Chính sách & Quản lý

Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa: Cần thực hiện hiệu quả quy hoạch tổng thể, có chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn

Trung Kiên 13/05/2024 07:40

Tham luận tại Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” diễn ra sáng 12/5 tại tỉnh Quảng Ninh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy, cho rằng chúng ta cần thực hiện 4 nhóm giải pháp phát triển thiết chế văn hóa theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Tại Hội thảo Văn hóa năm 2024, các đại biểu, nhà khoa học đã khẳng định tầm quan trọng, vị trí, vai trò đặc biệt của các thiết chế văn hóa, thể thao. Đây là nơi diễn ra các hoạt động sáng tạo, phổ biến, thực hành và hưởng thụ các giá trị văn hóa; nơi rèn luyện, nâng cao năng lực thẩm mỹ và thể lực của các tầng lớp nhân dân, giúp con người Việt Nam khỏe về thể chất, đẹp về tinh thần, phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.

hoi-thao-6.jpg
Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” có sự tham gia của khoảng 300 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương; đại diện cơ quan quản lý thiết chế văn hóa, thể thao ở Trung ương và cơ sở; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa... (Ảnh: BTC).

Đặc biệt, thiết chế văn hóa, thể thao còn là không gian thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa; lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Dù đã đạt được những thành tựu nổi bật trong việc xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao nhưng thực tế phản ánh, Việt Nam còn thiếu các thiết chế văn hóa đủ tiêu chuẩn để tổ chức các sự kiện lớn, mang tầm khu vực và quốc tế, được tổ chức và vận hành một cách chuyên nghiệp. Ngược lại, chúng ta lại thừa những thiết chế không đáp ứng được các tiêu chuẩn vừa nêu.

Tham luận tại Hội thảo Văn hóa năm 2024, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đã nêu rõ thực trạng, nhiều trung tâm văn hóa, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng, nhưng tần suất sử dụng rất ít hoặc sử dụng sai mục đích. Hay tại nhiều vùng nông thôn, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số,… hệ thống thiết chế văn hóa còn nghèo nàn, lạc hậu về cơ sở vật chất cũng như trong việc tổ chức các hoạt động, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân…

Đưa ra các giải pháp về xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa trong thời gian tới theo quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, đồng chí Phan Xuân Thủy cho rằng chúng ta cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tiếp tục quán triệt sâu sắc, toàn diện hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đồng thời nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa để có những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai xây dựng, phát triển tạo ra mạng lưới hệ thống thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; tạo mọi điều kiện bảo đảm quyền tiếp cận, hưởng thụ, tham gia và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân tại các thiết chế văn hóa cơ sở.

Bên cạnh đó, chúng ta cần thực hiện có hiệu quả việc quy hoạch tổng thể, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, bố trí quỹ đất hợp lý, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, bảo đảm diện tích sử dụng theo chức năng của các thiết chế; tạo sự đồng bộ giữa mỹ thuật, kiến trúc, quy hoạch các thiết chế văn hóa trong không gian văn hóa công cộng. “Việc xây dựng thiết chế văn hóa phải phù hợp với địa bàn, phong tục tập quán và truyền thống văn hóa tộc người, bảo đảm giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân, tránh đầu tư dàn trải, chạy theo thành tích”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy, nhấn mạnh.

hoi-thao-7.jpg
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy trình bày tham luận tại Hội thảo Văn hóa năm 2024. (Ảnh: BTC).

Cùng đó, chúng ta phải nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó chú trọng các nhóm chính sách về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; quy hoạch, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ nhất là các chính sách đào tạo đội ngũ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ trong các thiết chế văn hóa. Phải có các chính sách đãi ngộ, thu hút con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học trong các cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật; cán bộ văn hóa có trình độ, chuyên môn phù hợp đến công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, tư nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia đóng góp các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất và tham gia hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Nhóm giải pháp cuối cùng được Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nêu tại Hội thảo Văn hóa năm 2024, đó là chúng ta cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác tuyên truyền, vận động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch; từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế đối với các hoạt động văn hóa, nhất là ở cơ sở. Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các thiết chế văn hóa; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng, khai thác, sử dụng hiệu quả công năng các thiết chế văn hóa phục vụ nhân dân; phát huy tinh thần chủ động, tích cực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa./.

Trung Kiên