Khai thông nguồn lực văn hóa để xây dựng Thành phố sáng tạo

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 14:41, 08/10/2020

Nguồn lực văn hóa có vai trò như thế nào trong phát triển của Thủ đô; thực trạng phát huy nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển Thành phố sáng tạo của Thủ đô hiện nay ra sao và giải pháp nào để nâng cao hiệu quả các nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển Thành phố sáng tạo… đó cũng chính là những chủ đề đã các đại biểu tập trung đề cập trong cuộc hội thảo “Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển Thành phố sáng tạo của Thủ đô” do Thành ủy Hà Nội và tạp chí Cộng sản vừa tổ chức mới đây. 
Khai thông nguồn lực văn hóa để xây dựng Thành phố sáng tạo
Nguồn lực văn hóa - tài nguyên hiếm cho sự phát triển của Thủ đô  

Lịch sử vẻ vang hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh thuyết phục, sinh động rằng chính những trầm tích, nguồn lực văn hóa đã làm nên sức mạnh nội sinh, giúp dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, thử thách khắc nghiệt để đạt được những thắng lợi vẻ vang, vĩ đại trong suốt chiều dài sự nghiệp cách mạng. Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Nhiều văn kiện định hướng cho việc xây dựng và phát triển văn hóa được ban hành như kim chỉ nam trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: “Trong dòng chảy không ngưng nghỉ của cuộc sống, trong sự phát triển nhanh chóng, vững bền của đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được cải thiện, nâng cao luôn có vị trí xứng đáng cho nguồn lực văn hóa với những giá trị bất biến riêng có, với sức mạnh ngày càng được tạo lập một cách hết sức vững chãi”.

Theo ông Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập tạp chí Cộng sản, hiện nay, nguồn lực văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta. Và với Hà Nội - trái tim của cả nước, nguồn lực văn hóa lại càng giữ vai trò “đầu tàu” thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô, nhất là khi Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) ở lĩnh vực thiết kế.
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam - ông Michael Croft cho hay: “Khi quan sát Hà Nội, chúng ta thấy rõ tính hợp lý khi đầu tư vào phương thức phát triển theo định hướng văn hóa”. Điều này được ông lý giải: “Bởi, trước hết Hà Nội vốn có những di sản để tạo điều kiện cho sự phát triển theo phương thức này, bề dày truyền thống các di sản văn hóa của Hà Nội lại là kết quả trực tiếp của một quá trình sáng tạo và cũng không kém phần phong phú, độc đáo”. Theo ông Michael Croft, việc gia nhập mạng lưới sáng tạo không phải là kết quả, mà nó mới chỉ là bước khởi điểm trong quá trình định vị sự phát triển của Hà Nội với tư cách là một Thủ đô sáng tạo.

Còn nhiều băn khoăn, trăn trở

Bên cạnh việc nhận diện những điều kiện mới hiện nay ảnh hưởng, tác động đến quá trình xây dựng văn hóa, con người cũng như việc phát huy nguồn lực văn hóa của nước ta nói chung và của Hà Nội nói riêng, nhiều tham luận tại hội thảo cũng đã tập trung phân tích, đánh giá thực trạng phát huy nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển Thành phố sáng tạo của Thủ đô trong đó đề cập cụ thể đến việc xây dựng các chương trình, dự án hướng tới các mục tiêu của mạng lưới ở cấp độ quốc tế; việc nuôi dưỡng tài năng, kích thích năng lực sáng tạo; việc tạo nên hệ sinh thái sáng tạo phong phú và hấp dẫn, như diễn đàn mạng lưới các thành phố sáng tạo Đông Nam Á để trao đổi kiến thức, hỗ trợ, hợp tác giữa các thành phố sáng tạo trong khu vực; tổ chức lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, không gian mỹ thuật dân gian trong đời sống đương đại; tổ chức các sự kiện văn hóa và thiết kế quy mô lớn thu hút người dân địa phương cũng như du khách trong nước và quốc tế… 

TS. Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội trong tham luận của mình đã chỉ rõ một số thách thức trên con đường phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo đó là thách thức trong việc tiếp tục đổi mới tư duy lãnh đạo văn hóa theo hướng cởi mở, phát huy tính sáng tạo, chủ động của các chủ thể; thách thức từ sự tăng trưởng kinh tế không ổn định và quá trình đô thị hóa nhanh; thách thức trong việc hoàn thiện thể chế văn hóa; thách thức về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là các không gian văn hóa sáng tạo Thủ đô; thách thức của bối cảnh kinh tế số, của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thách thức từ vấn đề toàn cầu và hội nhập quốc tế...

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam băn khoăn: “Đã gần một năm kể từ khi được công nhận là Thành phố sáng tạo, Hà Nội vẫn chưa làm được gì nhiều để thực hiện chương trình hành động đã cam kết với UNESCO. Sở dĩ có tình trạng này vì Hà Nội chưa thành lập được Ban điều phối Thành phố sáng tạo như kế hoạch...”. Một vấn đề khác mà PGS.TS. Bùi Hoài Sơn trăn trở đó là việc sử dụng các không gian sáng tạo để tạo môi trường kết nối tài năng sáng tạo và thực hành các ý tưởng sáng tạo. “Hiện nay, Hà Nội đã có khoảng 190 không gian sáng tạo. Đây là mô hình kinh doanh mới nên hầu hết các không gian sáng tạo chưa được hưởng các ưu đãi của hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành. Gần như tất cả các không gian sáng tạo được vận hành theo cơ chế của một doanh nghiệp dù cho các không gian sáng tạo hình thành trên cơ sở hướng tới cộng đồng, kinh hoanh mang tính chất mạo hiểm” - PGS.TS. Bùi Hoài Sơn cho biết.

Khai thông, thúc đẩy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa

Là Thủ đô ngàn năm văn hiến, là nơi hội tụ và tỏa sáng của văn hóa Việt Nam với những con người tài hoa, sáng tạo, Hà Nội hội tụ đầy đủ những yếu tố để có thể tiên phong trở thành trung tâm sáng tạo của Việt Nam trên cơ sở lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Tuy nhiên, làm thế nào để khai thông, thúc đẩy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa - đó cũng là điều mà nhiều đại biểu băn khoăn trăn trở.

GS.TS. Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng cần phải biến tất cả các di sản văn hóa của Hà Nội thành nguồn lực văn hóa phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô và của đất nước. “Trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Thủ đô Hà Nội cần đặc biệt chú ý đến các chủ thể văn hóa (chủ thể sáng tạo và chủ thể sở hữu) để có được những giải pháp phù hợp. Thêm nữa, trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, để biến di sản văn hóa thành nguồn lực văn hóa, thì nhất định phải đặc biệt chú ý đến bảo tồn và phát huy giá trị cả các không gian văn hóa, môi trường văn hóa đã sinh ra và dung dưỡng di sản văn hóa” - ông Tung nhấn mạnh. 
Theo GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam “nguồn lực văn hóa từ các di sản vật thể và phi vật thể ngoài việc mang lại những giá trị tinh thần không thể đo đếm được, giá trị kinh tế đem đến trong thời đại hiện nay là không hề nhỏ. Đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa và du lịch phát triển, nếu biết khai khác tốt thì không chỉ các di sản đó mà hàng loạt các dịch vụ ăn theo như nhà hàng, khách sạn, giao thông, đồ lưu niệm, quà đặc sản, ẩm thực... còn đưa lại một nguồn kinh tế to lớn tại mỗi di sản...”.

GS.TS. Lê Hồng Lý cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát huy giá trị nguồn lực văn hóa con người qua nền văn hóa mà họ đã thừa hưởng từ cha ông từ truyền thống, từ giáo dục gia đình, từ trải nghiệm... Đây cũng là vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm đề cập tới.

Ngoài các vấn đề chung, nhiều giải pháp được các đại biểu đề xuất gắn liền với thực tiễn tại các lĩnh vực, địa phương cụ thể, như các giải pháp để hỗ trợ xây dựng, phát triển nâng tầm thương hiệu sáng tạo của làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên; các giải pháp phát huy nguồn lực văn hóa trong phát triển du lịch ở làng Việt cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây; các giải pháp tăng cường thúc đẩy từ các sản phẩm du lịch sáng tạo mang thương hiệu văn hóa Việt dưới góc nhìn từ chương trình nghệ thuật thực cảnh tinh hoa Bắc Bộ thực hiện tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai; các giải pháp phát triển bền vững thương hiệu làng nghề truyền thống Bát Tràng của huyện Gia Lâm… Đáng chú ý, nhiều bài học kinh nghiệm từ các nước bạn cũng đã được đề cập như một tham chiếu cho phát triển nguồn lực văn hóa của Thủ đô. 

Gia Phú