Masan High-Tech Materials - Hiệu quả từ Quỹ vốn vay phục hồi kinh tế
Tin tức - Ngày đăng : 18:26, 14/10/2020
Cuộc sống của hàng trăm gia đình đã thay đổi tích cực nhờ Quỹ vốn vay phục hồi kinh tế do Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials (MHT) ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã Hội huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên được triển khai từ năm 2013.
Cuộc sống thay đổi hoàn toàn nhờ được tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi
Có hoàn cảnh đặc biệt khi một mình phải bươn chải nuôi 5 người con ăn học, trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ xóm Tân Lập, xã Cát Nê, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống khó khăn chồng chất.
Năm 2014, bà Mỹ được vay 30 triệu từ Quỹ Vốn vay phục hồi kinh tế để mua 01 con trâu nái và sửa sang chuồng trại. Cùng với việc được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, gia đình bà đã được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Sau 6 năm, cuộc sống gia đình bà Mỹ đã thay đổi hoàn toàn, các con của bà đã có người học xong Đại học, có việc làm. Kinh tế ổn định, khấm khá với 1 đàn trâu 8 con, một đàn lợn rừng hơn 20 con, 1 đàn gà trên 100 con và 1 vườn chuối hơn 100 gốc. Bà Mỹ chia sẻ: “Ngoài sự cần cù, may mắn của bản thân thì việc được vay vốn đúng thời điểm với lãi suất ưu đãi đã giúp kinh tế gia đình tôi thay đổi hoàn toàn”.
Bà Nguyễn Thị Mỹ (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) sử dụng nguồn vốn vay để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài gia đình bà Mỹ, cuộc sống của hàng trăm gia đình khác tại Đại Từ - Thái Nguyên cũng thay đổi tích cực kể từ khi được tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi.
Quỹ vốn vay phục hồi kinh tế cho người dân ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo do Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials (MHT) ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã Hội huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên được triển khai từ năm 2013. Đến nay, tổng nguồn vốn lũy kế đã giải ngân lên tới gần 14 tỷ, 310 hộ dân trong vùng dự án được tiếp cận với nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, 100% số hộ trả lãi đúng hạn, không có nợ xấu.
Các hộ vay vốn chủ yếu đầu tư vào sản xuất, cải tạo chè; chăn nuôi gia súc, gia cầm; mở dịch vụ buôn bán... Qua khảo sát, cơ bản các hộ đã phát huy được hiệu quả đồng vốn vay, có một số hộ còn tạo được việc làm cho từ 3-5 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng.
Ông Craig Bradshaw, Tổng Giám đốc MHT cho biết: Đích đến của các hoạt động phát triển cộng đồng của MHT là đảm bảo cho người dân và cộng đồng ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo sẽ có đời sống sinh kế tốt hơn so với trước đây. Công ty mong muốn khi hoạt động khai thác mỏ kết thúc thì người dân địa phương vẫn có được nguồn thu nhập, đảm bảo đời sống từ việc phát huy thế mạnh của địa phương trên cơ sở gây dựng một nền nông nghiệp sạch, bền vững và hiệu quả. Đây cũng chính là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động hỗ trợ cộng đồng lâu dài của Công ty.”
Doanh nghiệp “đầu đàn” của Thái Nguyên, trách nhiệm xã hội song hành với phát triển bền vững.
Theo thống kê bước đầu của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thái Nguyên, sau MHT, đã có 20 doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Phổ Yên, huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Võ Nhai đăng ký chuyển vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội của các huyện này cho người nghèo và các hộ chính sách vay vốn. Đến thời điểm hiện tại, nguồn vốn ủy thác từ doanh nghiệp lớn nhất vẫn thuộc về Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Nguồn vốn của Công ty Núi Pháo được Ngân hàng CSXH quản lý, cho vay đúng đối tượng, đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của huyện. Ngoài ra, Quỹ vốn vay phục hồi kinh tế của Công ty Núi Pháo còn tạo nên làn sóng mới về xã hội hóa các nguồn lực bên ngoài đối với hoạt động của Ngân hàng CSXH huyện nói riêng cũng như toàn tỉnh để cho các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án cũng như các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển kinh tế.”
Cán bộ công ty Núi Pháo khảo sát mô hình thâm canh chè.
Masan High-Tech Materials được đánh giá là một trong hai doanh nghiệp “đầu đàn” tại Thái Nguyên, giúp tỉnh Thái Nguyên phát triển đột phá trong những năm qua. Từ 2015- 2019, MHT đóng góp 4.500 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước và đóng góp mỗi năm 1 triệu USD vào các chương trình an sinh xã hội của tỉnh. Ngoài ra, với cách làm “không trao con cá mà trao cần câu” Công ty còn hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bằng các chính sách riêng thông qua các chương trình phục hồi kinh tế và trợ cấp cho các nhóm đặc biệt khó khăn ngoài chính sách của Nhà nước với khoản kinh phí lên đến gần 150 tỷ đồng qua nhiều kế hoạch khác nhau dành cho hơn 6.000 người dân địa phương được hưởng lợi trực tiếp.
Ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc Đối ngoại, Cộng đồng và Môi trường MHT cho biết: “Chúng tôi không chỉ xây dựng một mô hình khai thác chế biến khoáng sản bền vững mà còn mong muốn tạo sự phát triển bền vững cho cộng đồng lân cận thông qua việc hỗ trợ phát triển thế mạnh của địa phương cũng như bắt kịp theo xu hướng của thời đại. Chúng tôi xác định, MHT cũng là một thành viên trong cộng đồng gia đình các địa phương trong vùng ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo, nên luôn nêu cao trách nhiệm xã hội của mình trong mọi chương trình, hoạt động có liên quan.”
Năm 2019, MHT đã xuất sắc xếp hạng thứ 16 trên tổng số 75 doanh nghiệp bền vững trong lĩnh vực sản xuất. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực bền bỉ và thành quả của Công ty trong nhiều năm qua khi triển khai thực hiện chiến lược phát triển bền vững, gắn kết mục tiêu tăng trưởng kinh doanh với gia tăng giá trị tích cực cho cộng đồng và giảm thiểu tác động đến môi trường.