PGS.TS Phạm Quang Long: Tinh hoa trong lối sống người Hà Nội không bao giờ mất đi
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:19, 12/10/2020
Chất thị dân mà theo tôi là hồn cốt của tầng lớp cư dân mấy thập niên đầu thế kỷ XX bây giờ đã khác hẳn. Bây giờ, cư dân Hà Nội thay đổi nên tính pha tạp, chưa chuẩn mực cũng du nhập về Hà Nội đậm nét hơn.
PGS.TS Phạm Quang Long - nguyên Phó Giám đốc trường Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội.
Nhưng chất tinh hoa trong lối sống vẫn được đề cao. Khi con người luôn khao khát sống với những gì tử tế và trở thành người tử tế thì giá trị tốt đẹp ấy sẽ trở lại. Đó là nhận định của PGS.TS Phạm Quang Long – nguyên Phó Giám đốc trường Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội.
Hồn cốt cư dân Hà Nội nay đã khác
Là một người gắn bó với văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong từng vị trí công tác, theo PGS.TS, văn hóa Tràng An xưa kia có thể khái quát qua những nét, đặc tính nào?
- Các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã đúc kết thành mấy tính chất, đó là “kết tinh, hội tụ, tỏa sáng”. Những giá trị của nhiều vùng miền khác nhau rồi lại thăng hoa trong môi trường mới. Những giá trị ấy không hình thành trong ngày một ngày hai mà qua nhiều thế hệ.
Sự kết tinh và hội tụ những tinh hoa văn hóa các vùng miền thì quá rõ rồi vì văn hóa Tràng An vốn là do dân “tứ chiếng” xây dựng qua nhiều đời mà thành. Nó trải qua một quá trình chọn lọc rất kỹ, chỉ giữ lại những gì là tinh túy và những giá trị tinh túy ấy (ở hệ giá trị và những danh nhân văn hóa của đất kinh kỳ mang tính đại diện cho đất nước) lại dẫn dắt văn hóa Kẻ Chợ ngày một phong phú hơn. Cứ thế, lớp văn hóa đất kinh kỳ qua các thế hệ dày lên, phong phú hơn và lan tỏa ảnh hưởng ra những vùng miền khác.
Hà Nội ngày nay đã là mảnh đất giao lưu hội tụ bốn phương, chính vì vậy từ văn hóa ứng xử đến văn hóa mang tính bề nổi đã có sự thay đổi ít nhiều. PGS.TS có thể cho biết những nhìn nhận, đánh giá về sự thay đổi ấy?
- Quy luật của văn hóa là thế. Nó sống trong đời sống, là cốt cách của đời sống và cũng là bộ mặt, yếu tố tiếp nối dễ nhận thấy của quan niệm về giá trị con người, cộng đồng dân cư ở Hà Nội trong mỗi thời đại. Nói tính chất đại diện và kết tinh những phẩm chất nổi trội của văn hóa các địa phương, tính chất “tứ chiếng” cũng là một cách nói thôi.
Khi người khắp nơi hội tụ về Hà Nội thì tính chất vùng miền cũng du nhập theo nhưng nó sẽ bị biến đổi cho phù hợp với lối sống ở đô thị, chỉ giữ lại những gì có khả năng “sống được” ở đó. Rồi nó lại nảy sinh ra những yếu tố mới, có thể từ cái cũ, có thể từ cái khác hẳn cái cũ, phủ định cái cũ. Nói trên yếu tố dễ thấy nhất là ngôn ngữ Hà Nội chẳng hạn.
Người Hà Nội như tôi biết từ nửa thế kỷ trước nói nhẹ và “dễ nghe” lắm, cách các bà, các chị ăn mặc ở nhà khác, ra đường khác; ăn uống ở chỗ công cộng không xô bồ, ồn ã và thô như bây giờ. Ngày ấy, trừ gia đình có hộ khẩu ở Hà Nội thì chỉ những người công tác ở Hà Nội mới sống ở Hà Nội nên “chất kinh kỳ, Hà Nội” trội hơn, dễ thấy hơn, văn hóa ứng xử văn minh và tinh tế hơn. Bây giờ cư dân Hà Nội không phải thế nên tính pha tạp, chưa chuẩn mực cũng du nhập về Hà Nội đậm nét hơn.
Người ở Hà Nội bây giờ không bao gồm tất cả cư dân có nguồn gốc hay làm việc thuộc các cơ quan của Thủ đô. Ngày xưa nói dân ở phố là người Hà Nội, giờ có dân ở phố, dân ở khu đô thị mới, dân chung cư, dân nhập cư, dân vãng lai, dân buôn bán, dân làm ăn theo mùa vụ… Từng ấy con người, công việc, lối sống kéo theo bao điều làm biến đổi bộ mặt và cả tính chất của Hà Nội. Ai cũng thấy điều đó và đây cũng là thử thách cho các nhà hoạch định chính sách, quản lý Hà Nội. Nó tạo ra sự cạnh tranh, có cả mặt tích cực và những mặt trái của tình trạng này.
Theo PGS đánh giá, đâu là những giai đoạn có sự biến đổi mạnh mẽ nhất trong văn hóa Hà Nội?
- Từ sau 1975, đặc biệt là sau khi chúng ta thực hiện đổi mới đến nay. Sau khi mọi thứ “bung ra” thì mọi thứ “ngoài Hà Nội”, trong đó có cả cái tử tế lẫn cái bèo bọt, thậm chí có hại cũng ùa về Hà Nội theo chân những công dân mới.
Tinh hoa văn hóa sẽ dẫn đường
Dù giao lưu, hội nhập với văn hóa các tỉnh, thành và văn hóa thế giới nhưng văn hóa Hà Nội vẫn giữ được những nét riêng, theo PGS, nét riêng đó là gì?
- Ở đây cần lưu ý cả hai điều: Nếu sự giao lưu, hội nhập không diễn ra với tốc độ chóng mặt và đa diện như chúng ta đã thấy thì cũng sẽ diễn ra hai quá trình: Một số thứ vốn của Hà Nội xưa sẽ mất đi do không còn phù hợp với Hà Nội nay và cũng hình thành một số giá trị mới do nhu cầu thực tiễn vì văn hóa cũng luôn vận động, biến đổi, là sản phẩm của chính lịch sử. Điều thứ 2 là trong bối cảnh hội nhập và giao lưu đa diện, có bảo trợ của Nhà nước, có định hướng chứ không mang tính tự phát thì những yếu tố tích cực của văn hóa Hà Nội xưa như tinh tế, hào hoa, luôn vươn tới những giá trị bền vững, yếu tố tinh hoa vẫn còn giữ lại.
Người Hà Nội có xu hướng giữ mình trước các thay đổi, đặc biệt khi thấy nó có xu hướng ô nhiễm văn hóa. Cái chất tinh hoa trong lối sống vẫn được đề cao và gắn với những giá trị của con người, của nhân cách văn hóa. Tôi đoán khoảng một thời gian nữa, khi môi trường xã hội lành mạnh hơn, xu hướng này sẽ ảnh hưởng rộng hơn hiện nay.
Trong bài viết “30 năm nghiên cứu văn hóa dân gian Hà Nội”, cố GS Trần Quốc Vượng đã rút ra tính cách của người Hà Nội gồm: Thanh lịch, tế nhị và nhân ái. Những nhận xét trên cho thấy, người Hà Nội có rất nhiều tính cách khác nhau, được đúc kết thông qua cách ứng xử hàng ngày. Theo ông, tính cách này đang được định hình như thế nào trong văn hóa ứng xử thời nay?
- Tôi nghĩ cố GS Trần Quốc Vượng khái quát rất hay. Tinh hoa văn hóa của dân tộc nào cũng nằm ở cốt cách giá trị của dân tộc ấy. Người Việt anh hùng trong chiến đấu giữ nước, điều đó đúng nhưng họ buộc phải trở thành anh hùng trong hoàn cảnh bắt buộc thế chứ lòng nhân ái vẫn quan trọng.
Vì nhân ái cải hóa con người bằng cách riêng của nó rất hiệu quả mà không gây ra đổ vỡ. Thanh lịch và tế nhị là cốt cách của những người hiểu đời, hiểu mình, tự tin vào những điều mình làm. Nghĩa là họ đã ở trình độ cao. Họ có tri thức, họ tự do và họ có hệ giá trị về con người ở tầm mức tinh hoa. Không phải mọi người Hà Nội xưa đều thế nhưng nết trội này dễ thấy ở lớp công dân Hà Nội ưu tú và mọi người dân sống ở Hà Nội đều hướng theo điều này.
Tinh hoa văn hóa xã hội dẫn đạo đường đi cho cộng đồng là ở chỗ ấy. Điều này cần được nhân lên, đặc biệt là trong văn hóa chính trị, văn hóa quản lý vì xã hội ta giao cho bộ máy hành chính làm nhiệm vụ tổ chức và lãnh đạo xã hội.
Xin cảm ơn PGS.TS!