Nhịp sống Hà Nội

Điệu múa, tiếng cồng chiêng người Mường xứ Đoài hòa nhịp văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Quỳnh Chi 23/05/2024 15:44

Tiếng cồng chiêng, dân ca, điệu múa... của đồng bào dân tộc Mường xứ Đoài - huyện Quốc Oai (TP. Hà Nội) đã, đang hòa cùng dòng chảy văn hóa Thăng Long – Hà Nội, từ đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, Thủ đô nói riêng.

Đồng bào dân tộc Mường huyện Quốc Oai chủ yếu tập trung tại hai xã miền núi gồm Đông Xuân và Phú Mãn. Đây cũng là 2 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) nhập vào huyện Quốc Oai từ ngày 1/8/2008 theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII.

muong-1.jpg
Đồng bào dân tộc Mường huyện Quốc Oai với những điệu múa uyển chuyển, đậm đà bản sắc văn hóa.

Đến với 2 địa phương có trên 80% dân số là người dân tộc Mường của huyện Quốc Oai kể trên, vừa được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ trong lành, và hơn hết, dễ dàng nhận thấy sự đổi thay, phát triển về kinh tế - xã hội bởi những chủ trương đúng đắn, hợp ý dân của Trung ương và Thành phố Hà Nội, từ đó đời sống của người dân tộc Mường nơi này được nâng lên từng ngày.

Ấn tượng hơn cả dù đời sống không ngừng đổi thay, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, cũng như thời buổi văn hóa giải trí bùng nổ nhưng người Mường xã Đông Xuân và Phú Mãn vẫn nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình mà nổi bật nhất chính là văn hóa cồng chiêng, dân ca, điệu ví...

u36a0495.jpg
Các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc như diễn tấu séc bùa...
mua-quoc-oai-1-.jpg
...đến xường Mường, hát ru Mường được đồng bào Mường huyện Quốc Oai gìn giữ, trao truyền.
muong-5e.jpg
muong-45.jpg
Các làn điệu dân ca, dân vũ, múa cổ truyền của người Mường huyện Quốc Oai đa dạng và phong phú.

Người Mường ở xã Đông Xuân, Phú Mãn hát dân ca trong lao động sản xuất; hát ru và răn dạy con cái, người thân trong nhà; cả những lúc gặp bạn bè… Tại xã Đông Xuân và Phú Mãn, đồng bào Mường sử dụng các làn điệu dân ca tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể để có nội dung phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh đó. Các thế hệ nối tiếp nhau cùng lưu giữ và trao truyền những loại hình văn hóa phi vật thể của người Mường.

muong-5(1).jpg
Trong các lễ hội truyền thống, sự kiện đoàn thể, văn hóa nghệ thuật của địa phương và Thủ đô Hà Nội, những điệu múa, làn điệu dân ca của người Mường huyện Quốc Oai được trình diễn, để lại nhiều ấn tượng với người xem.

Cùng với những làn điệu dân ca, văn hóa cồng chiêng của người Mường huyện Quốc Oai đã, đang được bảo tồn, phát huy giá trị. Đối với người dân tộc Mường, cồng chiêng là loại nhạc cụ biểu trưng cho nét văn hóa, quan niệm sống, mang giá trị tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng.

muong-7.jpg
muong-4.jpg
Một dàn chiêng của người Mường có 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm, có 12 người cầm, tấu theo những bản nhạc, điệu thức nhất định. Việc tấu chiêng cũng tùy theo từng hoàn cảnh, điều kiện mà có cách đánh phù hợp.

“Người dân tộc Mường yêu quý và bảo vệ cồng chiêng như báu vật của gia đình, dòng họ. Nó đã vượt ra ngoài ngôn từ để nói về nhạc khí, mà còn là loại hình văn hóa”- Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Bùi Văn Sâm, chia sẻ.

Mừng hơn nữa, huyện Quốc Oai đã trang bị 18 bộ cồng chiêng cho hai xã Đông Xuân và Phú Mãn, cũng như trang phục truyền thống cho các đội cồng chiêng, dân ca nòng cốt của hai xã này. Đây là một trong những hành động thiết thực, kịp thời nhằm tạo điều kiện cho công tác bảo tồn, phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Mường tại địa phương.

muong-5f.jpg
sua-2.jpg

Ngoài ra, hằng năm, các lớp tập huấn truyền dạy cồng chiêng cho đồng bào dân tộc Mường được chính quyền huyện Quốc Oai tổ chức. Qua đó, tiếng cồng chiêng người Mường của vùng đất xứ Đoài – Quốc Oai được gìn giữ, ngân vang trong cả đời sống thường nhật cũng như mỗi dịp hội hè góp phần phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc cũng như nền văn hóa Thăng Long ngàn năm.../.

Quỳnh Chi