3 yếu tố đưa bản dân tộc Dao Quần Chẹt của Hà Nội thành điểm du lịch cộng đồng
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì (TP. Hà Nội) Đỗ Mạnh Hưng, khẳng định, bản Miền (thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì) với các yếu tố liên quan đến vấn đề cốt lõi của dân tộc Dao nên được lựa chọn làm điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của Hà Nội gắn với dân tộc thiểu số.
Tạp chí Người Hà Nội đã đưa tin, ngày 26/4, Sở Du lịch Hà Nội và UBND huyện Ba Vì đã tổ chức Lễ công bố Điểm du lịch cộng đồng bản Miền (thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì), với chủ đề “Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”.
Đây là mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề, giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đầu tiên trên địa bàn Hà Nội được xây dựng và công bố thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030.
Lý giải việc bản Miền được lựa chọn làm điểm du lịch cộng đồng với chủ đề “Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, cho biết, trong bức tranh du lịch của huyện Ba Vì, bên cạnh các khu điểm du lịch đã hoạt động lâu năm như Ao Vua, Khoang Xanh, Thiên Sơn – Suối Ngà, Tản Đà resort…, các khu điểm du lịch sinh thái, nhà vườn, homestay được huyện Ba Vì rà soát, chỉ đạo và định hướng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, trải nghiệm giáo dục và làng nghề....
“Việc huyện Ba Vì chỉ đạo cơ quan chuyên môn đề xuất lựa chọn xã Ba Vì và một số địa điểm để nghiên cứu, khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng trong nhiệm vụ, kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của Thành phố Hà Nội là hoàn toàn hợp lý và khả thi với các các yếu tố liên quan đến vấn đề cốt lõi của cộng đồng dân tộc Dao xã Ba Vì gồm địa lý khí hậu, bản sắc văn hóa, làng nghề thuốc nam”, ông Đỗ Mạnh Hưng, chia sẻ.
Theo đó, về địa lý, bản Miền thuộc địa hình sườn Tây núi Ba Vì. Nơi đây có nhiều thung lũng, đồi núi, thác suối giáp ranh, cài răng lược với Vườn quốc gia Ba Vì. Nơi này cũng có nhiều thảm thực vật được bảo vệ, tái sinh và phát triển sau nhiều năm trồng rừng và bảo vệ rừng của huyện. Trên địa hình này, có thể kết hợp các hoạt động trải nghiệm nhóm nhỏ và vừa tạo nên những “tiểu sản phẩm” như leo núi, lội suối, đi vào các triền đồi, thung lũng quanh khu vực xã Ba Vì, xã Minh Quang và Vườn quốc gia Ba Vì khi du khách đến với điểm du lịch này.
Bên cạnh đó, từ nhiều đời nay, người dân tộc Dao (chủ yếu là người Dao Quần Chẹt) tại Ba Vì sống dựa vào rừng núi để trồng dong giềng, thu hái sơ chế dược liệu thuốc nam. Tính đến nay, có khoảng trên 80% hộ gia đình liên quan đến việc trồng, thu hái, sơ chế, chữa bệnh từ các cây dược liệu trên núi Ba Vì. Nhiều hộ trong thôn bản Hợp Sơn, Hợp Nhất và Yên Sơn đã nâng cấp sản phẩm sơ chế, đóng gói nhưng vẫn giữ được chất lượng và ngày càng được tiếp cận rộng rãi với thị trường.
Việc đưa các “công việc núi đồi đồng áng” này ra trình diễn tiếp cận gần hơn với du khách là một điều mà người Dao tại Ba Vì nên làm để thu hút du khách, như: tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại làng nghề như sơ chế, sử dụng thuốc nam Ba Vì (thu hái, băm phơi, nấu cao, tắm thuốc...).
Về bản sắc văn hóa, xã Ba Vì là một xã độc nhất trên địa bàn miền núi phía Bắc bởi gần như 100% là dân tộc Dao. Hiện nay, các hoạt động, sự kiện do ngành Văn hóa, Du lịch và Dân tộc của huyện tổ chức, đã có sự tham gia trình diễn của dân tộc Dao với múa chuông, múa rùa, trang phục... Trong văn hóa dân tộc Dao của Ba Vì còn một số phong tục văn hóa có chiều sâu, đó là Lễ Cấp sắc, Tết nhảy cần được “đưa ra” để trình diễn cho du khách hiểu, tham quan và thậm chí “đóng vai”.
Đồng thời, văn hóa ẩm thực của người Dao cũng là nội dung không thể bỏ qua như làm bánh dày, nấu rượu nếp cái, cỗ lá, rau rừng..., góp phần tạo nên một sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng đậm đà bản sắc mà ít nơi có được. Đó là một số nét chính góp phần tạo nên sản phẩm du lịch cộng đồng xã Ba Vì nói riêng, của huyện Ba Vì và Thành phố Hà Nội nói chung.
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng thông tin thêm, ngay từ khi triển khai từ tháng 11/2023, mặc dù được nhận định còn gặp nhiều khó khăn như 7 xã miền núi của huyện chưa có quy hoạch về các điểm đến tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng trên bản đồ; chưa có mô hình chuẩn để người dân tham quan học tập; loại hình du lịch khá mới và người dân chưa được tiếp cận. Do đó để thay đổi nhận thức, hiểu được tiềm năng đến việc khai thác để phát triển thành sản phẩm du lịch cộng đồng tại địa phương là một thách thức lớn. Chưa kể hạ tầng giao thông ở địa phương còn nhiều khó khăn.
“Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, nỗ lực và dựa trên quá trình khảo sát, phân tích tiềm năng và thực hiện triển khai một số hoạt động như tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực cho cộng đồng địa phương; triển khai và hướng dẫn cộng đồng cùng xây dựng sản phẩm để làm cơ cơ ban đầu để phát triển Du lịch cộng đồng tại thôn Hợp Sơn của các đơn vị, đã có được những thành quả bước đầu: thành lập Tổ cộng đồng và Quy chế hoạt động để phát triển Làng du lịch cộng đồng bản và phân công, phân nhiệm cụ thể từng ban.
Định hướng quy hoạch và hỗ trợ cộng đồng xây dựng vườn thảo dược để giới thiệu du khách, lựa chọn được rất nhiều các món ăn từ thảo dược đặc trưng của người dân tộc Dao để phục vụ du khách, kết nối và hỗ trợ tổ chức famtrip để kết nối, đánh giá và hoàn thiện dần sản phẩm của Làng du lịch cộng đồng bản Miền..., đã làm nên thành quả của ngày hôm nay khi bản Miền trở thành Điểm đến du lịch cộng đồng với chủ đề Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, nhấn mạnh./.