Sự kiện & Bình luận

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Động lực mới để Hà Nội phát triển thương mại và văn hóa

Trung Kiên 23/05/2024 07:43

So với Dự thảo trình Quốc hội khóa XV lần đầu (tháng 10/2023), cơ quan soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tiếp thu, chỉnh lý các nội dung, từ ngữ, Điều, Khoản để Dự án Luật đạt chất lượng tốt nhất. Đặc biệt, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mới nhất đã bổ sung các nội dung để Hà Nội phát triển khu thương mại và văn hóa.

Tại phiên họp thứ 31 (tháng 3/2024), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã chỉnh lý, cơ bản bám sát đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn trong xây dựng và phát triển Thủ đô cũng như thể chế được các chủ trương lớn của Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

song-hong.jpg
Theo định hướng phát triển Thủ đô, khu vực Bãi Giữa và ven sông Hồng được Thành phố Hà Nội xây dựng thành công viên văn hóa, đa chức năng điển hình và hướng đến phát triển bền vững.

Đồng thời, các nội dung của Dự thảo Luật qua chỉnh lý đã cơ bản đạt được sự thống nhất và thông suốt cả về quan điểm, tư duy và tầm nhìn giữa các cơ quan. Nếu Luật Thủ đô hiện hành chủ yếu mang tính chất khung, thì Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) qua chỉnh lý, bổ sung một số Điều, Khoản đã đi vào những nội hàm rất cụ thể liên quan đến phân cấp, phân quyền và nhất là tạo động lực, chắp cánh cho tất cả các lĩnh vực, ngành nghề của Thủ đô phát triển.

Đặc biệt, Điều 21 trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mới nhất đã bổ sung các nội dung sau nhằm phát triển khu thương mại và văn hóa Hà Nội:

Thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. HĐND thành phố Hà Nội quy định về thẩm quyền thành lập; trình tự, thủ tục thành lập; việc tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý và chính sách ưu đãi được áp dụng đối với trung tâm công nghiệp văn hóa.

Thành phố Hà Nội được cho phép thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, điểm dân cư nông thôn hiện hữu để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, văn hóa tại khu vực có các lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa, trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống.

Việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý khu phát triển thương mại và văn hóa được thực hiện theo quy định:

Khu phát triển thương mại và văn hóa được thành lập, tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản. Việc quản lý, điều hành hoạt động của Khu phát triển thương mại và văn hóa do Hội đồng quản lý gồm đại diện chính quyền cơ sở, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở, đại diện của cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cộng đồng dân cư trong khu vực thực hiện.

ao-daihn.jpg
Trình diễn áo dài trên phố đi bộ quanh hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm) tại Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023.

Khu phát triển thương mại và văn hóa được quyết định các khoản thu để bảo đảm chi trả cho việc quản lý, vận hành khu phát triển thương mại và văn hóa; chi trả cho việc cải tạo, chỉnh trang, bảo vệ cảnh quan, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh, trật tự; chi trả các dịch vụ, tiện ích dành cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân trong khu vực và khách hàng, hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hoạt động văn hóa và các hoạt động khác có liên quan; chi bù đắp cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng từ hoạt động của khu phát triển thương mại và văn hóa;

Việc thành lập, phạm vi, quy mô, mục tiêu phát triển khu phát triển thương mại và văn hóa, việc thành lập Hội đồng quản lý, các khoản thu, mức thu, đối tượng nộp, miễn, giảm và các khoản chi; quy chế hoạt động của khu phát triển thương mại và văn hóa phải được đa số đại diện của cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hộ gia đình thường trú trong khu vực đó nhất trí.

Khu phát triển thương mại và văn hóa phải có cam kết với cơ quan nhà nước và cộng đồng dân cư về việc bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống;

UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đề án thành lập, các khoản thu, mức thu, đối tượng nộp, miễn và các khoản chi, giảm, quy chế của khu phát triển thương mại và văn hóa; ban hành quyết định cho phép thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa; phê duyệt thành viên Hội đồng quản lý khu phát triển thương mại và văn hóa.

UBND thành phố Hà Nội, UBND cấp huyện, cấp xã nơi thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của khu phát triển thương mại và văn hóa theo quy định của HĐND Thành phố. HĐND thành phố Hà Nội quy định chi tiết khoản này và ban hành Quy chế mẫu của khu phát triển thương mại và văn hóa./.

Trên cơ sở Dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung từ Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (20/5 đến 8/6 và 17/6 đến 27/6) sẽ xem xét và thông qua Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trung Kiên