Tác giả - tác phẩm

Nhà văn Bùi Tuấn Minh: “Văn chương giúp tôi thấy nhiều hơn những điều tốt đẹp của con người”

Ngô Khiêm 05/06/2024 15:52

Xuất thân là người lính quân đội chuyển ngành, Trung tá công an, nhà văn Bùi Tuấn Minh (hiện công tác tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I) đã trót “say” văn chương như say một thứ men rượu được ủ đến trăm năm, khiến anh cứ chạm đến là đắm mình trong đó. Bùi Tuấn Minh để lại nhiều dấu ấn trong lòng độc giả với chất văn riêng về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, cùng với hàng chục giải thưởng văn chương. Đầu năm 2024, anh vinh dự được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam.

Dùng văn chương ghi lại quãng đời lính

Thỉnh thoảng trên trang mạng xã hội của nhà văn Bùi Tuấn Minh lại thấy đăng những tấm hình chụp tại xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức – quê hương anh, với lòng tự hào. Ở đó, nhiều người xuýt xoa về vẻ đẹp của một dải núi chạy từ đầu đến cuối huyện, ôm trọn lấy xã Tuy Lai để tạo ra một phong cảnh sơn thủy, hữu tình. Anh hồ hởi “khoe” với mọi người quê hương anh là vùng đất văn hóa với những nét đặc sắc riêng biệt không thấy ở bất cứ nơi đâu. Từng tấc đất, mảnh làng nơi này đều dày đặc những di sản văn hóa.

Càng lớn, anh càng thấy quê hương mình đẹp vô cùng, đặc biệt, tính cách cần cù, chịu khó, tốt bụng của những con người nơi đây đã cho anh chất liệu viết phong phú, giàu chất văn chương. Quê hương xuất hiện nhiều trong những bài thơ và truyện ngắn của anh. Nhiều tác phẩm, anh đã lồng ghép địa danh, phong cảnh quê mình. Anh viết như một sự báo đáp trân trọng. Có cảm tưởng, anh viết mãi cũng không thể hết những câu chuyện về quê hương. Quê hương đã dần định danh hướng sáng tác của anh và là bầu “sữa mẹ” mát lành, tinh khiết để nhà văn 8X thỏa sức sáng tạo.

“Rời làng quê Sơn Nam Thượng, tôi trở thành người lính đặc công. Những điều tôi được học khá đặc biệt so với các lực lượng khác, đặc biệt là ý thức về lý tưởng. Khi nhận quyết định công tác về Trường Trung cấp Cảnh sát Vũ trang (nay là Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I), tôi nghĩ đó là may mắn. Vì tôi yêu nghề nhà giáo. Chuyên ngành Đặc công Biệt động được đào tạo phù hợp với nhu cầu cần giáo viên đặc nhiệm của Nhà trường. Và tôi đã có thời gian khá dài trực tiếp làm công tác giảng dạy. Chính thời gian trong quân ngũ là cơ duyên đưa tôi đến với văn chương. Đời lính vất vả nhưng nhiều kỷ niệm, tôi muốn dùng văn chương ghi lại quãng thời gian đẹp đẽ ấy”, nhà văn Bùi Tuấn Minh tâm sự.

z5509406141221_dd709c2305ea565b6c52a62167cc1e20.jpg
Nhà văn Bùi Tuấn Minh

Trước khi đến với văn xuôi, Bùi Tuấn Minh đã từng đắm mình với thơ ca và có sự thấu cảm, ngưỡng mộ trước những câu thơ tình của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và Hồng Thanh Quang. 4 tập thơ “Tuổi đôi mươi” (NXB Văn hóa dân tộc, năm 2006), “Tâm giao người lính” (NXB Công an nhân dân, năm 2012), tập thơ “Chạm” (NXB Công an nhân dân, năm 2018) và tập thơ “Góc địa đàng” (NXB Hội Nhà văn, năm 2022) lần lượt ra đời cho thấy bút lực đáng nể của anh.

Vài năm trở lại đây, anh thử sức mình với văn xuôi. Đây là bước ngoặc lớn, hay nói chính xác, truyện ngắn đã định danh con đường văn chương của nhà văn Bùi Tuấn Minh. Cách viết của anh hấp dẫn người đọc bởi những chi tiết đắt giá, dày về cốt, đậm chất nhân văn, cùng cách xây dựng nhân vật tầng lớp bọc lót cho nhau chặt chẽ cùng cách kể tinh tế, đa nghĩa, hấp dẫn bạn đọc. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như “Bên kia sông”, “Hải trình”, “Bình minh Đắc D’rao”, “Trở lại Nong Chan”, “Đỉnh Kinh”, “Phía khuất”, “Mây trôi rừng chiều”… Chính việc viết từ những trải nghiệm sống, đã khiến truyện ngắn của Bùi Tuấn Minh có sức hấp dẫn, lôi cuốn tự nhiên và rất đời.

Viết về ngành với cái nhìn thấu đáo

Nhà văn Bùi Tuấn Minh cho rằng, môi trường Sư phạm là tập hợp các chuẩn mực, giá trị, niềm tin và hành vi ứng xử. Trong khi đó sáng tác văn học nghệ thuật là quá trình tạo nên những giá trị tinh thần, góp phần xây dựng môi trường đạo đức xã hội trong sáng, lành mạnh, có văn hóa. Nhiều bạn văn của anh cũng là giáo viên, công tác trong môi trường sư phạm nhưng lại đam mê văn chương. “Điều đó cho thấy sư phạm là môi trường thuận lợi cho những người yêu văn chương dễ dàng sáng tác và tôi không phải ngoại lệ. Nhưng cốt lõi để khẳng định những suy nghĩ trên là không khí làm việc, tôi luôn phấn khởi mỗi ngày đến trường, gặp đồng nghiệp, gặp học trò, môi trường tốt luôn đem lại những năng lượng tích cực”, nhà văn nhấn mạnh.

Đam mê văn chương nhưng không vì thế mà Bùi Tuấn Minh lơ là công việc chuyên môn (anh hiện làm công tác Ủy ban kiểm tra và Công đoàn) tại trường. Anh luôn cố gắng cân bằng giữa công việc chuyên môn và việc sáng tác văn học. Vì vậy, nhiều năm liền anh là chiến sĩ thi đua cơ sở, nhận nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an và cấp tương đương, đặc biệt năm 2020 anh đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân.

Bùi Tuấn Minh chia sẻ, ở cơ quan, anh thường tập trung làm tốt công tác chuyên môn; còn thời gian tại nhà, khi rảnh anh mới dành cho việc sáng tác. Anh là người viết “chậm”, luôn cố gắng trách nhiệm với mỗi câu văn được viết ra. Với anh, mỗi ngày viết được 500 chữ là một ngày thành công với văn chương.

Hơn một nửa các tác phẩm của anh viết về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, trong đó khai thác sâu hơn về hình tượng người chiến sĩ Công an. Anh viết một bằng một cái đầu tỉnh táo và công tâm, nhất là luôn cố gắng dám đi đến tận cùng thân phận của con người để làm toát lên vẻ đẹp của người chiến sĩ Công an một cách khách quan và chân thực nhất. Anh không tô hồng một cách thái quá, khen ngợi một chiều, bởi anh hiểu, đằng sau trách nhiệm, vinh dự của người chiến sĩ Công an thì họ cũng là con người với đầy đủ cung bậc “hỉ, lộ, ái, ố”. Đơn cử như truyện ngắn “Phía khuất” – giành giải A (truyện ngắn) Cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật về đề tài “Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ Công an nhân dân” năm 2023, anh đã đi sâu vào nội tâm nhân vật, với những giằng xé về mặt tâm lý và cả những phút giây dao động (dù rất ngắn) trước ma lực của đồng tiền.

Ngoài ra hình ảnh người giáo viên công an cũng là khía cạnh được anh khai thác. Trong Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2021 do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức, nhà văn Bùi Tuấn Minh đã gây ấn tượng với một truyện ngắn kể về một người thầy, nguyên là cảnh sát phòng chống ma túy ở một tỉnh miền núi phía Bắc được điều về trường làm giáo viên. Tại đây, bằng tính cách can trường, lòng dũng cảm, nhất là sự tận tâm trong công việc, người thầy đã dành được sự khâm phục, cảm mến của những người học viên. Qua lăng kính của người trong Ngành, anh đã mang đến cho độc giả những cảm nhận thú vị về công việc và những đóng góp, cống hiến thầm lặng của các thầy, cô giáo trong lực lượng Công an nhân dân.

Là một nhà văn trong lực lượng Công an, anh mong muốn mình có thể “chạm” được vào những mặt công tác trong ngành, đối những cây bút ngoài ngành đó là trở ngại lớn. Anh trăn trở và mong muốn có thể dùng ngòi bút của mình để giúp bạn đọc hiểu hơn về lực lượng Công an nhân dân, từ đó có sự đồng cảm, sẻ chia và hiểu được những hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ. “Thực tế hiện nay mảng văn học về lực lượng Công an nhân dân còn khá “mỏng”, chưa tương xứng với vai trò, vị thế và lớn mạnh của lực lượng. Điều đó đặt ra dấu hỏi lớn cho chính tôi và các nhà văn thế hệ trẻ ở trong và ngoài lực lượng”, anh chia sẻ.

Giải thưởng không là thước đo của người viết

Trong những cuộc thi văn chương của trong và ngoài Bộ Công an gần đây, nhà văn Bùi Tuấn Minh tích cực tham gia và gặt hái khá nhiều giải thưởng. Tuy nhiên, anh nói, giải thưởng không phải là thước đo cho người viết mà giá trị thực sự là những tác phẩm ở lại trong lòng độc giả. Theo anh, điều cốt yếu để tác phẩm có chỗ đứng chính là tính “đời” hay nói một cách khác văn chương không thể xa rời đời sống. Điều đó yêu cầu mỗi cây bút phải có thực tế trải nghiệm, phải đau bằng nỗi đau của chính mình, phải yêu bằng tình yêu thực sự của chính mình. “Văn chương không có chỗ cho sự giả dối. Đây là “mặt trận” mà người viết được trải lòng một cách chân thật nhất. Tôi luôn tin trong mỗi con người luôn tồn tại hai nửa tối sáng và văn chương sẽ dẫn lối bạn đọc đi về phía ánh sáng cùng một cuộc sống tốt đẹp hơn”, nhà văn nhấn mạnh.

bui_tuan_minh_2-1640850235871.jpg
Một số tác phẩm của nhà văn Bùi Tuấn Minh (Ảnh: cand.com.vn)

Thời gian qua, người ta thấy Bùi Tuấn Minh lặng lẽ kiếm tìm, nhặt nhạnh, tích lũy và vận dụng một cách uyển chuyển trong truyện ngắn, tiểu thuyết của mình. Anh say mê tìm đọc những tác phẩm văn học của thế hệ đi trước và cả người viết cùng thời với anh, để học hỏi, đúc rút kinh nghiệm. Anh chịu khó gặp gỡ bạn bè văn chương để đi sâu vào đời sống của những người cầm bút. Đằng sau vẻ mặt lạnh lùng và có phần nghiêm khắc ấy là một trái tim đa cảm, yêu đời, yêu người và luôn quảng giao, hết lòng vì mọi người. Chẳng thế mà nhiều bạn bè văn chương thường truyền tai nhau một “địa chỉ” văn chương ấm áp, chân tình ở Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) – nơi Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I trú chân.

Từ người viết nghiệp dư, Bùi Tuấn Minh đã thiết lập cho mình một “căn cước” văn chương. Tất nhiên, tấm thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không làm nên nhà văn nhưng nó sẽ giúp anh có thêm phần trách nhiệm và sự tự tin trong cầm bút. Hành trình phía trước của một nhà văn vừa bước vào tuổi tứ tuần rất gian nan, trắc trở. Nhưng điều mà Bùi Tuấn Minh đang có chính là niềm kiêu hãnh của người con vùng đất có “nguồn tài nguyên thi ca”, và niềm tự hào của một nhà văn Công an nhân dân./.

Ngô Khiêm