Văn hóa – Di sản

Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Văn Thiện 17:23 21/04/2024

Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (Thập niên sự lệ) được tổ chức 10 năm 1 lần nhằm tưởng nhớ Thái phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan và các vị nhân thần của dòng họ Nguyễn Cảnh đã có công “Bảo quốc hộ dân”.

iiraxqss.png
Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới ban hành các quyết định công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (huyện Đô Lương, Nghệ An).

Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (Thập niên sự lệ) được tổ chức 10 năm 1 lần nhằm tưởng nhớ Thái phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan và các vị nhân thần của dòng họ Nguyễn Cảnh đã có công “Bảo quốc hộ dân”.

Với 25 đời con cháu hậu duệ, dòng họ Nguyễn Cảnh không chỉ góp phần xây dựng cơ nghiệp mà còn sản sinh ra những danh tướng, danh nhân, nhà văn hóa, và lương y nổi tiếng tài năng, có những đóng góp ý nghĩa trong lịch sử dân tộc.

Trong đó, Nguyễn Cảnh Hoan (1521 - 1576) thuộc đời thứ 5 của dòng họ Nguyễn Cảnh, là con thứ hai của Phúc khánh Quận công Nguyễn Cảnh Huy. Ông là vị tướng tài ba thời Lê Trung Hưng có công phò Lê diệt Mạc.

Giữa thời kỳ Lê - Mạc phân tranh, nhà Mạc huy động các tướng giỏi và đại binh đánh vùng Thanh - Nghệ, Nguyễn Cảnh Hoan bị thuộc tướng làm phản. Ông rơi vào mai phục của tướng nhà Mạc là Nguyễn Quyện, bị bắt và đem về Thăng Long.

image-20221125151058-1.jpeg
Đền thờ Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan

Nhà Mạc biết ông là tướng giỏi bèn tìm cách lôi kéo, mua chuộc nhưng ông một mực giữ lòng trung thành với vua Lê. Tháng 9/1576, Nguyễn Cảnh Hoan bị mưu sát tại Thăng Long.

Để tưởng nhớ công ơn tổ tiên, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn và bảo tồn những giá trị văn hoá tốt đẹp của dòng họ Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan ra đời từ 1664 - đến năm Giáp Thìn 2024 là tròn 360 năm. Đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan được phối thờ 4 vị công thần tiêu biểu của dòng họ Nguyễn Cảnh: Nguyễn Cảnh Hoan, Nguyễn Cảnh Kiên, Nguyễn Cảnh Hà, Nguyễn Cảnh Quế (4 đời trực hệ).

Cứ 10 năm một lần, vào ngày Rằm tháng Ba âm lịch, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh cùng nhân dân trong vùng lại tề tựu về Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan tại Xã Tràng Sơn, Huyện Đô Lương, Tỉnh Nghệ An để tổ chức lễ hội truyền thống “Lễ hội chay” hay còn gọi là “Thập niên sự lệ”. Tổ chức với quy mô lớn, lễ hội có nhiều hoạt động văn hoá, tín ngưỡng dân gian đặc sắc.

Năm 2024, Lễ hội Đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia. Hội đồng Gia tộc Nguyễn Cảnh Việt Nam phối hợp với Chính quyền địa phương tổ chức lễ hội thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan và công bố quyết định di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đây là một mốc son mới để con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh tiếp tục phát huy tinh thần hào hùng của các bậc tiên tổ, bồi dưỡng những tập quán cổ truyền tốt đẹp và xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu mạnh.

Lễ hội Thập niên sự lệ được tổ chức với rất nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa, kết tinh từ truyền thống lịch sử lâu đời. Lễ hội không chỉ mang giá trị tâm linh, ý thức hướng về nguồn cội, ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha ông đi trước mà còn góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dòng họ, là mạch nguồn hình thành nên văn hóa địa phương, văn hóa dân tộc.

Theo kế hoạch, lễ hội năm nay được diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 21/4/2024 đến ngày 23/4/2024 (tức ngày 13 đến ngày 15 tháng 3 năm Giáp Thìn). Trong đó, Lễ đón nhận danh hiệu Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia sẽ diễn ra ngày 15 tháng 3 âm lịch.

Trong khuôn khổ lễ đón nhận danh hiệu, Lễ hội Thập niên sự lệ sẽ được diễn ra với quy mô lớn và nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc. Linh hồn của lễ hội là đám rước hoành tráng kéo dài hàng cây số, được biên chế theo đội hình truyền thống: Võ lệnh đi trước mở đường, cờ phướn giương oai, voi ngựa đốc chiến, sắc phong thể hiện công trạng, kiệu Thánh ngự lồng lộng. Phần hội gồm: Đêm thơ Nguyễn Cảnh thi tập, chương trình văn nghệ Sáng mãi bài ca truyền thống...

Văn Thiện