Sự kiện & Bình luận

Đưa Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước

Trung Kiên 27/05/2024 12:18

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về nội dung “Phát triển các khu công nghệ cao” đã mở lối để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc (diện tích 1.586ha, nằm trên địa bàn huyện Thạch Thất và Quốc Oai) trước đây thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 119 ngày 1/8/2023 và Quyết định số 116 ngày 10/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/11/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về UBND Thành phố Hà Nội quản lý. Đây được xem là bước ngoặt lớn, quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng, khu công nghệ cao của Thủ đô Hà Nội nói chung.

doi-moi-sang-tao-hn.jpg
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tọa lạc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, TP. Hà Nội.

Liên quan đến nội dung trên, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) qua tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, chuyên gia và nhà khoa học, cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật đã bổ sung các nội dung thể hiện chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển các khu công nghệ cao, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đặt ra.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được chỉnh lý so với lần đầu trình Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2023, sẽ được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 7 (20/5 đến 8/6 và 17/6 đến 27/6) xem xét và thông qua.

Cụ thể, Điều 24 “Phát triển các khu công nghệ cao” (Chương III - Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô) trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) xác định việc xây dựng, phát triển các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố Hà Nội (sau đây gọi chung là khu công nghệ cao) được thực hiện theo quy định của pháp luật về công nghệ cao và quy định: UBND thành phố Hà Nội quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao; ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do UBND Thành phố thành lập; Khu công nghệ cao được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định của Luật này, pháp luật về công nghệ cao và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Khoản 2 Điều 24 quy định: Khu công nghệ cao Hòa Lạc là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô; là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc hoạt động theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, quy định khác của pháp luật có liên quan và quy định sau đây:

Ngân sách trung ương và ngân sách thành phố Hà Nội bố trí vốn để đầu tư xây dựng và phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ trong khu công nghệ cao Hòa Lạc; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng nhà lưu trú và hạ tầng xã hội bên trong và bên ngoài ranh giới để phục vụ người lao động làm việc tại khu công nghệ cao Hòa Lạc;

Khu công nghệ cao Hòa Lạc được áp dụng hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai để lựa chọn các dự án đầu tư có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển của khu công nghệ cao Hòa Lạc;

hoa-lac.jpg
Ứng dụng robot trong sản xuất tại một Nhà máy thuộc Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Nhà đầu tư thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong khu công nghệ cao Hòa Lạc được chuyển đổi mục tiêu dự án sang nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, ươm tạo, đổi mới sáng tạo, dịch vụ khoa học và công nghệ và tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư, quỹ đất đã được giao, cho thuê để thực hiện mục tiêu chuyển đổi.

Ban quản lý khu công nghệ cao là tổ chức hành chính thuộc UBND thành phố Hà Nội thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ban quản lý khu công nghệ cao có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và các quy định: Giao lại đất, cho thuê đất trong phạm vi khu công nghệ cao; Thẩm định và phê duyệt quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng trong phạm vi khu công nghệ cao; Chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đầu tư tại khu công nghệ cao; Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, dự án tại khu công nghệ cao; Cấp giấy phép xây dựng đối với việc xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình trong phạm vi khu công nghệ cao.

Ngoài ra, khoản 4 Điều 24 cho phép Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội quy định trình tự, thủ tục thành lập, mở rộng khu công nghệ cao quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và trình tự, thủ tục thực hiện thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này. Những nội dung trên trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã phân quyền cho UBND Thành phố quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do UBND Thành phố thành lập.

Có thể khẳng định, cùng với việc dành nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, đã và đang nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được Thành phố Hà Nội triển khai thời gian qua, kết hợp các quy định trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ đưa Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành hạt nhân của cả nước về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và giữ vai trò hạt nhân, vùng lõi của đô thị Hòa Lạc trong tương lai./.

***

(Trong bài viết, những nội dung được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 được Tạp chí Người Hà Nội thể hiện bằng chữ in nghiêng).

Trung Kiên