Văn hóa – Di sản

Lễ hội làng Keo được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Việt Thương 13/05/2024 10:59

Lễ hội truyền thống làng Keo thuộc thôn Giao Tất, xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) gắn liền với tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng, vị thần bảo trợ của cộng đồng làng Keo là tướng quân Đào Phúc và Tiên Anh công chúa đã có công cùng đại danh tướng Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến trên sông Như Nguyệt, đánh tan quân Tống, quân Chiêm Thành xâm lược.

124e7c0b1a-d9ef-4eaa-9e1c-963be2f9c828.jpg
Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL Nông Quốc Thành trao chứng nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia cho cán bộ và Nhân dân xã Kim Sơn. (ảnh: KTĐT)

Tối 12-5, UBND huyện Gia Lâm đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận Lễ hội làng Keo là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Quyết định của UBND thành phố công nhận xã Kim Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 và khai mạc Lễ hội truyền thống làng Keo năm 2024.

Lễ hội làng Keo, thôn Giao Tất, xã Kim Sơn được tổ chức hằng năm từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 4 âm lịch, với không gian thực hành tại các di tích trên địa bàn: nghè Keo, đình Dân, đình Bằng và chùa Keo.

Lễ hội truyền thống làng Keo gắn liền với tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng, vị thần bảo trợ của cộng đồng làng Keo là tướng quân Đào Phúc và Tiên Anh công chúa đã có công cùng đại danh tướng Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến trên sông Như Nguyệt, đánh tan quân Tống, quân Chiêm Thành xâm lược.

Bên cạnh việc thờ cúng Thành hoàng, người dân Giao Tất còn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các lớp văn hóa đặc trưng của Phật giáo. Làng Keo có chùa Keo với tên chữ là Báo Ân Trùng Nghiêm Tự, thờ Pháp Vân Phật còn gọi là Bà Keo. Lễ hội truyền thống làng Keo là sự giao hòa của tín ngưỡng - tôn giáo.

Qua nhiều thế hệ, người làng Keo vẫn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của ông cha. Hội làng Keo được cộng đồng lưu truyền, giữ gìn qua các thế hệ với nét văn hóa, độc đáo, đặc sắc riêng, từ việc lựa chọn nhân vật tham gia vào lễ hội, như: Chủ tế, trai rước kiệu, thủ hiệu, tổng cờ, hiệu chiêng... đến tên gọi của kiệu: Kiệu Nhất (rước Phật), kiệu Nhì (rước Thánh)...

Đây là sự kiện văn hóa - tâm linh quan trọng nhất trong năm của người dân địa phương.

Với những giá trị văn hóa độc đáo tiêu biểu, Lễ hội làng Keo, xã Kim Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 370/QĐ-BVHTTDL ngày 21-2-2024.

Nhân dịp này, xã Kim Sơn tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống làng Keo, diễn ra từ ngày 13 đến 15/5. Tại lễ hội, có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; trưng bày giới thiệu những đặc sản tiêu biểu của quê hương Kim Sơn...

Việt Thương