Sự kiện & Bình luận

Hôm nay, 27/5, Quốc hội thảo luận về sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Duy Minh 27/05/2024 07:30

Hôm nay, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội dành cả ngày làm việc thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phiên họp được trực tiếp từ 8 giờ để cử tri, nhân dân theo dõi.

hop_quoc_hoi.jpg
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, hôm nay (27/5), Quốc hội dành cả ngày làm việc để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Dự thảo Luật đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Xã hội đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.

Đồng thời, tổ chức các tọa đàm chuyên gia để cho ý kiến về một số nội dung lớn của dự thảo Luật, tổ chức các cuộc làm việc với các cơ quan có liên quan, gửi văn bản đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành có liên quan có ý kiến về nội dung tiếp thu, chỉnh lý sơ bộ.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến về 6 vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Vấn đề lớn đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm, trước tiên là vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Ngoài ra, vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau về quy định đối tượng chủ hộ kinh doanh là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc quản lý hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội; những tác động của cải cách chính sách tiền lương; vấn đề về tài chính bảo hiểm xã hội.

Các đại biểu cũng quan tâm đến tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế tài mạnh hơn đối với trường hợp vi phạm và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Trong tuần đầu làm việc của Kỳ họp thứ 7, bên cạnh việc cho ý kiến với các dự án Luật có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống dân sinh, Quốc hội đã chính thức bầu ra tân Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước, được các ĐBQH và cử tri cả nước đánh giá cao.

Các ĐBQH kỳ vọng những nội dung tiếp theo của Kỳ họp thứ 7 sẽ được Quốc hội tiếp tục phát huy trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm cao nhất nhằm góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được đưa ra trước đó./.

Duy Minh