Chuyển động Hà Nội

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):Hà Nội hiện thực hóa trục cảnh quan sông Hồng

Đình Thế 29/05/2024 18:56

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống.

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 định hướng sông Hồng là một trong 5 trục phát triển của Thủ đô. Đây sẽ là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Định hướng này vô cùng quan trọng, là tiền đề đưa ra ý tưởng độc đáo, các giải pháp quy hoạch, tổ chức không gian cảnh quan hấp dẫn hai bên bờ sông và khu vực bãi sông, tạo nên diện mạo hình ảnh mới cho Hà Nội.

26fe861419-d382-42b4-a937-3cf135d28447.png
Sông Hồng là nguồn lực về cảnh quan, sinh thái và du lịch của Thủ đô Hà Nội.

Về phương án phát triển đô thị, Quy hoạch cũng đề cập rõ mục tiêu phát triển cụ thể. Theo đó, sông Hồng là trục xanh cảnh quan văn hóa, du lịch, dịch vụ trung tâm Thành phố, phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng cân đối đô thị phía Nam.

Cụ thể, trục sông Hồng phân thành 3 khu vực gồm: đoạn 1 từ Ba Vì đến cầu Hồng Hà dài 90km; đoạn 2 từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở dài 40km qua đô thị trung tâm; đoạn 3 từ Mễ Sở đến hết Phú Xuyên dài 30km được phát triển vận tải đường thủy, khai thác du lịch, dịch vụ văn hóa, dịch vụ sinh thái, nông nghiệp.

Với những định hướng phát triển cụ thể, trục cảnh quan sông Hồng được kỳ vọng góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại. Điều này đã được nhấn mạnh trong Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị vừa được ban hành ngày 24/5/2024.

Thể chế hóa quan điểm, mục tiêu phát triển Hà Nội của Trung ương, Bộ Chính trị về nội dung trên, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) qua chỉnh lý (Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày, báo cáo tại Kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa XV chiều 28/5), đánh giá cao nội dung phân quyền cho thành phố tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải quy định cụ thể, rõ ràng các nội dung mang tính chiến lược về quy hoạch, ưu tiên đầu tư quỹ đất, vốn và cơ chế để thu hút các kiến trúc sư tầm cỡ quốc tế, giúp cho Hà Nội có công trình trở thành điểm nhấn, dấu ấn của khu vực.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định phân quyền cho UBND TP được điều chỉnh cục bộ các quy hoạch thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ là phù hợp và có cơ sở thực tiễn. Việc giao HĐND TP quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch là để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết, đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.

nghia.jpeg
Đại biểu Quốc hội Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ). Ảnh: Media.quochoi.vn

Góp ý kiến, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) nhất trí với nội dung quy hoạch được quy định trong dự thảo Luật lần này. Những quy định này đã kế thừa một số nội dung của Luật thủ đô năm 2012 và đã có sửa đổi, bổ sung, khắc phục một số vấn đề bất cập, trong đó quy định về việc tổ chức, thực hiện quy hoạch khu sông Hồng, sông Đuống được phân cấp cho Hà Nội chủ động thực hiện.

Theo đại biểu, quy định bảo đảm được tính chặt chẽ, tạo điều kiện về mặt thời gian và quy trình để Hà Nội giải quyết được nhu cầu của người dân về không gian văn hóa cộng đồng, không gian cảnh quan xanh, sạch, đẹp với sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm và đô thị hai bên sông phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022.

Về quản lý sử dụng không gian ngầm được quy định tại Điều 19 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Đào Chí Nghĩa cho biết, dự thảo Luật đã tiếp thu các nội dung góp ý của rất nhiều đại biểu. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nên sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi, năng lực để triển khai quy hoạch về không gian ngầm.

Theo đại biểu Đào Chí Nghĩa, hiện nay, không gian ngầm phải được quản lý, sử dụng có hiệu quả và đây chính là nguồn tài nguyên để phát triển Hà Nội. Để Hà Nội có thể thực hiện nhanh nội dung này, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ đối với Luật Đất đai (2024) trong giai đoạn hiện nay cần tích hợp với các quy định về giá đất, trường hợp miễn giảm tiền sử dụng không gian ngầm,…

ta-van-ha.jpeg
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam). Ảnh: Media.quochoi.vn

Đồng tình cao với dự án Luật sửa đổi lần này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) hi vọng Luật sửa đổi với những chính sách đặc thù, đặc biệt sẽ tạo động lực để Thủ đô Hà Nội bứt phá, trở thành một Thủ đô trong tầm cỡ khu vực và thế giới. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần tiếp tục rà soát, có những quy định cụ thể liên quan đến quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô và biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch.

Đại biểu phân tích, so với thế giới, Hà Nội vẫn còn thiếu vắng những công trình mang tính điểm nhấn để thu hút khách du lịch, để lại dấu ấn về Thủ đô trong lòng du khách. Do đó, đại biểu đề nghị quy định cụ thể rõ ràng về chiến lược, quy hoạch, ưu tiên đầu tư, quỹ đất, chính sách, thu hút các kiến trúc sư tầm cỡ quốc tế để giúp Hà Nội có những công trình mang điểm nhấn, dấu ấn của khu vực và toàn cầu./.

Đình Thế