2 kịch bản tăng trưởng và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Tin tức - Ngày đăng : 19:18, 17/10/2020

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ hồi phục trở lại, tuy nhiên đà hồi phục có thể theo 2 kịch bản, đồng thời đưa ra loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN).
NHNN Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch số 09/KH-NHNN góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế

Theo đó, NHNN đánh giá hai đợt bùng phát đại dịch Covid-19 đã tác động trực diện, sâu rộng đến nền kinh tế; sản xuất kinh doanh đình trệ, đặc biệt là dịch vụ, vận tải, lưu trú và các doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu...; việc làm, thu nhập người lao động suy giảm nghiêm trọng. Các tổ chức quốc tế và trong nước dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 trong khoảng từ 1,5 - 3,3% (tổ chức quốc tế 1,5 - 3,3%; tổ chức trong nước 2 - 3%).

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Chính phủ trong điều hành các chính sách kích cầu nội địa, chính sách tài khóa kết hợp chính sách tiền tệ, kinh tế quý 3/2020 đã bắt đầu hồi phục, tạo đà thuận lợi cho sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế năm 2020.

Vì vậy, NHNN cho rằng Việt Nam có các yếu tố thuận lợi như tâm lý lạc quan và nhu cầu mua sắm dịp cuối năm tăng lên dự kiến thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế quý 4; khu vực sản xuất có những tín hiệu khả quan, xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp được đánh giá tốt hơn trong những tháng cuối năm thúc đẩy dòng vốn tín dụng cho việc tái sản xuất; chính sách kích cầu trong nước và khả năng nối lại du lịch với một số quốc gia; Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công hỗ trợ phát triển kinh tế…

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, NHNN ước tính tăng trưởng GDP cả năm 2020 của Việt Nam từ 2,5 - 3%. Sang năm 2021, các tổ chức trong nước và quốc tế dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trở lại và thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao so với khu vực và trên thế giới, trong miền từ 6,3 - 11,2%. 

Theo NHNN, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ hồi phục trở lại, tuy nhiên đà hồi phục có thể theo 2 kịch bản:

Kịch bản 1, nếu dịch bệnh trong nước được tiếp tục kiểm soát, dịch bệnh trên thế giới được đẩy lùi. Theo đó, các hoạt động dịch vụ, thương mại hàng hóa sẽ nhanh chóng được khôi phục trở lại. Sự kết nối lại chuỗi cung ứng sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ do lợi thế về kiểm soát sớm dịch bệnh. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP năm 2021 dự kiến có thể đạt 6,5 - 7,5%.

Kịch bản 2, trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế và tiếp tục chịu ảnh hưởng đáng kể trong nửa đầu năm 2021. Sự hồi phục chậm của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước do Việt Nam có độ mở cửa lớn và đang tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 có thể đạt từ 5 - 6%.

Tạo điều kiện cho DN, người dân tiếp cận vốn tín dụng NH

Trên cơ sở dự kiến các kịch bản những tháng cuối năm 2020 và năm 2021, NHNN cho biết sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ, giải pháp nhằm khôi phục và phát triển nền kinh tế trong thời gian tới. Cụ thể, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế, hỗ trợ DN gặp khó khăn do tác động của dịch; triển khai các giải pháp tín dụng hỗ trợ DN và người dân. Các tổ chức tín dụng phải tiếp tục thực hiện Thông tư 01 của NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

"Các NH thương mại phải tiếp tục cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay. Nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng" - NHNN khẳng định.

Theo NHNN, đến hết tháng 9/2020, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 6,09% so với cuối năm ngoái. Dù tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nhưng NHNN kỳ vọng tín dụng những tháng cuối năm sẽ tiếp tục có mức tăng khá. Dự kiến, tăng trưởng tín dụng cả năm có khả năng đạt 8 - 10%, góp phần cung ứng vốn cho nền kinh tế, khôi phục sản xuất - kinh doanh.

KTĐT