Văn nghệ sĩ Thủ đô: Phát huy vai trò, trách nhiệm trong xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 10:21, 15/10/2020
Hà Nội là nơi hội tụ tài năng, tâm huyết, trí tuệ của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước. Thủ đô luôn ở vị trí trung tâm, là nguồn cảm hứng sáng tác cho các văn nghệ sĩ, nhất là khi thành phố được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo. Những chính sách hướng đến phát triển kinh tế sáng tạo, phát huy nguồn lực sáng tạo văn hóa... chính là động lực đòi hỏi sự dấn thân và bản lĩnh sáng tạo của các văn nghệ sĩ.
Múa rồng - Ảnh: Hoàng Xuân Hảo
Thực trạng tiệm cận của văn học nghệ thuật với Thành phố sáng tạo
Sự phát triển của đời sống văn học, nghệ thuật (VHTN) Thủ đô những năm qua vừa là sự vận động nội tại của chính nó, đồng thời còn chịu tác động của nhiều nhân tố khách quan từ bên ngoài. Những tác động đó đã kích thích, gợi mở cảm hứng sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Trước hết phải nói đến sự tác động lớn nhất vào quá trình phát triển VHNT của Thủ đô trong thời gian qua, chính là thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, sự biến đổi công chúng nghệ thuật, quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội; tác động đa chiều của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quá trình hội nhập và giao lưu văn hóa quốc tế ngày càng sâu rộng. Nhiều tác phẩm thuộc tất cả các loại hình nghệ thuật vừa tiếp tục truyền thống tốt đẹp của VHNT trong thời kỳ chiến tranh cách mạng, đồng thời có nhiều tìm tòi về nội dung phản ánh, mở rộng phạm vi chiếm lĩnh hiện thực, phát hiện được những vấn đề nóng bỏng, thời sự của đời sống trên nhiều bình diện, nhiều góc cạnh khác nhau. Sự đa dạng về nội dung và phương thức thể hiện là một dấu hiệu mới của VHNT những năm qua.
Bên cạnh khuynh hướng tiếp tục phản ánh các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc với cảm hứng sử thi và tầm khái quát mới là sự phát triển mạnh khuynh hướng quan tâm đến cuộc sống bình dị, nhiều khía cạnh cuộc sống đời thường của con người, làm phong phú hơn và làm sâu sắc thêm chủ nghĩa nhân văn của VHNT hôm nay. Đạo đức xã hội là một chủ đề lớn thu hút sự quan tâm của các ngành nghệ thuật, thể hiện trách nhiệm xã hội và vai trò công dân của văn nghệ sĩ ý thức về truyền thống và bản sắc dân tộc trong nhiều tác phẩm.
Một dấu hiệu mới của đời sống VHNT những năm qua là khuynh hướng hiện đại hóa các phương thức biểu hiện, tích cực tìm tòi, thể nghiệm hình thức diễn đạt mới. Việc chấp nhận và thể hiện chức năng giải trí như là một nhu cầu của công chúng nghệ thuật bên cạnh các chức năng cơ bản khác, là một dấu hiệu mới góp phần mở rộng ảnh hưởng của VHNT và đáp ứng một nhu cầu chính đáng của công chúng. Tự do, dân chủ trong sáng tác ngày càng được tôn trọng và mở rộng, dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo ngày càng đậm nét trong các sản phẩm văn nghệ.
Nhiều năm trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ, ồ ạt của các phương thức sử dụng và truyền bá các sản phẩm VHNT làm cho lượng tác phẩm đến với công chúng, đi vào đời sống xã hội tăng lên đáng kể. Hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình là phương thức chuyển tải nhanh nhạy, cập nhật và hiệu quả các sản phẩm VHNT trong và ngoài nước.
Việc tổ chức các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, các gallery nghệ thuật của tập thể và cá nhân mở ra khắp nơi làm cho thị trường mỹ thuật phát triển mạnh và có biểu hiện tự phát, khó kiểm tra, đánh giá. Hàng năm, số lượng triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh của tập thể và cá nhân tại Hà Nội lên tới hơn 100 cuộc…
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật phát triển đa dạng, ồ ạt với nhiều phương thức mới. Ngoài hoạt động biểu diễn của các đoàn nghệ thuật của Nhà nước, địa phương, của các tổ chức chính trị, xã hội, bộ, ngành còn có các hoạt động biểu diễn của các công ty dịch vụ văn hóa tư nhân, sự liên kết, phối hợp của các đơn vị khác. Công chúng trẻ là đối tượng trung tâm của các hoạt động nghệ thuật này.
Hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm, văn hóa phẩm cũng phát triển mạnh, trong đó sách VHNT chiếm gần 20% tổng số bản sách xuất bản hàng năm. Tác phẩm VHNT cùng với giá trị tinh thần của nó đã trở thành hàng hóa, tuân theo quy luật của thị trường, có tác động tích cực đối với người sáng tạo và công chúng đồng thời xuất hiện một số tác động tiêu cực đối với đời sống văn nghệ.
Bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận, sự nghiệp phát triển VHNT Thủ đô cũng còn không ít hạn chế. Tuy số lượng tác phẩm ngày càng tăng, nhưng chưa có nhiều tác phẩm dám đi thẳng vào hiện thực, còn thiếu vắng các tác phẩm có sức lan tỏa trong xã hội, tác động tới suy nghĩ, nhận thức của công chúng. Chưa có nhiều tác phẩm mang tính cách tân, sáng tạo và thể hiện khuynh hướng sáng tác mới... Hoạt động nghiên cứu, phê bình, lý luận VHNT chưa làm tốt nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ, định hướng thị hiếu công chúng; chưa đủ sức cổ vũ các sáng tạo có giá trị, né tránh phê phán các biểu hiện sai trái, lệch lạc, thẩm định tác phẩm còn thiếu chính xác. Tình trạng vi phạm bản quyền còn có diễn biến phức tạp. Kinh phí đầu tư cho hoạt động VHNT tuy tăng hằng năm nhưng vẫn ở mức thấp.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của văn nghệ sĩ...
Ngay sau khi được công nhận là thành viên mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO (10/2019), Hà Nội đã chuẩn bị những kế hoạch hoạch định cho những năm tiếp theo, như kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, củng cố các không gian sáng tạo; triển khai dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ… tạo điều kiện cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế tiếp tục nâng tầm trong thời gian tới, đưa Hà Nội trở thành điểm đến của tri thức và sáng tạo của khu vực và thế giới.
Trước đó, chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã đề ra mục tiêu chung: “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô bao gồm: Quảng cáo, kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao...”.
Trong nhiều năm qua, Thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động mang tính bổ trợ cho công tác phát triển công nghiệp văn hóa. Những dự án, đề án phát triển làng nghề, du lịch văn hóa, tổ chức chương trình hòa nhạc định kỳ, các lễ hội hoa, Phố sách Hà Nội… góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo - một trong ba yếu tố trụ cột của công nghiệp văn hóa, cùng với cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế có thể thấy kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô đang đối diện với nhiều khó khăn. Với hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa vốn trông cậy rất nhiều vào khả năng sáng tạo của các cá nhân và nguồn kinh phí xã hội hóa, vấn đề đặt ra cho VHNT là khó khăn trong việc tìm các mạnh thường quân và ứng dụng thành tựu công nghệ một cách hiệu quả...
Để phát huy vai trò, trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã tích cực chủ động đề ra các tiêu chí trong hoạt động như: Tổ chức giao lưu, hội nhập VHNT luôn đề cao tính dân tộc, trong đó có tiếng dân tộc; Đa dạng hóa, nâng sức hấp dẫn các sản phẩm văn hóa - văn nghệ, tạo nên những thương hiệu mang bản sắc Thủ đô; Tổ chức lực lượng dịch thuật các tác phẩm văn hóa, VHNT có chất lượng tốt để quảng bá trong nước và nước ngoài đồng thời chọn lọc giới thiệu tinh hoa văn hóa nhân loại, các trào lưu tư tưởng, nghệ thuật đang được công chúng Thủ đô quan tâm; Coi trọng việc nghiên cứu, trao đổi, học hỏi các kinh nghiệm tốt của một số nước trong tổ chức, quản lý phát triển VHNT để tiếp thu, vận dụng có hiệu quả; Khơi dậy lòng tự hào, ý thức sáng tạo của đội ngũ làm văn học, nghệ thuật; Đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội và trách nhiệm nghệ sĩ - chiến sĩ đối với sự nghiệp đổi mới của Thủ đô và đất nước; Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa cơ sở quan trọng của sự sáng tạo các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn và sự gắn bó với dân tộc, với đất nước.
Bên cạnh đó, Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cũng đang lên kế hoạch chuẩn bị xây dựng đề án hoạt động mang tính chiến lược, có tầm nhìn từ 10 đến 15 năm, hướng tới mục tiêu tạo ra cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động độc lập, cố gắng dần gỡ từng bước cụ thể ra khỏi phương thức bao cấp trong mọi hoạt động Hội, tăng cường các biện pháp xã hội hóa hữu hiệu, nhằm tiến tới tự chủ về kinh phí hoạt động theo một lộ trình hợp lý và khả thi. Mong muốn của Ban Chấp hành Hội đó là phải tạo ra được một hệ thống đầu mối phục vụ hội viên và cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ để tiến tới có thể tự đảm bảo các nhu cầu tổ chức hoạt động nội bộ (khánh tiết, hội nghị, hội thảo, triển lãm, biểu diễn, chiếu phim, sân khấu thể nghiệm, không gian văn hóa…). Hội đang xin ý kiến thành phố về dự án xây dựng Nhà sáng tác tự quản, tạo điều kiện cho hội viên đến sáng tác định kỳ, trưng bày, giới thiệu, triển lãm các tác phẩm văn học nghệ thuật mới tới công chúng Thủ đô.
Tuy nhiên, để hoàn thành đề án này, Hội rất cần được các cơ quan chức năng của Thành phố tạo điều kiện về pháp lý, hướng tới các công trình trọng điểm mang tính chiến lược của Hội (các nhà sáng tác thể nghiệm, chiếu phim, không gian văn hóa…). Thêm nữa là các cơ chế thúc đẩy sự phát triển VHNT và xã hội hóa một cách cụ thể để tránh tình trạng có nhà đầu tư tài trợ nhưng không giải ngân được do vướng mắc về quy định tài chính…
Với những nỗ lực trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, Hội đang tiếp cận dần tới khái niệm trở thành một nền “công nghiệp văn hóa”, nằm trong hệ thống các ngành “công nghiệp sáng tạo” của thành phố. Hy vọng rằng, những động lực sáng tạo đó sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm của văn nghệ sĩ đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo của Thủ đô.