Chuyển động Hà Nội

Quận Hoàng Mai: Tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các chợ, siêu thị

Thế Trang 07/05/2024 16:35

Thực hiện Quyết định số 1915/QĐ-UBND ngày 11/4/2024 của UBND thành phố Hà Nội về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm" năm 2024, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của TP đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại siêu thị Mega Market (quận Hoàng Mai).

hm1.jpeg
Đoàn kiểm tra tại siêu thị Mega Market. (Ảnh: Phạm Mạnh)

Sáng 7/5, Đoàn kiểm tra liên ngành về An toàn thực phẩm (ATTP) số 1 của TP Hà Nội đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Hoàng Mai nhân Tháng hành động vì ATTP năm 2024.

Tại thời điểm kiểm tra, siêu thị Mega Market đã cung cấp hợp đồng hoá đơn nhập thực phẩm của một số sản phẩm; xuất trình giấy kinh doanh, giấy chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm…

Theo nhận xét của đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm, siêu thi Mega Market rộng thoáng, các mặt hàng bày bán riêng biệt, sắp xếp các ngành hàng ngăn nắp, có các biển chỉ dẫn...

Ngay sau buổi kiểm tra thực tế tại siêu thị Mega Market, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội và đồng chí Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã làm việc với UBND quận Hoàng Mai.

Theo báo cáo triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2024, đồng chí Trần Thị Quế Lan, Phó Trưởng phòng Y tế quận Hoàng Mai cho biết: Năm nay các hoạt động tuyên truyền được tổ chức sâu rộng như: Tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của 14 phường trên địa bàn quận Hoàng Mai; đưa nội dung tuyên truyền vào các hội nghị của các phường và tổ dân phố tạo nên đợt cao điểm phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm giảm thiểu các hành vi vi phạm.

Các nội dung tuyên truyền chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, đặc biệt ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, quận cũng chỉ đạo Ban Quản lý các chợ tăng cường công tác tuyên truyền; tổ chức sắp xếp ngành hàng đảm bảo ATTP...

Quận cũng tổ chức 3 lớp tập huấn về cách lựa chọn thực phẩm, đọc hiểu một số thông tin về thành phần, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, cách nhận diện một số mối nguy về ATTP, hướng dẫn cách bảo quản thực phẩm, cách tra cứu nguồn gốc sản phẩm qua mã vạch các nước... cho người dân.

Việc đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi hành vi, ý thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng tại cộng đồng.

Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra kết hợp hướng dẫn, tuyên truyền, giáo dục kiến thức, các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng ATTP cho người quản lý, người kinh doanh và người sản xuất.

hm2.jpeg
Đồng chí Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc với UBND quận Hoàng Mai.

Về công tác kiểm tra, quận đã tổ chức các đoàn kiểm tra Thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành từ quận đến phường để kiểm tra công tác ATTP trên địa bàn quận, gồm 19 đoàn kiểm tra, trong đó cấp quận 5 đoàn (2 đoàn kiểm tra liên ngành, 2 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo 389, 1 đoàn Quản lý thị trường), cấp phường 14 đoàn.

Quận cũng tổ chức đoàn kiểm tra giám sát ATTP tại bếp ăn trường học do đồng chí lãnh đạo UBND quận làm trưởng đoàn. Đến nay, đoàn đã kiểm tra giám sát được 20 bếp ăn của các trường.

Bên cạnh đó, quận tổ chức đoàn kiểm tra việc thực hiện ký cam kết đối với cơ sở sản xuất kinh doanh không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Tính đến nay đã có 1.662 cơ sở ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn, đoàn đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết, không phát hiện cơ sở chưa đạt yêu cầu.

Tổng số cơ sở được kiểm tra, giám sát từ quận đến phường: 225 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt 199 cơ sở (đạt tỷ lệ 88.44%); xử phạt 26 cơ sở với số tiền 129,7 triệu đồng, tiêu hủy 82,1 triệu đồng (giá trị hàng hóa nhập lậu và không rõ nguồn gốc).

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Xuân Trọng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết: Thời gian qua, quận đã tích cực tuyên truyền về phòng chống ngộ độc thực phẩm; chỉ đạo các trường học có tổ chức ăn bán trú tăng cường các biện pháp đảm bảo ATTP; duy trì công tác giám sát ngộ độc thực phẩm tại cộng đồng, cơ sở giáo dục, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn; không có trường hợp/vụ bị ngộ độc thực phẩm. Nhờ đó, từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn quận không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

Tuy nhiên, do mật độ dân cư trên địa bàn quận đông, lực lượng kiểm tra ATTP còn mỏng, đa số phải kiêm nhiệm nhiều công việc tại phường nên còn hạn chế dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, triển khai thực hiện ATTP.

Trên địa bàn quận còn tồn tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ vệ sinh không thường xuyên còn nhiều bụi bẩn, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả; xét nghiệm nhanh tinh bột tại một số cơ sở dịch vụ ăn uống còn chưa đạt.

Đồng chí Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đánh giá cao công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn quận Hoàng Mai. Trong thời gian tới, quận tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, phổ biến kế hoạch công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng trong năm 2024.

Đặc biệt, toàn quận phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tăng cường giám sát cộng đồng, phát hiện các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP để có biện pháp xử lý kịp thời"./.

Thế Trang