Hào khí Thăng Long vạn thuở còn

Tin tức - Ngày đăng : 21:13, 07/10/2020

Hà Nội bước vào mùa thu 2020. Thành phố linh thiêng của ông cha nay đã 1010 năm tuổi. Thăng Long - Hà Nội đúng như Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ (năm 1010) khẳng định: “Nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời”. Biết bao biến động xảy ra trong các vương triều trải qua ngàn năm nhưng bất kể ông vua nào rời Thăng Long - Hà Nội đều không trụ được lâu. Cuối cùng, Thăng Long - Hà Nội luôn luôn là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học của cả nước. Dân gian xưa có câu: “Thăng Long - Hà Nội đô thành - Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ - Cố đô rồi lại tân đô - Ngàn năm văn vật bây giờ là đây”. 

Hào khí Thăng Long vạn thuở còn
Trải qua hơn 1000 năm phát triển qua các triều đại Lý - Trần - Lê hùng mạnh, cho đến nay Hà Nội là nơi có nhiều di sản nhất nước. Không mấy kinh đô trên thế giới có tuổi đời lâu đến thế. Đó là sự tích lũy của biết bao sóng gió và đổi thay của sự phát triển lúc thăng, lúc trầm. Hàng ngàn đền chùa đã hình thành. Đó là những di tích lịch sử văn hóa cùng với tín ngưỡng thờ mẫu gắn bó với đời sống tâm linh của ông cha bao đời nay. Không ít những di sản và lễ hội đã được ghi lại trong dân gian như: “Tháng Giêng giỗ Thánh Sóc Sơn - Tháng Ba giỗ tổ Hùng Vương nhớ về”. Hoặc những dấu tích khó phai: “Nhác trông lên chốn kinh đô - Kia đền Quán Thánh, nọ hồ Hoàn Gươm”. Đặc biệt bên hồ Gươm có Tháp Bút bên đền Ngọc Sơn nơi ghi dấu lần trao gươm cho thần Kim Quy của vua Lê. 

Tháp Bút luôn viết lên trời xanh: “Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn - Hỏi ai gây dựng nên non nước này?”. Đó cũng chính là câu hỏi nhắn gửi mọi người hãy nhớ đến những thế hệ đã từng hy sinh cho đất nước. Đó là những người anh hùng, những danh nhân lịch sử văn hóa đã để lại dấu ấn trong 1010 năm qua. Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng lớn cho những thế hệ anh hùng đã hiện diện trong quá khứ. Đất nước luôn vang lên lời ca: “Tên Người sống mãi với non sông Việt Nam. Lời thề sắt son theo tiếng Bác gọi. Bốn ngàn năm dồn lại hôm nay. Người sống trong muôn triệu trái tim…” (Người là niềm tin tất thắng - Chu Minh). 

Không chỉ là vùng đất ngàn năm văn hiến mà Hà Nội còn ẩn chứa một sức mạnh tiềm tàng trong lịch sử bảo vệ độc lập đất nước. Hà Nội luôn hướng tới cuộc sống hòa bình và không chịu khuất phục kẻ thù xâm lược. Kinh đô Thăng Long là nơi nhà Trần đã tổ chức đánh tan giặc Nguyên - Mông sau ba lần bị chiếm giữ vào các năm 1258, 1285 và 1288. Chiến thắng cuối cùng thuộc về Đại Việt. Sau này đến thời nhà Minh lại chiếm đóng Thăng Long (năm 1406 - 1407). Nhưng quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi đã giành lại độc lập sau mười năm kháng chiến. Thăng Long được giải phóng và đất nước độc lập thoát khỏi ách thống trị phương Bắc lần thứ tư. Mấy trăm năm sau bao biến động Thăng Long - Hà Nội dưới thời của vua Quang Trung đại đế (1789) đã đánh tan quân giặc Mãn Thanh. Đến khi giặc Nhật, Pháp xâm lược nước ta chúng cũng không tồn tại được lâu ở kinh thành Hà Nội. Chúng phải cúi đầu rút quân khỏi Thủ đô. Hòa bình đã trở lại (1954). 

Thủ đô Hà Nội, thành phố hòa bình còn được thể hiện qua lòng nhân từ của ông cha ta. Vua Lê Lợi đã cấp toàn bộ lương thực và xe cộ cho quân Minh rút khỏi kinh đô sau bao ngày tháng bị bao vây. Hình ảnh những tên giặc Pháp cúi đầu âm thầm rút qua cầu Long Biên cũng thể hiện lòng nhân từ và đức độ của quân dân Thủ đô. Bởi tất cả đều vì hòa bình và hạnh phúc của con người. Hà Nội luôn vui reo những niềm tin yêu vào tương lai. Quân và dân Thủ đô yêu thành phố với nhịp điệu hòa ca trong hình ảnh cố đô: “Phồn hoa thứ nhất Long thành - Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai - Hàng Bồ, Hàng Lược, Hàng Gai…” (ca dao). Khi Thủ đô được giải phóng, một sức sống mới lại trỗi dậy, với niềm hân hoan bất tận: “Hà Nội vui sao. Những cửa đầu ô. Tíu tít gánh gồng, đây Ô Chợ Dừa, kia Ô Cầu Dền làn áo xanh nâu. Hà Nội tươi thắm. Sống vui phố hè…” (Người Hà Nội - Nguyễn Đình Thi). Hà Nội được gọi “Thành phố vì hòa bình” và được UNESCO công nhận trên tâm thế đó. 

Sau này, Hà Nội là nơi giao kết với những thủ đô của các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và liên hợp cùng phát triển. Những đô thị mới ra đời cùng sự phát triển rộng khi sáp nhập Hà Tây 12 năm qua tạo nên một diện mạo tươi sáng. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học giáo dục và y tế Hà Nôi luôn là những trung tâm thu hút nhân tài kể cả những chuyên gia nước ngoài. Đồng thời Hà Nội còn thể hiện sự hợp tác sâu rộng với các nước trong khu vực ASEAN tạo dựng mối giao hòa tôn trọng lẫn nhau. Thành phố thay đổi mọi lĩnh vực từ khi bước vào WTO và là Thủ đô mang tầm vóc lớn trong khu vực luôn đem lại tình hữu nghị thân thiết với mọi nước trên thế giới. Hà Nội - Thành phố hòa bình - 20 năm trải nghiệm với nhiều kết quả bất ngờ, xứng đáng với danh hiệu đã được UNESCO công nhận.  

Năm 2019 Thủ đô Hà Nội đón thêm niềm vui mới khi được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo”. Một danh hiệu sáng tạo trước thềm kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội quả là niềm phấn khích cho nhân dân Thủ đô. Sáng tạo đó là trí tuệ. Sáng tạo đó là khoa học. Sáng tạo còn là nghệ thuật hợp tác làm ăn kinh tế một cách đôi bên cùng có lợi. Và sáng tạo đem lại hiệu quả lớn nhất cho bất cứ một dự án nào trong quá trình phát triển Thủ đô. Thăng Long - Hà Nội không còn cảnh 36 phố phường xưa mà đã phát triển tới khoảng 500 đường phố. Trong đó, chiều dài các đường phố trong nội thành cộng lại dài tới 400 cây số. Tổng số dân Thủ đô đã lên tới hơn 8 triệu chưa kể cộng đồng dân cư vãng lai. Đó là những lao động có nhiều sức bật nếu biết tổ chức với những nét sáng tạo mới.

Hà Nội chuyển mình với tốc độ chưa từng thấy. Trước hết là những cây cầu và cung đường mới khi kết nối với những đô thị vệ tinh. Đó là những cây cầu hiện đại bắc qua sông Hồng và sông Đuống. Bên cạnh cây cầu Thăng Long đã vận hành hơn 30 năm là cầu mới Nhật Tân. Cho dù đã được vận hành 5 năm nhưng cầu Nhật Tân vẫn được coi là một thiết kế cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á. Như vậy Hà Nội đã xây được 6 cây cầu vượt sông. Trong tương lai gần, cầu Tứ Liên cũng đã được triển khai bước đầu. Theo kế hoạch từ nay đến 2030, Hà Nội sẽ xây dựng 14 cầu vượt sông Hồng và sông Đuống. Đây chính là hình ảnh “Rồng bay” đã được hiện thực hóa với câu ca xưa: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh. Đường ra Hà Nội như tranh vẽ rồng” (ca dao). 

Bên cạnh những cây cầu lớn là sự phát triển của những đô thị vệ tinh đang dần hình thành trong thời gian không xa. Từ đây những cung đường mới hình thành kết nối một không gian Hà Nội mở rộng và phát triển ngày càng hiện đại. Một thành phố thông minh đầu tiên được đánh giá cao bởi hệ thông giao thông cùng với sự điều hành nhanh nhạy với công nghệ thông tin hiện đại. Những con đường mới gắn bó với những cái tên thân quen như: Tố Hữu, Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, Thép Mới, Trịnh Công Sơn… Mỗi con đường đều gắn với những khu đô thị mới hay chung cư cao cấp với hàng trăm tòa nhà hiện đại. Đó là hình ảnh mới lạ trong kế hoạch phát triển Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn tới 2050. 

Thủ đô đã làm được điều đó. Những sáng kiến ra đời. Thành phố Hà Nội là nơi thu hút rất nhiều đầu tư nước ngoài. Bước vào thời đại 4.0, Hà Nội đi đầu trong việc công nghệ hóa thông tin hành chính. Đó là thành phố số hóa với sự quản lý khoa học. Sự phát triển từng vùng đô thị có hiệu quả sâu rộng thu hút hàng triệu nhà đầu tư lớn nhỏ, trong nước và quốc tế. Hầu hết những mô hình mới như rô bốt và công nghệ cao đã được thay thế những thiết bị lạc hậu. Quả là bất ngờ. Hà Nội trẻ trung và háo hức với nhịp sống mới hiện đại. Hà Nội có sức thu hút lớn bởi đó là “Thành phố hòa bình” và sẵn sàng đón nhận sự sáng tạo đem lại hiệu quả lớn nhất. Hà Nội là niềm tin và hy vọng cho mọi nhà đầu tư và cộng đồng trên thế giới. Một thành phố đáng sống của bất cứ ai cùng đồng hành trong quá trình phát triển và sáng tạo để phát triển trong tương lai. Bởi người Hà Nội luôn khiêm nhường: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Vương Tâm