Chính sách & Quản lý

Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới

Hà Oai 16:10 11/05/2024

“Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ - Thực hiện các giá trị văn hóa, con người Thừa Thiên Huế”.

Di sản văn hóa là tài sản vô giá

Ngày 10/5, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ - Thực hiện các giá trị văn hóa, con người Thừa Thiên Huế”. Đến dự hội thảo có ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (chủ trì hội thảo), ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Tạ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam…

2024.5.10.hoithao..jpg
Hội thảo khoa học “Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới".

Tại hội thảo, ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, trong những năm qua tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã nghiên cứu, cụ thể hóa các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và ý kiến kết luận, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị xác định xây dựng phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI xác định Xây dựng môi trường đậm đà bản sắc văn hóa, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, xem đây là lợi thế thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ phát triển”, gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển du lịch với văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, tôn tạo các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn.

Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc di sản văn hóa là tài sản vô giá có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ truyền thống lịch sử - văn hóa là phương tiện để quảng bá về hình ảnh địa phương cho du khách, tạo nền tảng cho việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch, dịch vụ gần với bảo vệ cảnh quan, môi mường, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và phát triển bền vững. Thừa Thiên Huế là vùng đất đang lưu giữ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần phong phú, đa dạng, đặc sắc, nơi có hệ thống di sản vật thể với gần 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích kiến trúc tôn giáo... cùng những giá trị di sản văn hóa phi vật thể phong phú bao gồm các loại hình như âm nhạc dân gian, cung đình, trang phục, ẩm thực… các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo đặc sắc hình thành từ lâu đời.

Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm phát huy các giá trị văn hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều đề án, chương trình, nghị quyết cụ thể trong từng giai đoạn theo hướng phát triển bền vững, đưa du lịch văn hóa - di sản là nòng cốt để xây dựng, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch.

2024.5.10.hoithao.1.jpg
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội thảo.

Cũng trong hội thảo, ông Tạ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Thừa Thiên Huế có vị trí trọng yếu, là địa phương mang tính chiến lược và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Kinh đô cuối cùng của Việt Nam dưới thời quân chủ được các chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ của Đàng Trong (1636 - 1775), kinh đô của vương triều Tây Sơn (1788 - 1801), kinh đô của vương triều Nguyễn (1802 - 1945), vùng đất có quá trình hội tụ, bồi đắp và tỏa sáng các giá trị văn hóa đặc sắc khi đóng vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa của Việt Nam suốt giai đoạn từ cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XX. Ngày nay, Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn diện mạo tổng thể của một kinh đô thời quân chủ phong kiến gồm kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, chùa quán, phủ đệ, nhà vườn... cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm.

Huế cũng là nơi có di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hệ thống di tích lịch sử cách mạng vô cùng quý giá. Di sản Huế là nơi hội tụ trí tuệ của cả dân tộc mà đỉnh cao là di sản gắn liền với vùng đất Huế đã được di UNESCO vinh danh.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, hội thảo là dịp để tiếp tục nghiên cứu, thống nhất ý kiến, xác định các hệ giá trị cần xây dựng để triển khai hiện thực hoá các giá trị trong thực tiễn, thông qua sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân nhằm lan toả, tạo sự thống nhất trong toàn xã hội. Khẳng định và thực hành các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời kỳ mới nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.

2024.5.10.hoithao.2.jpg
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Tạ Minh Tuấn phát biểu tại hội thảo.

Xây dựng triển khai hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam là vấn đề hệ trọng

Hội thảo đã nhận được hơn 30 bài tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu từ các trường đại học, cao đẳng, lãnh đạo các tỉnh Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Các tham luận đã khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam là vấn đề hệ trọng, cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Thời gian tới các cấp uỷ, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa việc triển khai thực hiện các hệ giá trị, cụ thể hóa các hệ giá trị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, cấp uỷ và chính quyền các cấp cần lồng ghép thực hiện các hệ giá trị trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của mỗi địa phương, đơn vị, nhất là gắn kết việc hiện thực hóa các giá trị này với nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người phát triển toàn diện…

2024.5.10.hoithao.4.jpg
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu kết luận hội thảo.

Hội thảo đã phân tích thực trạng, nguyên nhân và đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để tham mưu giúp Đảng và Nhà nước ban hành quyết sách nhằm quán triệt, triển khai thực hiện và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các hệ giá trị trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ./.

Hà Oai