Tác giả - tác phẩm

Đọc “Đồng vọng” của Trịnh Thu Tuyết

Hồ Huy 21/05/2024 08:01

Khi cầm trên tay "Đồng vọng" thì trái tim tôi đã đồng vọng tự bao giờ. Và tôi luôn thầm nhủ: tác giả là một người bạn lớn.

Trịnh Thu Tuyết chắc hẳn đã chẳng còn trẻ nữa vì trong trang lý lịch có ghi: giáo viên dạy văn trường THPT Chu Văn An Hà Nội (đã nghỉ hưu). Nhìn vào gia tài của chị, với những đầu sách mà chị đã in, người ta biết ngay chị là một người giàu có.

Cuốn sách "Đồng vọng" do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành với 361 trang. Tôi gọi đó là 361 trang cuộc đời.

Vậy những trang sách cuộc đời bắt đầu từ đâu? Nó - thứ văn chương ấm áp, dung dị nhưng luôn đa nghĩa đa tầng ấy cũng bắt đầu từ một thơ ấu văn chương. Đọc phần lời tựa do chính chị viết tôi xúc động lắm. Xúc động bởi ở đó là cả một khối chân thành và có lẽ cũng bởi tôi đã từng trải qua một tuổi ấu thơ êm đềm với những con chữ như chị.

z5460475885873_9d70b3ca2d988687cc79b46bcdd110fe.jpg

Vì là những trang sách cuộc đời nên "Đồng vọng" không phải là một cuốn tiểu luận, không phải là một cuốn phê bình hay tạp văn, càng không phải là một cuốn sách dành riêng cho nhà trường. "Đồng vọng" bản thân nó đã hàm chứa tiêu đề của thể loại. Những đồng vọng tri thức, những đồng vọng tâm hồn, đồng vọng để khát vọng...

Đọc cuốn sách của chị, tôi khá bất ngờ với cách đưa ra vấn đề và tiếp cận vấn đề trong các bài viết. Một lối viết minh triết, vừa hàm chứa đầy đủ thứ tư duy logic của người nghiên cứu, vừa có sự trải đời thấm tháp bể dâu, vừa đầy đủ những lập luận sắc bén và cũng vừa đầy đủ sự phiêu lưu trong từng con chữ phiêu lưu.

Tôi không quá ngạc nhiên khi "Đồng vọng" lại đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến sự kiện, đến con người, đến văn học nghệ thuật đương đại đến như vậy. Nhưng đọc mỗi trang Trịnh Thu Tuyết viết tôi thấy mình nhỏ bé. May thay sự nhỏ bé lại làm tôi lớn lên. Ấy là bởi tôi đã tiếp cận được khối tri thức khổng lồ từ chị. Và chỉ đọc sách chúng ta mới có cơ hội cưỡi lên trên lưng của những người khổng lồ.

"Đồng vọng" có 3 phần. Phần đầu là "...những vần thơ và những tiếng lòng...". Phần kế tiếp là "...bức tranh của đời, chân dung của người...". Và phần cuối là "...những tản mạn suy tư...".

Nhìn vào các tiêu đề của các phần tôi lại càng hiểu hơn về Trịnh Thu Tuyết - một người đàn bà Á Đông với tư duy đậm chất triết học phương Đông.

Và có thể nói tôi khá bất ngờ ở phần "...bức tranh của đời, chân dung của người...". Dường như Trịnh Thu Tuyết đang cố thoát ra khỏi văn chương để để đưa các sự kiện, các nhân vật của mình lên trang sách bằng chính sắc màu vốn có của cuộc sống. Văn chương là sự khúc xạ hình ảnh cuộc sống lên trang sách, nhưng giá trị cuối cùng của văn chương vẫn là cuộc sống, bởi vậy khi văn chương thoát được khỏi văn chương tức là những trang sách của bạn đã trở thành những trang sách của cuộc đời...

Tôi sẽ không nói quá nhiều về cuốn sách, thậm chí chi tiết về cuốn sách như cách mọi người thường làm. Đương nhiên là các bạn phải đọc nó chứ, phải khám phá nó chứ... Bởi tôi là tôi và sự đồng vọng giữa các cái tôi luôn là vấn đề khó. Nhưng có lẽ Trịnh Thu Tuyết đã làm được điều đó. Tôi gọi đó là những đồng vọng lương tri.

Hôm nhận được sách chị tặng, tôi có nhắn tin cảm ơn chị bằng một câu vỏn vẹn: Em sẽ đọc nó từ từ... Và hình như chị tâm đắc với sự "từ từ" của tôi lắm.

Quả đúng như vậy, trong chuyến đi công tác dài ngày chừng một tháng trên biển, cuốn sách mà tôi mang theo, cuốn sách mà tôi đọc chậm từng trang mỗi giờ hết ca làm việc chính là "Đồng vọng".

Khi đọc những trang cuối cùng của "Đồng vọng" là lúc tôi đang ngồi trên biển nước mênh mông, nhìn đồng hồ đã 4h30 phút sáng, nhìn qua ô của kính ngoài kia mưa chan chứa mưa. Nhưng những ánh lửa từ cây đuốc của những giàn khoan trên mỏ vẫn đang rừng rực sáng. Tôi chợt liên tưởng đến những ánh lửa của đồng vọng, tôi chợt liên tưởng đến những vẻ đẹp từ đồng vọng... Và yêu thương ư... ./.

Hồ Huy