và nội dung số…

Trên cơ sở dữ liệu từ 3 sàn lớn nhất là Shopee, Tiki, Lazada, Cục Thuế Hà Nội đã tổng hợp, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về định danh các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử, doanh thu kê khai, số thuế đã nộp, tài khoản ngân hàng... của trên 366.857 shop, tương ứng 197.848 mã số thuế tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh thuộc 3 sàn nêu trên.

Kết quả tổng số thuế đã thu được năm 2024: Từ 418 sàn thương mại điện tử đạt 2.547 tỷ đồng; từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử đạt 7.362 tỷ đồng (doanh nghiệp 6.668 tỷ đồng, hộ kinh doanh 608 tỷ đồng, cá nhân 86 tỷ đồng).

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ trong triển khai Đề án 06, đặc biệt là tháo gỡ các điểm nghẽn. Đẩy mạnh, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế số; Tăng cường quảng lý Nhà nước đối với thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế…

Thành phố sẽ chủ động trong tổ chức thực hiện, đề xuất thí điểm những việc mới, việc khó nhất là vấn đề liên quan đến phục vụ đời sống dân sinh. Đồng thời, tham mưu báo cáo, đề xuất tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc về thể chế, tiêu chuẩn định mức, về dữ liệu và chia sẻ dữ liệu, tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số./.

KT