Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp: Không chỉ là liều thuốc tinh thần
Tin tức - Ngày đăng : 09:48, 14/10/2020
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 114/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Theo các chuyên gia và DN, việc giảm thuế TNDN dù rất tốt nhưng không cứu vãn được tình trạng đi xuống của một số DN đang bên bờ phá sản. DN cần nhiều hơn những hỗ trợ, đơn cử như miễn, giảm thuế mở rộng ra với thuế giá trị gia tăng và một số loại thuế, phí, lệ phí mà DN vừa và nhỏ phải gánh vác.
Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp
Về giảm thuế, Nghị định nêu rõ, giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2020 đối với trường hợp DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng được giảm thuế là tổng doanh thu trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 của DN, bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà DN được hưởng theo quy định của Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Giải quyết thủ tục thuế cho doanh nghiệp tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
|
Trường hợp DN mới thành lập, DN chuyển đổi loại hình DN, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 hoạt động không đủ 12 tháng thì tổng doanh thu năm 2020 được xác định bằng tổng doanh thu thực tế trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 chia cho số tháng DN thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 nhân với 12 tháng. Trường hợp DN dự kiến tổng doanh thu trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 không quá 200 tỷ đồng thì DN xác định tạm nộp hàng quý bằng 70% số thuế TNDN phải nộp của quý.
Kết thúc kỳ tính thuế TNDN năm 2020, trường hợp tổng doanh thu năm 2020 của DN không quá 200 tỷ đồng thì DN thực hiện kê khai giảm thuế TNDN của năm 2020 khi quyết toán thuế TNDN theo quy định. Về kê khai giảm thuế, Nghị định quy định DN tự xác định số thuế TNDN được giảm khi tạm nộp hàng quý và kê khai thuế TNDN phải nộp trong kỳ tình thuế TNDN năm 2020. Khi lập hồ sơ khai thuế, DN kê khai số thuế TNDN được giảm trên các mẫu tờ khai theo quy định.
Khi thực hiện quyết toán thuế TNDN, trường hợp nộp thiếu so với số thuế phải nộp quý thì DN nộp bổ sung số tiền thuế còn thiếu và tính tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế cùng các văn bản hướng dẫn thi hành. Trường hợp DN đã nộp thuế nhiều hơn so với số thuế phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2020 thì xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền phát hiện DN không thuộc đối tượng được giảm thuế theo quy định của Nghị định này hoặc số thuế phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2020 lớn hơn số thuế đã nộp theo quy định thì DN phải nộp số tiền thuế thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Mở rộng hỗ trợ thuế VAT và một số loại thuế, phí khác
Theo các chuyên gia kinh tế và DN, việc giảm thuế TNDN là một chính sách tốt. Tuy nhiên, để chính sách này thực sự hiệu quả chứ không chỉ là một “liều thuốc tinh thần” bơm vào giông bão thì cần nhiều hỗ trợ hơn nữa. Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, nhiều DN gần như không có lợi nhuận để thuộc diện đóng thuế TNDN. Vì vậy, nếu giảm thêm thuế giá trị gia tăng, giảm tiền bảo hiểm xã hội thì sẽ là những “liều thuốc” hữu hiệu hơn.
Dưới góc độ của một DN, ông Hà Huy Phong - Công ty Luật Inteco cho biết, việc miễn giảm thuế không chỉ giới hạn ở thuế TNDN mà nên mở rộng ra với thuế giá trị gia tăng và một số loại thuế, phí, lệ phí mà DN vừa và nhỏ phải gánh vác. “Thực tế, trong bối cảnh hiện tại, rất ít DN vừa và nhỏ có lãi, tình hình sẽ còn khó khăn hơn trong năm 2021 nên tôi cho rằng cần có sự hỗ trợ thiết thực hơn nữa. Quá trình tiếp xúc với nhiều khách hàng, tôi nhận thấy nhiều DN đang bị lỗ nặng, mất cân đối dòng tiền nghiêm trọng nhưng vẫn phải nộp thuế giá trị gia tăng và các loại thuế, phí, lệ phí khác. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần khẩn trương nghiên cứu để đưa thêm các giải pháp hỗ trợ phù hợp” - ông Hà Huy Phong nói.
Cũng theo đại diện DN này, mặc dù chính sách giảm thuế TNDN rất tốt và hiệu quả nhưng không cứu vãn được tình trạng đi xuống của một số DN đang bên bờ phá sản.
Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Song Phương Nguyễn Thị Phương bày tỏ hy vọng khi chính sách có hiệu lực, các thủ tục hành chính liên quan sẽ sớm được cải thiện với DN. Nghĩa là làm sao chính sách nhanh chóng được thực thi, đúng người, đúng đối tượng được thụ hưởng. Không vì chính sách đã có, song chỉ vì một số khâu ở bộ phận dưới thực thi mà DN vẫn “dài cổ” không được tiếp cận. "Từ khi dịch Covid-19 bùng nổ, Đảng, Chính phủ, các cấp, ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng thực tế để được hưởng ưu đãi đó thì rất khó khăn. Tôi mong rằng, chính sách lần này sẽ sớm đi vào thực tiễn để DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và có đóng góp cho xã hội" - bà Nguyễn Thị Phương bày tỏ.
"Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các DN thực sự khó khăn trong vấn đề sản xuất, kinh doanh, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ rất chậm, thậm chí không tiêu thụ được. Trong khi đó, chi phí sản xuất, các chính sách và nghĩa vụ với Nhà nước không thay đổi. Nếu thuế TNDN được giảm 30% sẽ là điều kiện thuận lợi, tác động trực tiếp cho các DN sớm ổn định và trở lại hoạt động sản xuất." - Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Song Phương Nguyễn Thị Phương
Tổng cục Thuế vừa có công điện về thực hiện giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác theo Nghị định số 114/2020/NĐ-CP. Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành kịp thời triển khai thực hiện áp dụng giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 theo quy định tại Nghị quyết số 116/2020/QH14 và Nghị định số 114/2002/NĐ-CP nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh cho các DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác trong giai đoạn hiện nay. |
KTĐT