Làng trong phố
Truyện - Ngày đăng : 08:18, 13/10/2020
Tôi sinh ra ở thành phố, nhưng tuổi thơ lại gắn bó với quê, với làng, với dòng sông, con đò, bến nước. Những năm 80 của thế kỷ trước, khi cả đất nước còn khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, bố đành gửi tôi về làng ở với ông bà. Mãi cho đến sau này kí ức của tôi về quê, về làng, về những người nông dân hiền lành, chất phác dường như không hề phai nhạt. Giữa nhịp sống gấp gáp, hối hả, giữa ồn ào phố thị, tôi lại nhớ về làng cũ. Nhớ những ông cụ, bà cụ, nhớ từng cái rổ tre đã lên màu bồ hóng, nhớ cái cối giã gạo bên chái nhà đã mòn vẹt nước thời gian, nhớ những sợi khói lam chiều thơm mùi cơm nếp mới. Hồn quê, hồn làng cứ ám ảnh theo tôi suốt những năm tháng dài trên phố.
Quê tôi thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nơi “Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh/ Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa...”. Bây giờ Hà Tây đã sáp nhập về Thủ đô Hà Nội. Dù gọi là Hà Nội nhưng trong ký ức tôi luôn hướng về ngôi làng cổ kính, rêu phong mà tôi gọi là “Làng trong phố”.
Làng nằm ven bờ sông Đáy. Chỉ đi qua chiếc cầu phao chợ Đanh Xuyên là tới cổng làng. Làng cũng có cái tên hết sức đặc biệt, mà nhiều người mới đến hay tò mò hỏi tại sao lại đặt tên là làng “Trinh Tiết”. Bà tôi và các cụ trong làng kể lại trước kia làng có tên là làng Sêu. Gọi là làng Sêu cho dễ nhớ vì làng có chợ Sêu họp theo phiên nổi tiếng khắp vùng. Sử cũ còn ghi Thành hoàng làng là Nguyễn Đức Bảo. Mẹ của Bảo là người phụ nữ đẹp nhất vùng, khi chồng mất bà vẫn một lòng thủ tiết thờ chồng, nuôi con, nhất quyết không tái giá. Sau này Nguyễn Đức Bảo trở thành một danh tướng chống giặc ngoại xâm rất giỏi dưới thời Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương). Năm 1054 vua Lý Thánh Tông du ngoạn trên sông Đáy, dừng chân bên nương dâu của làng Sêu. Biết tướng tài của làng là Bảo Công, có người mẹ rất mực thủy chung son sắt với chồng con, vua bèn đổi tên làng Sêu thành làng Trinh Tiết.
Chẳng biết người dân quê tôi dựng cổng làng tự bao giờ. Trong tiềm thức một đứa trẻ, tôi chỉ nhớ cổng làng rêu phong trầm mặc, có một lối đi chính và hai lối ngách. Sát lối nghách phía Đông có một cây đa cổ thụ rất to. Người dân làng tôi mỗi lần đi làm đồng về thường ngồi nghỉ bên gốc đa trò chuyện, rót cho nhau bát nước vối, chia nhau vài củ lạc... Cổng làng cũng là nơi tôi chờ bà đi chợ Dầu, chợ Đục mãi tận giáp chùa Hương. Bà quảy hàng đi chợ từ tinh mơ sáng cho tới tận non chiều. Lần nào nhìn thấy bà từ xa với chiếc áo sồi thâm và đôi quang gánh tôi cũng mừng rỡ, quýnh quáng. Quà của bà đôi khi chỉ là chiếc kẹo vừng, kẹo bột, hôm nào bà bán được nhiều hàng hơn thì thể nào tôi cũng được một bát cháo kê vàng óng như lụa, vị bùi bùi của những hạt kê thơm vướng vít mãi cho đến tận bây giờ.
Cổng làng cũng là nơi các bà, các mẹ tiễn chồng ra trận, là những đêm trăng thanh, gió mát của những đôi trai gái hò hẹn. Cổng làng cũng là nhân chứng lịch sử, trải qua bao thăng trầm, biến cố của đời sống. Người làng tôi quan niệm “nhà có nóc, làng có cổng” phụ nữ làng Trinh Tiết bao đời nay vẫn giữ được nét truyền thống thủy chung, son sắt như cái tên làng mà vua Lý Thánh Tông đặt cho.
Ông bác tôi năm nay đã 84 tuổi, mỗi lần về làng tôi vẫn được nghe ông kể: “Xưa, mỗi cô gái làng mình đi lấy chồng đều phải đóng góp hai trăm đến năm trăm viên gạch để làm đường. Có những gia đình khá giả họ góp hàng ngàn viên nên đường làng mới đẹp và sạch như vậy”. Tôi vẫn thầm tự hào về ngôi làng của mình có những con đường chạy dài đẹp như phố. Chỉ khác không ồn ào như nơi phố thị, làng tôi trong lành và đẹp cổ kính, đó chính là một ngôi làng trong phố của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Chiếc cổng làng cổ kính ngày nào giờ đã được thay thế bằng cổng bê tông, cốt thép, cây đa cổ thụ giờ cũng đã không còn. Lần trở về nào tôi cũng đứng trước cổng làng mà bâng khuâng, hoài nhớ. Làng đã khoác lên mình tấm áo mới mang tên “làng văn hóa...” nhưng những giá trị kiến trúc của làng đã bị đô thị hóa. Chợ Sêu vẫn còn đấy mà sao trống trải. Người làng không còn đi chợ bán lụa tơ tằm, những bãi dâu xanh ngút ngàn đã nhường chỗ cho khu công nghiệp và những nhà hàng, siêu thị... Bà tôi cũng đã về với tiên phật. Đứng trước cổng chợ, cổng làng tôi lại nhớ câu bà luôn tâm niệm “Đông con, đông cháu không bằng hăm sáu chợ Sêu”. Đấy là những câu bà nói vào những ngày áp Tết chợ phiên. Chạy dọc bờ sông, tôi nhớ bà, nhớ tuổi thơ, nhớ cổng làng. Những cơn gió từ sông thổi mãi hồn tôi những vui buồn, dâu bể.