Y tế - Giáo dục

Đào tạo phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô

Tô Ngọc Oanh 06/06/2024 05:52

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu, giai đoạn 2024-2026 phấn đấu 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn được tuyên truyền nâng cao nhận thức về đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Nội dung trên được đưa ra tại Kế hoạch số 167-KH/UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện Quyết định số 123/QĐ-LĐTBXH ngày 31/1/2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt Đề án “Đào tạo phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” trên địa bàn thành phố đến năm 2030.

Kế hoạch trên nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết giúp cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên có khả năng giải quyết tốt hơn các vấn đề trong quá trình làm việc, nghiên cứu, học tập. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo tiền đề cho việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực có kỹ năng nghề, từng bước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động trong nước và quốc tế.

top-trung-tam-dao-tao-ky-nang-mem-tot-nhat-hcm.jpg
Các bạn trẻ cần được rèn luyện và trang bị cho mình những kỹ năng mềm cần thiết. (Ảnh minh họa)

Đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ, nhà giáo và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên; tạo điều kiện thuận lợi thanh niên và học sinh, sinh viên có cơ hội được phát triển kỹ năng mềm và tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.

Theo đó, kế hoạch được triển khai theo 2 giai đoạn:

Giai đoạn 2024-2026, thành phố phấn đấu 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn được tuyên truyền nâng cao nhận thức về đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, tổ chức hoặc cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các kiến thức, kỹ năng mềm cho 100-300 lượt cán bộ quản lý, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao năng lực và hình thành đội ngũ nhà giáo, chuyên gia đào tạo và phát triển kỹ năng mềm.

Giai đoạn 2026-2030, thành phố nghiên cứu mô hình và tổ chức thí điểm đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên, học sinh, sinh viên tại 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố (dự kiến thí điểm đào tạo, phát triển cho khoảng 1.500 lượt thanh niên, học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp). Phấn đấu đến hết năm 2030, 100% trường cao đẳng, 80% trường trung cấp, 50% trung tâm giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo, lồng ghép đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp.

Đáng chú ý, thành phố sẽ hình thành mạng lưới, liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Để thực hiện các chỉ tiêu trên, UBND TP Hà Nội đặt ra 7 nhiệm vụ và giải pháp, gồm có:

1. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh niên, học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, nhà giáo và các cơ quan, tổ chức về đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên, học sinh, sinh viên như tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi giao lưu, tọa đàm, diễn đàn trực tuyến trên các báo điện tử, truyền hình; tổ chức truyền thông trên mạng xã hội;...

2. Cập nhật chương trình và tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng mềm dành cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, thanh niên, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

3. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhà giáo làm công tác đào tạo và phát triển kỹ năng mềm bao thông qua việc khuyến khích, huy động, lựa chọn đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, các chuyên gia, cán bộ khoa học kỹ thuật của doanh nghiệp có kinh nghiệm về ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo tham gia giảng dạy cho thanh niên và học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho cán bộ quản lý, nhà giáo về phương pháp giảng dạy, xây dựng bài giảng, tài liệu tham khảo, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số;...

4. Nghiên cứu mô hình, thí điểm đào tạo và phát triển kỹ năng mềm thông qua việc khảo sát, xây dựng nội dung, hình thức triển khai và nghiên cứu thí điểm đào tạo; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, phương thức đào tạo; kết hợp lồng ghép đào tạo kỹ năng mềm trong các hoạt động chính khóa, ngoại khóa và các hoạt động tham quan thực tế tại doanh nghiệp;...

5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo và phát triển kỹ năng mềm: tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo và phát triển kỹ năng mềm; xây dựng cơ chế, chính sách, hợp tác để thu hút các chuyên gia quốc tế tham gia giảng dạy kỹ năng mềm cho cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo, thanh niên và học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố,...

6. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đào tạo và phát triển kỹ năng mềm như số hóa chương trình đào tạo; xây dựng thư viện điện tử;...

7. Tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo và phát triển kỹ năng mềm qua việc khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng khung chương trình, giáo trình, tài liệu và tổ chức đào tạo và phát triển kỹ năng mềm; xây dựng, hình thành cơ chế phối hợp củng cố, tăng cường các hoạt động gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp;...

Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch. Trong quá trình tổ chức thực hiện, những phát sinh, vướng mắc kịp thời gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để hướng dẫn, giải quyết, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố những nội dung vượt thẩm quyền./.

Tô Ngọc Oanh