Văn hóa - Xã hội

Hà Nội đảm bảo an toàn PCCC mùa nắng nóng: Không để “bà hỏa” gây họa cho rừng và cơ sở kinh doanh xăng, dầu

Quỳnh Chi 24/05/2024 06:12

Mùa hè với thời tiết nắng nóng dễ gây ra cháy nổ ở rừng cũng như cơ sở kinh doanh xăng, dầu. Để “bà hỏa” không gây họa cho các loại hình này, UBND Thành phố Hà Nội đã đưa ra những khuyến cáo quan trọng, thiết thực đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) khi mùa nắng nóng đã đến gần.

PCCC với rừng

Tính đến hết năm 2023, tổng diện tích có rừng và diện tích chưa thành rừng của thành phố Hà Nội là 27.074,89ha. Diện tích có rừng là 18.519,63ha, gồm rừng tự nhiên 7.593,07ha; rừng trồng 10.926,56ha. Diện tích chưa thành rừng là 8.555,26ha; diện tích đã trồng rừng chưa đạt tiêu chí thành rừng là 993,41ha; diện tích khoanh nuôi tái sinh 315,58ha; diện tích khác 7.246,27ha. Năm 2023, diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ của thành phố Hà Nội là 18.519,63ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 5,57%.

chay-rung.jpg
Các lực lượng tham gia diễn tập chống cháy rừng tại huyện Ba Vì. (Ảnh: Hoàng Sơn).

Trong công tác PCCC rừng, 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng ước tính sơ bộ khoảng gần 500ha, tăng 25% so với cùng kỳ 2023; 3 người làm nhiệm vụ chữa cháy rừng bị tử vong. Đối với Hà Nội, những tháng đầu năm 2024, cháy rừng tuy có giảm cả số vụ và diện tích nhưng thời tiết diễn biến bất thường, do vậy vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.

Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCC rừng, mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã đưa ra khuyến cáo về PCCC rừng. Trong đó, Thành phố nghiêm cấm việc đốt nương làm rẫy và những hành vi sử dụng lửa tại các khu rừng. Thu dọn, xử lý các lớp thực bì để giảm thiểu chất dễ cháy.

Đồng thời làm mới, tu sửa đường băng cản lửa đối với các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao. Rà soát phương án chữa cháy cho từng loại rừng cụ thể, phù hợp với điều kiện phương tiện, nguồn nước chữa cháy hiện tại.

Ngoài ra, tăng cường tuần tra, giám sát những khu rừng có khả năng bắt cháy cao, thực hiện chế độ tuần tra nghiêm ngặt trong suất mùa nắng nóng. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp PCCC rừng đối với các hộ sinh sống ven rừng. Chủ động tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tham gia mô hình “Cụm liên kết an toàn PCCC rừng”.

Chủ động trang bị các trang thiết bị, phương tiện, các chất chữa cháy phục vụ chữa cháy rừng. Khi phát hiện cháy rừng phải thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng để tổ chức dập tắt ngay khi đám cháy mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn.

PCCC đối với cơ sở kinh doanh xăng, dầu

Ngoài khuyến cáo bảo đảm an toàn PCCC rừng kể trên, UBND Thành phố Hà Nội cũng vừa đưa ra khuyến cáo về PCCC đối với cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn Thành phố.

dien-tap.jpeg
UBND và Công an quận Đống Đa (Hà Nội) tổ chức diễn tập PCCC và CNCH tại cây xăng và gần khu dân cư.

Cụ thể, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu thực hiện đảm bảo và duy trì liên tục các điều kiện về giao thông phục vụ chữa cháy, khoảng cách PCCC, giải pháp ngăn cháy lan, điều kiện an toàn thoát nạn, khả năng vận hành an toàn của hệ thống đường ống công nghệ, hệ thống chống sét, chống tĩnh điện đã được lắp đặt, bố trí tại cơ sở.

Tại cơ sở, phải niêm yết các biển báo, biển cấm, nội quy, tiêu lệnh chữa cháy tại những nơi dễ thấy, trong đó: Tuyệt đối nghiêm cấm sử dụng nguồn nhiệt, nguồn lửa, trong đó bao gồm cả các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy nhắn tin, các thiết bị thu phát sóng, máy ảnh, camera loại không có chức năng phòng nổ tại các khu vực có nồng độ nguy hiểm cháy, nguy hiểm nổ của cơ sở, trường hợp đặc biệt bắt buộc phải sử dụng thì phải có phương án phòng cháy chữa cháy riêng và được cơ quan phòng cháy chữa cháy chấp thuận.

Nhân viên bán hàng có trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu người và phương tiện ra, vào cửa hàng thực hiện các biện pháp an toàn đảm bảo theo quy định; không bán hàng khi phương tiện chưa tắt động cơ.

xang-dau-2.jpg
Cơ quan chức năng khuyến cáo các nhân viên bán xăng, dầu không bán hàng khi phương tiện chưa tắt động cơ. (Ảnh minh họa).

Trang bị và bố trí phương tiện chữa cháy ban đầu tại các vị trí của cửa hàng theo quy định: Cột bơm xăng dầu; vị trí nhập xăng dầu vào bể; gian bán dầu nhờn và các sản phẩm khác; nơi rửa xe, bảo dưỡng xe; phòng giao dịch bán hàng, trực bảo vệ; phòng máy phát điện, trạm biến áp.

Nước thải nhiễm dầu của cửa hàng phải được thu gom theo hệ thống rãnh thoát riêng có nắp đậy bằng tấm đan bê tông cốt thép có lỗ thoát khí hoặc tấm đan nan thép để tránh tích tụ hơi xăng dầu. Phải bố trí hố bịt trước khi đấu nối hệ thống rãnh thoát nước thải nhiễm dầu vào hệ thống thoát nước chung.

Việc xuất, nhập xăng dầu tại cửa hàng phải thực hiện theo phương pháp nhập kín, đảm bảo không làm thất thoát hơi xăng, dầu ra phía ngoài, đảm bảo an toàn cháy, nổ theo quy định. Tuyệt đối không bán xăng, dầu cho người dân qua các phuy, thùng, can để lưu trữ trái phép trong gia đình./.

Quỳnh Chi