Dân tộc Việt Nam với giá trị của hòa bình

Tin tức - Ngày đăng : 07:18, 10/10/2020

1. Năm 1010, khi đưa ra quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, Đức Thái tổ Lý Công Uẩn đã ước vọng xây dựng một kinh đô phồn thịnh, tiêu biểu cho một dân tộc tự lực, tự cường, hòa bình thịnh vượng (rồng bay lên giữa trời xanh). Từ bấy đến nay, xã tắc bao phen “chồn ngựa đá”, bao trận chiến khốc liệt đã đi vào sử vàng dân tộc.

Dân tộc Việt Nam với giá trị của hòa bình
Đại hội XIII của Đảng được toàn dân tin tưởng là Đại hội nuôi dưỡng khát vọng tự lực tự cường, hòa bình thịnh vượng, xác lập tầm vóc mới của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Quang Thái

Bằng trí tuệ và tinh thần yêu nước, dân tộc ta đã chiến thắng tất cả mọi kẻ thù xâm lăng, nhấn chìm bè lũ cướp nước và bán nước. Sau từng cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, dân tộc ta luôn cho thấy dân tộc này biết tự định đoạt số phận và bảo vệ nền độc lập, tự chủ, tự cường. Nền tảng tinh thần bất khả chiến bại của dân tộc ta chính là lòng dân yêu quê hương đất nước. Vì sự yên bình của quê hương, vì quyền tự chủ của dân tộc mà người dân không chịu cúi đầu làm nô lệ. Lịch sử chống ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc kéo dài 1117 năm của nước ta đủ cho thấy, trên thế giới hiếm có một dân tộc nào lại bền bỉ kiên cường và cháy bỏng khát khao quyền tự chủ đến như vậy.

2. Từ ngày có Đảng, có Bác Hồ soi đường chỉ lối đến nay, dân tộc Việt Nam càng chứng tỏ khí phách anh hùng của một dân tộc “biết căm thù và biết yêu thương”, tất yếu sẽ biết bước tới đài vinh quang. Thời đại Hồ Chí Minh thực sự là đỉnh cao hội tụ những giá trị cốt lõi, bao trùm của dân tộc Việt Nam, đồng thời đóng vai trò quan trọng định ra xu hướng vận động của lịch sử nhân loại thời hiện đại. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của Việt Nam trở thành một giá trị linh thiêng, như lẫy nỏ thần, quốc bảo cho sự trường tồn dân tộc.

Đảng, Bác Hồ đã rất tài tình biết kết nối nhân tâm, khơi dậy tinh thần tự tôn dân tộc, khích lệ khát vọng giành lại quyền sống, nhờ vậy đã mang lại “phép màu” trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong những cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài 30 năm, trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đặc biệt là nhờ có sự quyết đoán chính trị mà Đảng đã đưa nhân dân ta biết “tự cứu mình trước khi trời cứu” tiến hành đổi mới thành công.

3. Đảng, Bác Hồ không có lợi ích nào khác ngoài mục tiêu độc lập cho dân tộc mình, tự do cho đồng bào mình. Mục tiêu ấy là giá trị sống cao đẹp nhất, bao trùm nhất của nhân loại, nên đã mau chóng đi vào lòng dân, được nhân dân tin tưởng, theo Đảng, Bác Hồ làm cách mạng. Cao trào cách mạng Xô viết Nghệ - Tĩnh thực sự đã mở ra trang sử mới cho cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc và quyền sống cho đồng bào ta. Trong đêm tối lịch sử, đất nước tưởng như có thể bị diệt vong, song đã may mắn đi qua đại hồng thủy và bão lửa thời đại, ấy là vì có Đảng, có lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh, có nhân dân hòa quyện cùng một niềm khát vọng mà tổ tiên, ông cha ta trao truyền, âm vang hào hùng qua Bình Ngô đại cáo (Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu).

Dựa vào lòng dân mà dựng nước và cứu nước, đó là một quy luật bất biến được đúc kết từ hàng ngàn năm lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta. Ở những thời điểm có tính sống còn dân tộc, vận hội dân tộc được lóe sáng và tỏa rạng chính là dựa vào sự ủng hộ của nhân dân. Thế kỷ XV, Hồ Quý Ly muốn nuôi dưỡng khát vọng cải cách, xây dựng một quốc gia tự chủ, tự cường, nhưng vì lòng dân không theo, nên cho dù có trường lũy và thành đá vững chãi cũng bị giặc Minh phá tan chóng vánh. Tháng 8-1945, Đảng, Bác Hồ đã phát minh một nghệ thuật chính trị độc đáo khi phát động cả dân tộc lấy sức ta tự giải phóng cho ta, vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

4. Xét trong lịch sử dân tộc cho thấy, mỗi thời kỳ hưng thịnh đều liên quan gốc rễ đến nhân tâm. Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã xác định ngay khi mới thành lập cho đến ngày nay: Đảng không có lợi ích nào khác là lãnh đạo nhân dân làm cách mạng để mang lại độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Vì mục tiêu đó, biết bao chiến sĩ cộng sản đã hy sinh lẫm liệt. Có lúc Đảng phải tuyên bố tự giải tán và rút vào hoạt động bí mật, nơi bảo vệ Đảng an toàn nhất chính là lòng dân. Hồ Chí Minh được coi là anh hùng dân tộc “tay không mà dựng cơ đồ”, chính vì Người biết dựa vào lòng dân.

Cái giá của độc lập, hòa bình chính là xương máu của nhân dân, là nỗi đau của Đảng, của Bác Hồ. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cũng như vô vàn những bà mẹ khác trên thế giới đều khát khao cho con mình niềm hạnh phúc trong hòa bình. Nhưng kẻ thù (nhiều khi nhân danh đạo đức, văn minh, hòa bình) đã cướp đi niềm mong mỏi đó. Những bà mẹ của nước Nga vĩ đại trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã dâng hiến hàng chục triệu người con yêu quý trên lãnh thổ của nhiều nước bên ngoài nước Nga. Những bà mẹ Việt Nam cũng đã hiến dâng những đứa con thân yêu cho sự cứu thoát dân tộc Campuchia ra khỏi họa diệt chủng, cùng nước bạn Lào đánh đổ thực dân, đế quốc.

Đảng ta ra đời từ yêu cầu khách quan lịch sử đòi hỏi giải phóng dân tộc, cứu thoát đồng bào khỏi họa xâm lăng, Đảng được nhân dân tin tưởng và bảo vệ, Đảng và nhân dân hòa quyện lợi ích chân chính, linh thiêng, nên Đảng luôn gắn bó máu thịt với nhân dân. Đó là nền tảng cho sự trường tồn dân tộc. Cơ đồ của dân tộc đang được bồi đắp ngày càng vững chắc qua hàng ngàn năm lịch sử, nhất là qua hơn 90 năm có Đảng lãnh đạo. Đại hội XIII của Đảng tới đây đang được toàn dân tin tưởng, chờ mong là Đại hội nuôi dưỡng khát vọng tự lực tự cường, hòa bình thịnh vượng, xác lập tầm vóc mới của dân tộc Việt Nam trong tương lai không xa.

HNM