Chính sách & Quản lý

Cần tháo gỡ 5 “điểm nghẽn” thiết chế văn hóa, thể thao để phát triển con người một cách toàn diện

Quỳnh Phạm 12/05/2024 16:27

Để phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao vì mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định chúng ta cần giải quyết 5 “điểm nghẽn” trọng tâm.

hoi-thao-3-1-.jpg
Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa năm 2024 chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” diễn ra sáng 12/5 tại tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: BTC).

Sáng nay 12/5, tại Trung tâm tổ chức hội nghị tỉnh Quảng Ninh, Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” đã diễn ra, với sự tham gia của khoảng 300 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương; đại diện cơ quan quản lý thiết chế văn hóa, thể thao ở Trung ương và cơ sở; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa; đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và liên quan tới văn hóa, thể thao.

Hội thảo Văn hóa năm 2024 là một sự kiện quan trọng do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhằm tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, tiếp nối nội dung Hội thảo Văn hóa năm 2022.

Trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo Văn hóa năm 2024, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, các thiết chế văn hóa, thể thao có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao nước nhà.

“Đây có thể được coi là hạ tầng cho các hoạt động văn hóa, thể thao phát triển; nơi diễn ra các hoạt động sáng tạo, phổ biến, thực hành và hưởng thụ các giá trị văn hóa; nơi rèn luyện thể chất, nâng cao thể lực và phát triển toàn diện con người Việt Nam; nơi bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đặc sắc, các hoạt động thể thao truyền thống có lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, nhấn mạnh.

hoi-thao-4.jpg
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo. (Ảnh: BTC).

Vẫn theo Báo cáo đề dẫn Hội thảo của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ những thiết chế văn hóa, thể thao nghèo nàn, lạc hậu, nhiều lúc, nhiều nơi bị lãng quên, hoạt động khép kín, biệt lập, thiếu kết nối, thậm chí xa rời với mục tiêu ban đầu, chúng ta đã xây dựng và phát triển được một hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tương đối toàn diện và đồng bộ, bao phủ rộng khắp từ trung ương tới cơ sở, từ các đô thị cho đến những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới hải đảo. Hệ thống thư viện, trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát, trung tâm huấn luyện thể thao, nhà thi đấu, phòng tập, sân tập thể thao… đã được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang trên cả nước; và đang tiếp tục được nâng cấp hiện đại hơn, một số cơ sở tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, đạt được những thành tựu quan trọng kể trên trước hết là nhờ nhận thức của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hóa, thể thao đã từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc hơn.

Đặc biệt, đã gắn chặt chẽ với quan điểm, mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển hài hòa, toàn diện, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển; làm cơ sở cho việc ban hành, tổ chức thực thi chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, thể thao; giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động, bộ máy tổ chức, nhân sự của các thiết chế văn hóa, thể thao.

“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, sự vận hành của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay đang bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập; tồn tại những nghịch lý, khó khăn, vướng mắc kéo dài chưa được khắc phục”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, cho biết.

hoi-thao-3-2-.jpg
Các đại biểu tham quan triển lãm tại Hội thảo Văn hóa năm 2024. (Ảnh: BTC).

Để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về luật pháp, cơ chế, chính sách, nhất là liên quan đến huy động và phân bổ có hiệu quả nguồn lực cho phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng những yêu cầu mới, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo Văn hóa năm 2024 cần tập trung phân tích, làm sâu sắc hơn 5 nội dung và cũng là điểm nghẽn của các thiết chế văn hóa, thể thao nước ta.

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách.

Thứ hai, tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao trong quy hoạch tổng thể.

Thứ ba, tăng cường quản lý, sử dụng, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao.

Thứ tư, tăng cường huy động các nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa, thể thao.

Thứ năm, về tổ chức bộ máy, nhân sự và công tác đào tạo nguồn nhân lực.

GS. TS Nguyễn Xuân Thắng tin tưởng, những trao đổi thẳng thắn và tâm huyết, kiến nghị, đề xuất thiết thực của các đại biểu tham gia Hội thảo sẽ giúp cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, pháp luật, chính sách và các cơ chế để thúc đẩy sự nghiệp phát triển nền văn hóa, thể thao nước nhà trong giai đoạn mới./.

Quỳnh Phạm