Chuyển động Hà Nội

Chuẩn bị ra mắt Trang thông tin “360 độ Di tích lịch sử - văn hóa quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội”

Huyền Anh 13/05/2024 07:00

Sự kiện ra mắt Trang thông tin giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận với tên gọi “3600 Di tích lịch sử - văn hóa quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội” sẽ đánh dấu một bước tiến mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số của quận Hai Bà Trưng gắn với du lịch văn hóa và xây dựng điểm đến du lịch của quận, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

Đơn vị đi đầu về số hóa 3600 toàn bộ các di tích

Với mục đích đẩy mạnh quảng bá du lịch văn hóa, giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa cũng như phục vụ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc trên địa bàn quận, UBND quận Hai Bà Trưng đã giao cho Phòng Văn hóa và Thông tin quận tham mưu triển khai nội dung: “Tạo lập cơ sở dữ liệu và xây dựng hệ thống quản lý các hồ sơ di tích trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, nhằm phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch”.

Sau một thời gian tích cực triển khai thực hiện, quận Hai Bà Trưng đã hoàn thành việc xây dựng 01 trang website giới thiệu toàn bộ các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận và lấy tên gọi là: “3600 Di tích lịch sử - văn hóa quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội”.

img_7210.jpeg
Một giao diện trên Trang thông tin.

Đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin quận Hai Bà Trưng cho biết, trang thông tin “3600 Di tích lịch sử - văn hóa quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội” được hình thành dựạ trên công nghệ 3600 và công nghệ quét laser hiện vật được đánh giá là công nghệ tiên tiến và hiệu quả nhất hiện nay trong lĩnh vực thông tin và truyền thông về du lịch. Với việc hoàn thành và đưa vào hoạt động sản phẩm này, quận Hai Bà Trưng là đơn vị đầu tiên của thành phố Hà Nội hoàn thành triển khai số hóa 3600 cho toàn bộ các điểm di tích có trên địa bàn quận.

Công nghệ hiện đại, tích hợp nhiều chức năng, tiện ích

Với vị trí quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội, nơi lưu giữ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lớn, trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hai Bà Trưng luôn xác định việc tập trung quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa của Thủ đô nghìn năm văn hiến trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Thực tế đã chứng minh, nhiều di tích của quận đã trở thành điểm tham quan thường xuyên của du khách, đóng góp vào sự phát triển KT-XH, góp phần quảng bá hình ảnh của quận Hai Bà Trưng nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung tới bạn bè quốc tế, như: Di tích quốc gia đặc biệt Đền, Chùa, Đình Hai Bà Trưng; cụm di tích Đền, Chùa, Đình Hòa Mã; cụm di tích Đình, Chùa Hưng Ký và Đền Mai Sau, Chùa Vua; Chùa Liên Phái; Chùa Hộ Quốc…

Do vậy, Trang thông tin “3600 Di tích lịch sử quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội” hứa hẹn sẽ mang đến cho người dân, du khách thập phương trong và ngoài nước có một cách nhìn mới mẻ hơn về di tích quận Hai Bà Trưng bằng công nghệ hiện đại, phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay. Đồng thời, phục vụ công tác quản lý, quản trị của quận nhằm bảo tồn các di tích, phát huy giá trị về quảng bá, phát triển du lịch trên địa bàn và Thủ đô.

img_7207.jpeg
Một giao diện trên Trang thông tin.

Được biết, Trang thông tin sẽ giới thiệu và tìm hiểu toàn bộ 51/51 di tích trên địa bàn quận được chia theo các cấp độ khác nhau và được hệ thống một cách khoa học, cho phép người dùng trải nghiệm “Không gian tham quan ảo 3600” các di tích cùng với những hình ảnh 3D sinh động của các hiện vật lịch sử của di tích, tạo trải nghiệm trực quan và chân thực; được tích hợp âm thanh, video, hình ảnh, bài viết thuyết minh tạo trải nghiệm đa phương tiện cho người dùng. Tích hợp bản đồ số, thuyết minh tự động, tra cứu thông tin bằng mã QR, cung cấp thông tin chi tiết về vị trí và đối tượng của từng di tích, tạo điều kiện cho du khách dễ dàng tìm kiếm và di chuyển đến các điểm du lịch theo nhu cầu.

“Trang thông tin có thể dễ dàng tích hợp lên Cổng Thông tin điện tử quận hoặc Ứng dụng “Nhịp sống số Hai Bà Trưng”; đồng thời có thể tích hợp với các ứng dụng của Thành phố để đồng bộ dữ liệu quản lý trên các hệ thống phần mềm. Dưới góc độ quản lý Nhà nước về di tích, trang thông tin phân quyền cho người dùng là cán bộ công chức các đơn vị chức năng thuộc quận có thể quản lý, quản trị toàn bộ các hồ sơ, tài liệu bao gồm cả thông tin tư liệu về các hiện vật của các di tích lịch sử trên địa bàn quận một cách khoa học và thuận tiện với hệ thống dữ liệu được số hóa trên trang”, đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin quận Hai Bà Trưng nhấn mạnh.

img_7193.jpeg
Một giao diện trên Trang thông tin.

Trang thông tin “3600 Di tích lịch sử - văn hóa quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội” sẽ chính thức được giới thiệu tới đông đảo nhân dân và công chúng trong Chương trình văn hóa nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 63 năm thành lập quận Hai Bà Trưng (1961 – 2024) diễn ra vào tối 20h00 thứ Bảy ngày 25/5/2024 tại Khu vực cổng chính công viên Thống Nhất, phố Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây cũng là một trong các hoạt động tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 63 năm thành lập quận và hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải Phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024)./.

Tổng quan về Trang thông tin “3600 Di tích lịch sử - văn hóa quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội”:
Phần dành cho người dùng là du khách
(tại trang chủ):
Người xem có thể trải nghiệm theo 03 menu chính hiển thị hình ảnh trên Trang, gồm: Giới thiệu tổng quan về quận Hai Bà Trưng, Quận Hai Bà Trưng 3600 , Bản đồ di tích. Hoặc, người xem có thể lựa chọn tìm kiếm thông tin qua 04 nút Icon tiện ích chính được sắp xếp
hiển thị trên đầu Trang, gồm: Icon Khám phá, Icon Tour 360độ, Icon Thư viện ảnh, Icon Liên hệ.
Phần dành cho người dùng là cán bộ
công chức cơ quan phụ trách thuộc quận (admin):
Trên trang thông tin có nút icon Admin dành cho Phòng Văn hóa và Thông tin, có cán bộ công chức được phân quyền là admin, được giao nhiệm vụ quản trị hệ thống (được cấp tài khoản và mật khẩu).

Huyền Anh