Hội thảo Văn hóa năm 2024:Thống nhất 5 nhóm vấn đề tạo nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao
Sau một buổi làm việc, trưa ngày 12/5, Hội thảo Văn hóa năm 2024 chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” tại tỉnh Quảng Ninh đã bế mạc. Hội thảo đã thảo luận và thống nhất các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, tập trung 5 nhóm vấn đề.
Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu tổng kết Hội thảo Văn hóa năm 2024 của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn:
Kính thưa GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương,
Thưa đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ,
Thưa các đồng chí lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các ban, bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố,
Thưa các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý và quý đại biểu,
Ngày 17/12/2022, tại tỉnh Bắc Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và một số cơ quan có liên quan, tổ chức Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” và hôm nay Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tiếp tục chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”. Cho thấy Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành rất quan tâm đến phát triển thiết chế văn hóa, thể thảo.
Sau một buổi làm việc tích cực, khẩn trương và trách nhiệm cao, Hội thảo đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Hội thảo đã nhận được nhiều bài viết, tham luận của các cơ quan trung ương, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp. Hội thảo ghi nhận sự góp mặt của hơn 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương cùng sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý.
Hội thảo đã nghe báo cáo đề dẫn của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; phát biểu của đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; báo cáo trung tâm của đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; phát biểu chảo mừng của đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Các ý kiến tham luận, thảo luận của đại biểu rất trách nhiệm, sâu sắc, có cơ sở lý luận và thực tiễn cao; nội dung trao đổi toàn diện các vấn đề liên quan đến chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.
Sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ xây dựng báo cáo tổng kết đầy đủ về nội dung Hội thảo và các kiến nghị gửi tới Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, thay mặt chủ trì Hội thảo, tôi xin khái quát một số vấn đề chính như sau:
Hội thảo ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, được thể hiện:
1. Trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về tổ chức, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; từng bước thể chế hóa các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa; tạo hành lang pháp lý cho thiết chế văn hóa, thể thao được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động.
2. Hiện nay, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được trình cấp có thẩm quyền ban hành. Trên cơ sở các văn bản của trung ương, các địa phương ban hành Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao theo các giai đoạn cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Nhiều quy hoạch có liên quan tiếp tục được rà soát, bổ sung, tích hợp trong hệ thống quy hoạch của ngành văn hóa, thể thao, các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
3. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư, phát triển, hình thành mạng lưới từ trung ương tới cơ sở. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở trung ương khá đa dạng về loại hình; một số có quy mô lớn, chất lượng cao, hiện đại. Một số thiết chế đã đạt được mục tiêu đặt ra tại quy hoạch chuyên ngành. Tỷ lệ tỉnh, huyện, xã, thôn (bản) có đầy đủ loại hình thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được nâng lên. Các thiết chế văn hóa, thể thao ngoài công lập từng bước được đầu tư xây dựng.
4. Mô hình quản lý khá đa dạng: cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư quản lý. Nhìn chung, hoạt động đã bám sát chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật; cơ bản đáp ứng nhu cầu của Nhân dân và các nhiệm vụ chính trị. Các chính sách của Nhà nước đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư rất nhiều cho các thiết văn hóa, thể thao. Một số thiết chế ngoài công lập đã đạt hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao ngày càng phong phú của người dân.
5. Về bố trí kinh phí đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. Ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao chủ yếu thông qua các Chương trình bổ sung có mục tiêu, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các thiết chế văn hóa, thể thao thực hiện theo quy định và đạt được một số kết quả tích cực.
6. Tổ chức bộ máy, biên chế của các đơn vị quản lý thiết chế văn hóa, thể thao công lập tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Chính phủ, chủ động thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ. Thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh, huyện, xã cũng đã sắp xếp lại theo hướng trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quản lý trực tiếp. Mạng lưới cơ sở nghiên cứu, đào tạo nhân lực tăng cả về số lượng và quy mô; đa dạng về hình thức tổ chức.
Hội thảo hôm nay cũng nêu rõ những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện:
1. Nội hàm “thiết chế văn hóa, thể thao” chưa được quy định rõ ràng. Quy định về các loại hình thiết chế văn hóa, thể thao chưa đầy đủ. Một số quy định về ưu đãi chưa có sự kết nối với pháp luật chuyên ngành; quy định về chính sách xã hội hóa chưa thực sự tạo động lực, thu hút nguồn lực xã hội; quy định về quản lý, sử dụng tài sản, cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp với thực tiễn.
2. Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 chậm ban hành. Việc tích hợp các quy hoạch về thiết chế văn hóa, thể thao vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thực hiện chưa thống nhất, thiếu gắn kết; chưa bảo đảm tính toàn diện, cân đối giữa các loại hình thiết chế, giữa các địa bàn. Một số địa phương chưa thực hiện quy hoạch quỹ đất, hoặc đã có quy hoạch nhưng vị trí không thuận lợi.
3. Một số chỉ tiêu đề ra trong các chiến lược và quy hoạch về xây dựng các công trình văn hóa quốc gia chưa đạt; còn ít công trình văn hóa, thể thao có quy mô lớn, hiện đại, đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế. Việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở một số khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị chưa được quan tâm đúng mức.
4. Quản trị nội bộ một số cơ quan, đơn vị còn yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm. Xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công chưa đáp ứng yêu cầu. Việc khai thác đối với các tài sản tại các thiết chế văn hóa, thể thao chưa thực sự hiệu quả. Tại địa phương, công tác chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở một số nơi chưa được chú trọng; nội dung, phương thức hoạt động chưa đa dạng, phong phú. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhiều thiết chế văn hóa, thể thao hạn chế, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu sử dụng.
5. Ngân sách nhà nước đầu tư cho xây dựng, quản lý thiết chế văn hóa, thể thao còn thấp, phân tán, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thực hiện tự chủ tài chính đối với nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, kinh phí để xây dựng mới, sửa chữa hoặc nâng cấp, mua sắm trang thiết bị của các thiết chế văn hóa, thể thao rất khó khăn, nhất là các địa phương chưa tự chủ được về tài chính. Chính sách huy động các nguồn lực xã hội chưa hấp dẫn, khó thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt ở vùng miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
6. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức thiết chế văn hóa, thể thao các cấp còn nhiều bất cập. Tên gọi và cơ cấu tổ chức của các đơn vị sau khi sáp nhập thiếu thống nhất. Việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, Cung thiếu nhi, Nhà thiếu nhi còn mang tính cơ học, chưa tính đến yếu tố đặc thù.
Đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động làm việc tại nhiều thiết chế chưa bảo đảm yêu cầu về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Nhiều đơn vị nghệ thuật thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn chất lượng. Chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, người lao động công tác tại hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao còn thấp, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tế, khó có thể thu hút nhân tài.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho thiết chế văn hóa, thể thao chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Việc xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển tài năng, nhất là đối với các môn nghệ thuật truyền thống còn hạn chế.
Hội thảo đã thảo luận và thống nhất các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, tập trung 5 nhóm vấn đề:
1. Về hoàn thiện thể chế, chính sách: Xây dựng mục tiêu và lộ trình thích hợp để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về thiết chế văn hóa, thể thao đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi. Rà soát các văn bản pháp luật, bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để làm rõ khái niệm và nội hàm “thiết chế văn hóa, thể thao”, “cơ sở văn hóa, thể thao” làm cơ sở để xây dựng và áp dụng các chính sách đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành và thuận tiện trong việc xây dựng, tích hợp quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao trong cả nước. Nghiên cứu hoàn thiện chính sách đầu tư phát triển và vận hành hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, bao gồm chính sách đầu tư công, chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và chính sách xã hội hóa; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, nhất là về đất đai, thuế, vốn tín dụng trong việc xây dựng các cơ sở văn hóa, thể dục thể thao để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển.
2. Về quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao: Hoàn thiện quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hiệu quả, bảo đảm công bằng và đáp ứng nhu cầu của Nhân dân; bố trí quỹ đất cho các thiết chế văn hóa, thể thao tại vị trí thuận lợi, phù hợp với điều kiện thực tế; quan tâm xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cho thanh niên, trẻ em, người lao động, người khuyết tật, người cao tuổi. Bổ sung các chỉ tiêu cụ thể về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao vào nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu trong chiến lược, quy hoạch, đề án liên quan đến thiết chế văn hóa, thể thao.
3. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn; đổi mới nội dung, phương thức tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức hoạt động tiêu biểu, phù hợp với vùng miền, đối tượng, lứa tuổi. Xây dựng chính sách ưu tiên ở vùng miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đối với tài sản công nói chung và tài sản công ở thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng.
4. Ưu tiên bố trí kinh phí có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu cụ thể. Tăng dần mức chi ngân sách nhà nước cho phát triển văn hóa nói chung, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng. Thúc đẩy hoạt động liên kết trong việc sử dụng cơ sở vật chất đã được Nhà nước đầu tư. Coi trọng và thực hiện xã hội hóa với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; huy động nguồn lực tham gia xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
5. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chí, điều kiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, bảo đảm tinh gọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Nghiên cứu, sửa đổi chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, diễn viên tham gia hoạt động các loại hình nghệ thuật truyền thống. Thực hiện quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao.
Kính thưa quý đại biểu,
Trong khuôn khổ thời gian có hạn, tôi xin tổng kết một số vấn đề cốt lõi của Hội thảo. Đề nghị Ban Tổ chức Hội thảo rà soát, nghiên cứu tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại Hội thảo, xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi các đại biểu; trong đó, làm rõ các đề xuất kiến nghị đối với cơ quan có thẩm quyền.
Xin kính chúc các đồng chí Lãnh đạo, quý đại biểu, khách quý mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Xin trân trọng cảm ơn!