Talkshow “Thế giới ngoài kia: Trò chuyện gợi mở về môi trường phù hợp cho sự phát triển của người tự kỷ”
Talkshow về môi trường phù hợp cho sự phát triển của người tự kỷ có chủ đề chính là “Trẻ Tự kỷ và môi trường xung quanh”, với sự tham gia của các diễn giả liên quan trực tiếp tới tự kỷ nhằm cung cấp tới người tham gia những góc nhìn, trải nghiệm thực tế về mối tương quan hai chiều giữa trẻ tự kỷ và môi trường.
Talkshow “Thế giới ngoài kia: Trò chuyện gợi mở về môi trường phù hợp cho sự phát triển của người tự kỷ” do doanh nghiệp xã hội Tòhe tổ chức dưới hình thức trực tuyến diễn ra vào tối ngày 4/6 vừa qua.
Talkshow có sự tham gia của các diễn giả liên quan trực tiếp tới tự kỷ: bản thân người tự kỷ - Harvey Range là nhà hoạt động vì tự kỷ người Anh được chẩn đoán là người tự kỷ lúc 3 tuổi (năm 2006); phụ huynh của người tự kỷ - chị Nguyễn Lan Phương, mẹ của Nem (tên thật là Hà Đình Chí) - nghệ sĩ tự kỷ có triển lãm tranh cá nhân đầu tiên ở Việt Nam và PGS.TS. Tâm lý học Trần Thu Hương đã cùng chia sẻ những góc nhìn đa chiều xung quanh chủ đề môi trường phù hợp cho sự phát triển của người tự kỷ.
Đối với trẻ tự kỷ, phần lớn cha mẹ sẽ có quan tâm, đầu tư cho sự phát triển cho con, đó là một tác động rất quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Những kết quả của quá trình đồng hành ấy thường được đánh giá, nhận định qua sự quan sát của người đồng hành, chăm sóc của trẻ. Nhưng câu hỏi đặt ra là việc cha mẹ và cộng đồng đang quan tâm và đầu tư cho người tự kỷ liệu có thực sự cần thiết cho sự phát triển của họ ở thời điểm hiện tại hay không? Điều này sẽ cần nhiều thông tin hơn từ việc đánh giá hai chiều, từ chính người chăm sóc và người tự kỷ.
Chia sẻ từ góc nhìn phụ huynh của người tự kỷ, chị Nguyễn Lan Phương cho biết, môi trường bên ngoài tác động lên hành vi của trẻ tự kỷ rất lớn, vì vậy việc tìm được một môi trường học tập và sinh hoạt phù hợp là rất quan trọng. Trong quá trình tìm kiếm môi trường phù hợp, gia đình đã thử nghiệm nhiều phương pháp và môi trường khác nhau từ các trung tâm can thiệp sớm, nhưng kết quả không thật sự khả quan.
“Không có một giải pháp duy nhất phù hợp với tất cả trẻ tự kỷ mà mỗi đứa trẻ cần được tiếp cận một cách riêng biệt. Điều quan trọng là phải hiểu rõ nhu cầu, điểm mạnh và điểm yếu của con để từ đó có thể lựa chọn môi trường phù hợp nhất. Gia đình tôi đã dành nhiều thời gian để quan sát và hỗ trợ con tham gia vào các hoạt động, từ đó phát hiện ra đâu là những điều kiện cần và đủ giúp con phát triển tốt nhất”, chị Nguyễn Lan Phương nhấn mạnh.
Harvey Range, nhà hoạt động vì tự kỷ người Anh và là đại diện góc nhìn của người tự kỷ bộc bạch, khi được chẩn đoán là người tự kỷ lúc 3 tuổi, cậu có những biểu hiện đặc trưng của người tự kỷ như gặp khó khăn trong giao tiếp, có sở thích hạn chế. Việc thiếu hiểu biết và những hiểu lầm về tự kỷ đã khiến cậu gặp khó khăn ở trường học, cộng đồng và xã hội. Và cho đến hiện tại, khi đã trưởng thành, cậu nhận ra còn có nhiều vấn đề khác khiến người tự kỷ bị tụt lại phía sau, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến việc làm và sự cô lập trong xã hội. Vì thế, cậu đang cố gắng tạo ra sự thay đổi bằng cách đề xuất các ý tưởng giúp cải thiện cuộc sống của người tự kỷ ở Anh và trên thế giới thông qua giáo dục và đối thoại cởi mở thể hiện ở việc Harvey Range đã làm việc trong các chương trình về chấp nhận tự kỷ, đến thăm Quốc hội Vương quốc Anh, nói chuyện với các Nghị sĩ và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Quốc tế One Young World ở Belfast vào tháng 10 năm 2023.
Talkshow “Thế giới ngoài kia: Trò chuyện gợi mở về môi trường phù hợp cho sự phát triển của người tự kỷ” đã mang đến những góc nhìn đa chiều xung quanh chủ đề môi trường phù hợp cho sự phát triển của người tự kỷ, tập trung vào việc hiểu sâu hơn các nhu cầu đặc biệt và cách thức hỗ trợ hiệu quả nhất, đặc biệt là tầm quan trọng của việc tạo ra một không gian an toàn, yêu thương và kích thích phát triển cá nhân dành cho người tự kỷ./.