Luật Thủ đô (sửa đổi): Kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu phát triển Hà Nội của Trung ương
Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (20/5 đến 8/6 và 17/6 đến 27/6), Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được chỉnh lý, bổ sung sẽ được Quốc hội thảo luận lần 2 và thông qua Dự án Luật. Có thể nói, đây là một sự kiện quan trọng, nhất là Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu phát triển Hà Nội của Trung ương, và để Hà Nội xứng với “trái tim của cả nước”.
Luật Thủ đô (sửa đổi) hình thành từ cơ sở chính trị, pháp lý
Theo Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 15-NQ/TW), trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030: “Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.
Theo đó, “tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô”; đồng thời giao: Ban cán sự đảng Chính phủ chuẩn bị và trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù và phân cấp cho chính quyền Thủ đô Hà Nội thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, quy hoạch, đất đai, quản lý trật tự xây dựng, giao thông, môi trường, dân cư, tổ chức bộ máy, biên chế…
Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị.
Sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị. Thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, mô hình thành phố thuộc thành phố... Đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch; xây dựng khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị.
Luật Thủ đô (sửa đổi) còn được xây dựng theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu “hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá; xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng”.
Luật Thủ đô (sửa đổi) đến từ cơ sở thực tiễn, kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Hà Nội
Vẫn theo Bộ Tư pháp, Luật Thủ đô 2012 (hiện hành) là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm để triển khai thi hành Luật.
Các cơ quan đã ban hành 34 văn bản để quy định chi tiết 21/21 nội dung Luật giao qua đó, tạo lập đồng bộ các công cụ pháp lý trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô. Việc thực hiện các chính sách đặc thù theo quy định của Luật bước đầu đã giúp cho thành phố Hà Nội trong việc xây dựng, quản lý quy hoạch nhằm thực hiện thống nhất theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Hệ thống giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng các dự án, công trình trọng điểm được kết nối thông suốt, đồng bộ, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô; cảnh quan kiến trúc hai bên đường trên một số tuyến phố thực hiện thí điểm đã được chỉnh trang sạch đẹp; nhiều dự án khu đô thị mang tầm vóc của đô thị hiện đại đang dần hiện hữu; phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân ngày càng phong phú…
Các di sản văn hóa - lịch sử được quan tâm bảo tồn, tôn tạo; phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn; khoa học công nghệ được đầu tư phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, hướng tới chất lượng, ứng dụng hiệu quả; nguồn thu ngân sách được bổ sung nhờ cơ chế phát huy nội lực, chính sách huy động vốn, chính sách thưởng và đầu tư trở lại từ nguồn tăng thu của ngân sách trung ương trên địa bàn Thành phố.
“Thủ đô đang dần phát huy được vị thế, vai trò, tạo động lực phát triển, sức mạnh lan tỏa, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác, hỗ trợ các địa phương trong Vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển”, Bộ Tư pháp, khẳng định.
Tuy nhiên, hơn 10 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực: 1. Xây dựng, hoàn thiện thể chế và quản lý thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nhất là trong quy hoạch quản lý không gian, không gian ngầm, công trình kiến trúc cổ, bảo tồn và phát triển văn hóa và quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị; 2. Quản lý, sử dụng đất, nhất là đất sử dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội, văn hóa, tôn giáo, công trình công cộng phục vụ cộng đồng, dân cư; 3. Cơ chế tài chính, chính sách liên kết vùng, nhất là các chính sách về thu chi ngân sách để thúc đẩy đầu tư phát triển; 4. Quản lý dân cư, bảo vệ Thủ đô bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; 5. Chính sách an sinh xã hội, phát triển giáo dục, KHCN, bảo vệ môi trường…
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên là do việc thực thi chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, kịp thời, đầy đủ, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước. Một số quy định của Luật Thủ đô chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu quy định về các cơ chế đặc thù cụ thể để thực hiện được trên thực tế.
Mặt khác, sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành, đã có nhiều đạo luật chuyên ngành được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, các luật ban hành sau có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề hoặc bãi bỏ quy định của Luật Thủ đô. Việc chưa có quy định về nguyên tắc áp dụng trong Luật Thủ đô đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong việc tổ chức thi hành Luật này. Đồng thời, Luật Thủ đô giao thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết cho thành phố Hà Nội (nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND), về thứ bậc hiệu lực pháp lý thấp hơn các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương ban hành, nên khi các luật, nghị định, thông tư được ban hành có quy định khác, nhiều nội dung đặc thù được giao cho Thủ đô Hà Nội quy định chi tiết đã không thể thực hiện được.
Bộ Tư pháp nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết, bởi Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quy định và thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra./.