Rạng ngời Hào khí Thăng Long
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:37, 14/10/2020
Dường như không gian sân khấu Tượng đài cảm tử - phố đi bộ hồ Gươm, Hà Nội thêm lung linh, rạng ngời trong những khúc ca, vũ điệu của chương trình nghệ thuật đặc biệt “Hào khí Thăng Long”. Và, nhân dân Thủ đô cũng như du khách tới thưởng thức chương trình nghệ thuật cũng được đắm mình trong biết bao cảm xúc hạnh phúc và tự hào mừng 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.
Các nghệ nhân xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội trình diễn màn múa rồng. Ảnh: Thanh Tùng.
Giữa không gian tượng đài Cảm tử - nơi ghi dấu những chiến công, sự hy sinh của các chiến sĩ, người dân Hà Nội trong trận chiến lịch sử "60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô", chương trình nghệ thuật “Hào khí Thăng Long” đã kể câu chuyện về vùng đất thiêng Thăng Long - Hà Nội bằng những câu hát, vũ điệu hào sảng mà rạng ngời.
Đó là một Thăng Long - Hà Nội - vùng đất đế đô linh thiêng, kiêu tráng trong “Thăng Long Việt Nam bay lên” (sáng tác: Hồ Trọng Huấn, biểu diễn: NSƯT Hồng Nam, biên đạo múa: NSND Hồng Phong và các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội): “Dời đô, chiếu dời đô/ Về Thăng Long linh thiêng/ Gấm hoa từ đây sáng bừng lên” để rồi: “Trăm miền về đây về đây hội tụ/ Ngàn năm về đây về đây hội ngộ/ Khí phách cha ông hồn thiêng sông núi/ Khát vọng bao đời gửi gắm đó Thăng Long…”
Đó chính là một “Hà Nội linh thiêng hào hoa” của nhạc sĩ Lê Mây được hiển hiện bằng giọng hát ăm ắp niềm tự hào, hãnh diện của ca sĩ Trọng Tấn. Như có lần ca sĩ Trọng Tấn chia sẻ, mỗi lần hát về Hà Nội, anh đều hát bằng cả tình yêu, niềm say mê thật khó gọi thành tên.
Và, Thăng Long ngàn năm còn là nơi tụ hội, kết tinh của vùng văn hóa Kẻ Chợ cùng vùng văn hóa xứ Đoài. Vì thế, từ điệu múa “Sóng lụa ven đô” (biên đạo múa: NSND Ngọc Bích, âm nhạc: NSƯT Hồ Hoài Anh, biểu diễn: Minh Châu và tập thể múa Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) cùng ca khúc “Hà Tây quê lụa” (sáng tác: Nhật Lai, biểu diễn: Ngọc Lan), khán giả đã thêm một lần được gặp gỡ những nét thơ mộng của vùng đất trăm nghề.
Đó còn là hợp xướng “Hà Nội tiến vào thiên niên kỷ mới” (sáng tác: Đoàn Phi) và hợp xướng: “Người Hà Nội” (sáng tác: Nguyễn Đình Thi) cùng do Dàn hợp xướng Hanoi Harnomy biểu diễn, phối âm và chỉ huy: PGS.TS. Nhạc sĩ Lân Cường. Trong tiếng hát khi vút cao, khi trầm hùng, Hà Nội hiện lên sao mà hào hoa, thanh lịch, quật cường và sáng mãi niềm tin dù phải trải biết bao thăng trầm lịch sử. Không chỉ thế, “Hào khí Thăng Long” còn kể về một “Tình yêu Hà Nội” (sáng tác: Hoàng Vân, biểu diễn: NSND Quang Huy) sao mà quyến rũ, sao mà say lòng người bởi nét dịu dàng, lịch lãm trong mỗi sớm thu: “Tôi yêu Hà Nội những sớm mùa thu/ Soi gương mặt hồ, xanh biếc trời mây…” Hay như có một Hà Nội thật trong trẻo mà vẫn không kém phần năng động, dễ thương trong ca khúc “Gọi tôi Hà Nội” (sáng tác: Trịnh Minh Hiền). Ca sĩ Ngọc Khuê dường như đã khiến khán giả muốn nhún nhảy theo từng câu hát: “Hà Nội đó với chiếc đồng hồ rất to và khi hai chiếc kim chạm nhau là tiếng chuông tàu điện leng keng...”.
Đặc biệt, các nghệ nhân đến từ xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội đã được dịp khoe điệu múa rồng, múa chạy cờ độc đáo mà linh thiêng của vùng đất đế đô Thăng Long. Trong suốt hơn một tiếng đồng hồ, chương trình nghệ thuật đặc biệt này đã làm nức lòng khán giả đến thưởng thức đứng kín cả vòng trong, vòng ngoài sân khấu. “Gia đình tôi đã tới đây từ chiều để đón chờ thưởng thức chương trình. Những bài hát, điệu múa đã nhân thêm cho chúng tôi niềm tự hào khi được sống, học tập và làm việc ở đất Thăng Long - Hà Nội 1010 năm tuổi.” - chị Ngân Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ.