Văn hóa – Di sản

Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Lấp khoảng trống phát sinh, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam

Trung Kiên 18/05/2024 20:30

Sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật được các chuyên gia đánh giá rất cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội. Quá trình xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ VH-TT&DL cũng đã chỉ ra một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới trong Luật, nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua ngày 29/6/2001 và được sửa đổi, bổ sung ngày 18/6/2009. Hơn 20 năm, Luật Di sản văn hóa đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Nhưng với sự phát triển không ngừng của xã hội, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã đặt ra nhiều vấn đề cấp bách mà thực tiễn cần nhìn nhận, đánh giá để có thể bắt kịp với sự vận động của xã hội, của thế giới.

di-san-1-.jpg
Các bạn trẻ tham quan khu vực bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) và được cán bộ chuyên môn giới thiệu về lịch sử, ý nghĩa của các bia Tiến sĩ. (Ảnh minh họa).

Chính vì điều này, việc sửa đổi và hoàn thiện hành lang pháp lý Luật Di sản văn hóa góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Đồng thời, nâng tầm và tôn vinh những giá trị của văn hóa nhân loại nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (dự kiến đợt 1 từ ngày 20/5 đến 8/6 và đợt 2 từ ngày 17/6 đến 27/6; dự phòng ngày 28/6), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội để các Đại biểu Quốc hội cho ý kiến và thảo luận.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, mặc dù Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là luật chuyên ngành khó, có độ bao quát rộng, liên quan đến nhiều luật khác, nhưng Bộ VH-TT&DL đã chủ động rà soát, đánh giá tác động; tổ chức các Hội thảo khoa học từ đó tìm ra được những điểm nghẽn để đề xuất sửa đổi Luật.

“Việc sửa đổi Luật cũng nhằm kiến tạo hành lang pháp lý để gìn giữ, phát huy các giá trị của di sản trở thành tài sản, dựa trên cơ sở tài nguyên thiên nhiên phong phú để thấy được công sức sáng tạo, nét đẹp văn hóa ngàn đời mà cha ông ta đã dày công gây dựng. Dù đây là dự án Luật khó nhưng không thể không làm, cho tới thời điểm này, Bộ VH-TT&DL đã hoàn thành hồ sơ dự án Luật. Với tinh thần cầu thị, cơ quan soạn thảo đã lắng nghe và tiếp thu đầy đủ, có chọn lọc các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự án Luật có chất lượng cao nhất để trình Quốc hội trong kỳ họp tới”, ông Nguyễn Văn Hùng, cho biết.

Đáng nói, theo cơ quan soạn thảo, Luật Di sản văn hóa hiện hành chưa quy định nội dung các hoạt động, cơ chế để thu hút các nguồn lực của xã hội, huy động được sự đóng góp, tham gia của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa… trong khi thực tiễn xã hội hiện đại, các địa phương tập trung khai thác, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội nên thu hút doanh nghiệp có đóng góp cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhưng do không có cơ chế, được hưởng chính sách, ưu đãi thuế cho chi phí sản xuất, nên do lợi nhuận không cao, nhiều rủi ro khi đầu tư, khó thu hồi vốn cũng là trở ngại rất lớn trong công tác vận động, thu hút nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ. Trong khi, nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa còn rất thấp so với nhu cầu thực tế: đầu tư tu bổ di tích còn thấp nên mới chỉ thực hiện chống đỡ cục bộ chứ chưa đặt di tích ở trong tình trạng bền vững lâu dài để trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh có sức hấp dẫn thu hút khách tham quan nên việc tạo nguồn thu tái đầu tư cho tu bổ, tôn tạo di tích còn bị hạn chế.

di-san-3.jpg
Trống đồng Cổ Loa được phát hiện trong tòa thành Cổ Loa (huyện Đông Anh) trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

Di sản tư liệu, di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh chưa có đầy đủ chương trình, đề án, kế hoạch để bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Hoạt động bảo tàng chưa được quan tâm, đầu tư kinh phí để xây dựng, cải tạo trụ sở, mua sắm trang bị thiết yếu để bảo vệ, bảo quản hiện vật… Vì vậy, cần bổ sung mới các quy định trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) về phạm vi, quyền hạn, nội dung hoạt động xã hội hóa bảo vệ di sản, cơ chế và thẩm quyền hướng dẫn thực hiện; quy định về Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa; quy định về việc hỗ trợ cộng đồng địa phương tại địa bàn có di tích.

Bộ VH-TT&DL thông tin thêm, Luật Di sản văn hóa hiện hành chưa có các quy định về chức năng nhiệm vụ giáo dục và ứng dụng công nghệ của bảo tàng; chuyển quyền sở hữu đối với bảo tàng ngoài công lập đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; thẩm quyền thẩm định các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp bảo tàng, các dự án trưng bày, chỉnh lý nội dung và hình thức trưng bày bảo tàng; đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước.

Chưa quy định thẩm quyền, hướng dẫn các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như quy định về báo cáo định kỳ tình trạng di sản và tình hình bảo vệ, phát huy giá trị di sản sau khi được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các Danh sách của UNESCO; nội dung, cơ chế thực hiện, triển khai, tổng hợp, xử lý thông tin các Báo cáo bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể theo cam kết với UNESCO… Đồng thời, chưa quy định về đối tượng và phạm vi điều chỉnh của loại hình di sản tư liệu và các quy định liên quan đến Di sản tư liệu - là loại hình thuộc di sản văn hóa nhưng chưa được quy định bởi bất kỳ luật nào trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Trong thời gian tới, Di sản tư liệu của Việt Nam sẽ tiếp tục được UNESCO xem xét, ghi danh cấp khu vực và thế giới và ngày càng có xu hướng gia tăng. Di sản tư liệu của Việt Nam ở các địa phương, gia đình và dòng họ… đa dạng về loại hình, tài liệu, tư liệu rất tiềm năng, cũng có di sản tư liệu có nguy cơ bị mai một, biến mất…

Vì vậy, quy định mới loại hình Di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ điều chỉnh hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị là phù hợp và cần thiết, với các quy định: các khái niệm loại hình, thuật ngữ, tiêu chí nhận diện, các hoạt động kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, quy trình ghi danh và hủy bỏ quyết định ghi danh, cho đến các biện pháp tiếp nhận quản lý, trách nhiệm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh; thẩm quyền thẩm định các dự án, đề án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di sản tư liệu; quy định về bản sao đối với di sản tư liệu… /.

Trung Kiên