Sự kiện & Bình luận

Kỳ vọng về “biểu tượng phát triển mới" của Thủ đô

Thụy Phương 27/05/2024 07:09

Với trục cảnh quan sông Hồng, Thành phố kỳ vọng tạo nên diện mạo mới, biểu tượng phát triển mới của Thủ đô Hà Nội. Đây chính là một trong số nội dung đã được đề cập trong Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Sông Hồng - dòng chảy bồi đắp cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Là dòng sông lớn nhất ở miền Bắc, sông Hồng đóng vai trò quyết định trong toàn bộ quá trình hình thành và biến đổi của vùng châu thổ, cùng với toàn bộ diễn biến lịch sử, kinh tế, xã hội và văn hóa của nó, đặc biệt là khu vực Hà Nội - trung tâm của châu thổ.

Cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng.

Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị vừa được ban hành ngày 24/5/2024

Ngay từ khi mới hình thành, lịch sử kinh thành Thăng Long đã gắn liền với sông Hồng, tuyến giao thông và giao thương vận chuyển hàng hóa quan trọng. Hệ thống sông Hồng là nguồn cung cấp nước tưới cho nền nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ. Bên cạnh đó, sông Hồng cũng là nơi chứng kiến bao chiến thắng oai hùng lẫy lừng của dân tộc Việt trong lịch sử ngàn năm chống giặc ngoại xâm.

Trong suốt chiều dài lịch sử, sông Hồng gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển “Sông Hồng luôn giữ vai trò trung tâm quyết định toàn bộ quá trình lịch sử - văn hóa của các kinh đô, kinh thành, từ Cổ Loa cho đến Vạn Xuân, Tống Bình, Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Đông Kinh và cho đến cả thời kỳ đầu khi Hà Nội không còn là kinh đô của cả nước. Từ sau năm 1954, Hà Nội trải qua nhiều biến đổi, nhưng trên cơ bản theo hướng lấy khu đô thị cổ truyền làm trung tâm và tỏa rộng cả hai bên tả ngạn và hữu ngạn.

song-hong-2.jpg
Sông Hồng gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội.

Đáng chú ý, từ năm 2000, trong Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã có nội dung “Sớm nghiên cứu việc chỉnh trị sông Hồng và quy hoạch khai thác hai bên sông”. Năm 2007, Dự án thành phố hai bên sông Hồng (với sự giúp đỡ của Hàn Quốc trong việc lập quy hoạch) cũng đã được giới thiệu tới công chúng.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô. Năm 2022, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000. Quy hoạch bám sát mục tiêu, định hướng của Thành phố, đó là phát triển đô thị hài hòa với thiên nhiên, dựa vào hình thái tự nhiên để xây dựng công trình và không gian cảnh quan hai bên sông.

do-an.jpg
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000.

Hơn một năm trước (ngày 3/3/2023, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND triển khai thực hiện đề án đầu tư xây dựng 5 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng đến năm 2025 thành các quận nội thành. Tất cả các quận, huyện này đều nằm ở hai bên bờ sông Hồng, trong đó, hai huyện đi đầu là Đông Anh và Gia Lâm đều nằm ở tả ngạn. Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc “đây là sự tái khẳng định mạnh mẽ vị trí trục trung tâm chủ đạo của dòng sông Hồng lịch sử, phát triển Thủ đô cân đối-hài hòa, nhanh-mạnh-bền vững, vươn xa và tỏa rộng ra cả hai bên tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng”.

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh nhận định: “Qua các thời kỳ phát triển, việc xóa nhòa sự ngăn cách về không gian, tận dụng và phát huy tiềm năng quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, đưa dòng sông trở thành nhân tố phát triển của Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” luôn được đề cao, tập trung nghiên cứu trong các chương trình, đề án, dự án hợp tác, các đồ án quy hoạch liên quan.

Trục không gian chủ đạo của đô thị

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định sông Hồng là một trong 5 trục trục chủ đạo của đô thị trung tâm với đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử. Theo định hướng quy hoạch, sông Hồng trở thành dòng sông nằm giữa khu vực đô thị phía Bắc - Nam Thủ đô, chảy qua trung tâm thành phố. Về mặt hình thái, đô thị của Thủ đô Hà Nội sẽ quay mặt ra sông. Hai bên sông sẽ xây dựng con đường di sản văn hóa tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc và con đường giới thiệu cảnh quan, đất nước con người, hình ảnh đặc trưng của các vùng miền để phát triển các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng; là không gian tái hiện các lễ hội văn hóa truyền thống từ mọi miền Tổ quốc; kết nối với khu vực Hồ Tây, khu vực cầu Long Biên và phố cổ hình thành không gian phát triển các hoạt động du lịch, giải trí và kinh tế ban đêm.

Đây là sự tái khẳng định mạnh mẽ vị trí trục trung tâm chủ đạo của dòng sông Hồng lịch sử, phát triển Thủ đô cân đối-hài hòa, nhanh-mạnh-bền vững, vươn xa và tỏa rộng ra cả hai bên tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển

Về phương án phát triển đô thị, Quy hoạch cũng đề cập rõ mục tiêu phát triển cụ thể. Theo đó, sông Hồng là trục xanh cảnh quan văn hóa, du lịch, dịch vụ trung tâm Thành phố, phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng cân đối đô thị phía Nam.

Cụ thể, trục sông Hồng phân thành 3 khu vực gồm: đoạn 1 từ Ba Vì đến cầu Hồng Hà dài 90km; đoạn 2 từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở dài 40km qua đô thị trung tâm; đoạn 3 từ Mễ Sở đến hết Phú Xuyên dài 30km được phát triển vận tải đường thủy, khai thác du lịch, dịch vụ văn hóa, dịch vụ sinh thái, nông nghiệp.

Trên cơ sở phương án phòng chống lũ lụt xác định hành lang thuộc chỉ giới thoát lũ cho phép xây dựng công trình hạ tầng, cầu, cảng, bến trên cột, không ảnh hưởng tới dòng chảy thoát lũ; Hành lang từ chỉ giới thoát lũ đến chỉ giới đê mới khai thác các dịch vụ sinh thái thích ứng với cao độ và tần suất ngập nước; Hành lang xác định hình thành các tuyến mới được quản lý theo chức năng đô thị, ưu tiên các công trình dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, các công trình tạo cảnh quan dọc sông Hồng. Đây chính là cơ sở kiểm soát chặt sự chuyển đổi các khu vực hiện hữu, hạn chế phát triển nhà ở; khuyến khích các khu dân cư hiện hữu ở khu vực trung tâm chuyển đổi chức năng sang du lịch, dịch vụ.

song-hong.jpg
Với những định hướng phát triển cụ thể, trục cảnh quan sông Hồng được kỳ vọng góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô.

Với những định hướng phát triển cụ thể, trục cảnh quan sông Hồng được kỳ vọng góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại. Điều này đã được nhấn mạnh trong Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị vừa được ban hành ngày 24/5/2024. Trên cơ sở xem xét tờ trình, báo cáo của Thành ủy Hà Nội về nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị yêu cầu cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ.

Có thể nói, kỳ vọng sông Hồng trở thành một “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô vừa là yêu cầu, vừa là thách thức, cũng vừa là động lực để phát triển Thủ đô. Nói như kiến trúc sư Nguyễn Trọng Kỳ Anh thì “tinh thần Thăng Long, khát vọng về một Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại sẽ là động lực đề Hà Nội đưa ý tưởng đến hiện thực, và sông Hồng đóng vai trò là một nhân tố không thể thiếu kết nối Hà Nội xưa – Hà Nội nay – Hà Nội tương lai”./.

Thụy Phương