Sự kiện & Bình luận

Sáng rõ tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”

Quỳnh Phạm 28/05/2024 05:43

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhấn mạnh quy định “xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền và nhân dân Thành phố Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước”.

Bám sát Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị

Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng như “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, cơ quan soạn thảo Dự án Luật và lập Quy hoạch Thủ đô đều kiên định, bám sát các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.

van-mieu.jpg
Theo Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Các Điều, Khoản trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đánh giá đã tạo cơ chế vượt trội, đột phá và huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để đưa Hà Nội trở thành thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Tương lai không xa phát triển Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước.

Trên lĩnh vực nào thì Hà Nội cũng mang tính chất đại diện cho đất nước. Cho nên, cả nước vì Hà Nội và Hà Nội cũng vì cả nước. Hà Nội phát triển thì không chỉ đem lại sự phát triển cho riêng Thủ đô mà cũng đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước. Ngược lại, nếu Hà Nội không phát huy được tiềm lực sẽ hạn chế nguồn lực chung của cả nước. Cho nên, mục tiêu cao nhất của Luật Thủ đô là phục vụ cho sự phát triển của Hà Nội, đồng thời cũng tạo điều kiện cho Hà Nội đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự phát triển chung của đất nước.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.

Điểm đặc biệt, tuy là bộ Luật riêng đối với sự phát triển Thủ đô nhưng Luật Thủ đô (sửa đổi) có ý nghĩa, vai trò, động lực đối với cả nước. Chính vì thế, Dự thảo Luật Thủ đô quy định việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền và người dân thành phố Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước.

Đối chiếu quy định trên với Nghị quyết số 15-NQ/TW, rõ ràng nhận thấy Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tiếp nối quan điểm, định hướng của Bộ Chính trị về việc: Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Trách nhiệm không của riêng ai, Hà Nội nhiều hơn cả

Đặc biệt hơn, riêng chương VI của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hoạt động liên kết, phát triển với Thủ đô… có quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra và trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô.

du-an-luat-hanoi.jpg
Nhân dân Thủ đô có trách nhiệm xây dựng, phát triển Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước.

Ngoài ra, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định cơ quan, tổ chức và nhân dân Thủ đô có trách nhiệm xây dựng, phát triển Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước. Chủ động, tích cực mở rộng quan hệ, hợp tác hữu nghị với Thủ đô các nước, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để xây dựng, phát triển Thủ đô; tăng cường đối ngoại Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, người dân Thủ đô tham gia các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, khoa học và công nghệ.

HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp của Thành phố Hà Nội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm kịp thời ban hành văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm được giao trong Luật Thủ đô (sửa đổi), văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, quy định biện pháp tổ chức thực hiện Luật theo thẩm quyền. Đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Luật Thủ đô thuộc phạm vi quản lý và chịu trách nhiệm về những vi phạm, yếu kém xảy ra trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi); bảo đảm quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Luật này.

Tổ chức và bảo đảm việc thi hành pháp luật về Thủ đô; quyết định những vấn đề của Thành phố trong phạm vi được phân quyền, phân cấp theo quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tăng cường giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của UBND phường, Chủ tịch UBND phường đảm bảo việc kiểm soát quyền lực.

HĐND Thành phố Hà Nội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quy định và nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc thi hành Luật Thủ đô; định kỳ xem xét báo cáo UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong khi đó, UBND Thành phố Hà Nội có trách nhiệm bảo đảm an toàn, thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và cho việc tổ chức các chương trình, sự kiện quốc gia, quốc tế trên địa bàn Thủ đô; phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan Trung ương, các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Cùng đó, UBND Thành phố chủ động phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trung du và miền núi phía Bắc và cả nước thông qua việc mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển. Tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia có hiệu quả vào quá trình xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Tham gia ý kiến về các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội có quy định liên quan đến các chính sách, cơ chế đặc thù quy định tại Luật này. Định kỳ 3 năm tổ chức sơ kết, báo cáo Chính phủ về việc thực hiện Luật Thủ đô; trong trường hợp cần thiết, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thi hành Luật Thủ đô khi có yêu cầu.

Cán bộ, công chức, viên chức của Thủ đô phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật. Và cuối cùng, nhân dân Thủ đô có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, nếp sống văn minh, thanh lịch, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội./.

Chiều ngày 28/5/2024 tại Kỳ họp thứ 7 - Quốc hội Khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7 và Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Quỳnh Phạm