Văn hóa – Di sản

Đấu xảo Hà Nội Vang bóng một thời

Kim Oanh 08:09 19/04/2024

Cách đây 78 năm, đúng vào ngày 1/5, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra cuộc mít tinh khổng lồ với trên 25.000 người tham gia. Địa điểm này khi xưa được mang tên Đấu xảo - một công trình tráng lệ và đồ sộ, mang tầm vóc quốc tế.

untitled-1.jpg
Ảnh chụp Cung Đấu xảo Hà Nội. Nguồn: Gallica.bnf.fr

Ấn tượng kiến trúc Pháp giữa lòng Thủ đô

“Đấu xảo” là một từ Hán - Việt, có thể hiểu là “hội thi đấu về sự tinh xảo”. Đây là cách gọi cũ của hoạt động hội chợ, triển lãm được tổ chức để giới thiệu và quảng bá các tác phẩm, sản phẩm hàng hóa, từ đó tạo cơ hội cho thị trường, thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Cung Đấu xảo Hà Nội tên tiếng Pháp là Grand Palais Hà Nội, phỏng theo công trình Grand Palais tại Paris - là nơi trưng bày sản phẩm thủ công để so sánh độ tinh xảo của chúng và tay nghề của nghệ nhân. Khu vực Grand Palais Hà Nội là một hình chữ nhật được giới hạn bởi phía bắc là đại lộ Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo), phía nam là phố Dufourcq (nay là phố Nguyễn Du), phía đông là phố Delorme (nay là phố Trần Bình Trọng), phía tây là phố Bovet (nay là phố Yết Kiêu).

anh-4.jpg
Cung Đấu xảo, hội chợ năm 1902. (Ảnh tư liệu)

Cung Đấu xảo rộng khoảng 3.000m², có quy mô lớn, là một tổ hợp triển lãm phức hợp kinh tế, văn hóa, nghệ thuật. Từ cổng ngoài đến cửa vào nhà dài 300m. Ngoài cửa đặt 2 con sư tử đồng lớn (là dấu tích duy nhất còn sót lại của cung Đấu xảo, nay được dựng ở ngoài rạp Xiếc trung ương). Giữa quảng trường đặt một tốp tượng. Công trình dài 110m, rộng 30m và cao 27m, giữa là một gian mái vòm nối với các gian khác bằng nhiều hành lang. Trong cung Đấu xảo được trang trí bằng nhiều bức tranh tường của họa sĩ Henry Emile Vollet (1861 - 1945).

anh-5.jpg
Con đường lớn phía trước Cung Đấu xảo. (Ảnh tư liệu)

Việc xây dựng tòa trung tâm của khu Đấu xảo cũng bắt đầu rất nhanh chóng theo đồ án của kiến trúc sư Bussy của Sở Công chính. Đây là một tòa nhà rộng lớn, mặt tiền 100m, chiều sâu 25m, có một tầng trệt với một tầng hầm cao 3m50, dành cho các triển lãm đặc biệt. Một mái vòm phía trên tòa trung tâm cùng hai mái vòm hai bên của tòa nhà tạo nên sự cân đối hài hòa. Các lối đi rộng cùng hàng cột bao quanh các phòng triển lãm lớn.

Theo tài liệu lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, lễ khánh thành Cung Đấu xảo được tổ chức trước vào chiều ngày 26/2/1902 ở tòa trung tâm. Tại buổi khánh thành, con đường từ cổng chính trên đại lộ Gambetta dẫn đến hàng cột trụ đã được san bằng và trải cát. Khung cảnh rất tráng lệ, khắp nơi có cây xanh mướt cùng với cờ của các quốc gia, trong đó có cả cờ của Vương quốc An Nam. Buổi lễ khánh thành có sự hiện diện của Toàn quyền Doumer, vua Thành Thái cùng hoàng thân, các thành viên của Hội đồng tối cao Đông Dương, các tướng lĩnh, quan chức, nhân sự cấp cao và nhiều khách mời đến từ khắp nơi trong Đông Dương.

anh-6.jpg
Khu vực trưng bày của các thương gia Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Phía trong triển lãm, qua cổng chính lớn có thể thấy ngay trước mắt là tòa trung tâm; bên phải là cụm phòng trưng bày dành cho nước Pháp và các thuộc địa; bên trái là khu vực dành cho Đông Dương. Phía hai đầu, song song với đại lộ Gambetta, là các khu vực dành cho các nước châu Á, các quốc gia Đông và Bắc Á, bên phải là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và bên trái là Đông Nam Á và Tây Á, Thái Lan, Miến Điện, Đông Ấn, Đài Loan, Borneo... và ở cuối là khu vực Đông Dương.

Dấu ấn “mang tầm vóc quốc tế”

Năm 1902, cùng với việc khánh thành Cung Đấu xảo, hội Đấu xảo Hà Nội được tổ chức đã ghi dấu mốc đặc biệt về sự góp mặt của hàng hóa từ nước Pháp, các thuộc địa Pháp và một số quốc gia châu Á.

Triển lãm các sản phẩm nông nghiệp, kỹ nghệ và nghệ thuật, chính thức mở cửa vào 8h30 ngày 16/11/1902, giới thiệu những tiến bộ vượt bậc của nước Pháp ở Đông Dương sau gần 20 năm chinh phạt khu vực này. Đây cũng là dịp để nước Pháp thể hiện những thành tựu về thủ công nghiệp, thương mại và sự mở rộng kỳ diệu của một thành phố “Pháp” ở Hà Nội.

Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, đây là kỳ triển lãm Hoàn vũ (World Expo) đầu tiên và duy nhất của Pháp ở Đông Dương, Hà Nội. “Qua những bức ảnh tư liệu thời Pháp thuộc, chúng ta không khỏi choáng ngợp trước tầm vóc và quy mô của sự kiện quốc tế này. Triển lãm có những gian hàng của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Vân Nam (Trung Quốc), Philippines, Mã Lai, Miến Điện… Việt Nam với tư cách chủ nhà đã trưng bày một khối lượng đồ sộ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ”, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nhận xét.

Báo chí châu Á lúc đó đã hướng ánh nhìn về Hà Nội, một điểm sáng tân kỳ, năng động và sáng tạo. Năm 1902, cũng là năm nhà máy điện ở Bờ Hồ có 2 tổ máy phát điện 1 chiều, cung cấp điện cho khu vực Đấu xảo.

Sau Hội Đấu xảo được tổ chức năm 1902, tòa trung tâm trở thành bảo tàng mang tên Maurice Long, lấy tên của ông Maurice Long (1866 - 1923) - Toàn quyền Đông Dương từ tháng 2/1920 - 4/1922. Đây là bảo tàng kinh tế đầu tiên và lớn nhất Đông Dương trưng bày các sản phẩm phản ánh thành tựu kinh tế và bản sắc văn hóa Đông Dương những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Bảo tàng Maurice Long được xem là số ít công trình đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người lao động. Bởi lẽ, viên giám đốc Charles Crevost (1858 - 1938) đã mở trường thủ công, tạo thêm việc làm cho nhiều người dân ở các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Bắc Ninh thời đó.
Đến năm 1924, khu Đấu xảo có thêm một vệ tinh vô cùng năng động là Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ngôi trường này phục vụ cho Đấu xảo về việc trang trí, khi các họa sĩ Đông Dương tham gia các hội chợ tại nước ngoài với tư cách người thực hiện. Hệ sinh thái sáng tạo đã thực sự hoàn thiện, tạo nên sự phát triển vượt bậc cho mỹ thuật và thủ công mỹ nghệ của cả xứ Đông Dương, đặc biệt là Hà Nội.

Sau này, khi Nhật vào Đông Dương đã chiếm Đấu xảo làm doanh trại và kho quân lương, quân khí, vì nơi đây có một tầng hầm kiên cố, xây bằng đá hộc. Đó là nguyên nhân khiến cho tòa kiến trúc đẹp đẽ biến mất sau trận ném bom bởi máy bay của quân Đồng minh.
Nhật thua trận, đầu hàng, Đại đội Tự vệ thành Hoàng Diệu chuyển sang đóng ở Đấu xảo. Từ đó, khu Đấu xảo rộng lớn trở thành nơi vừa là vị trí đóng quân chủ yếu của đơn vị tự vệ, vừa là trụ sở của Ban chỉ huy tự vệ thành và Trường Đào tạo cán bộ tự vệ của thành phố. Trong những ngày toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), những chiến sĩ tự vệ chiến đấu tại khu Đấu xảo đã nêu cao tinh thần cách mạng góp phần đẩy lùi cuộc tiến công của địch.

Cho đến nay, sau hơn 100 năm, Việt Nam vẫn chưa có một tổ hợp trưng bày văn hóa nghệ thuật nào có quy mô kiến trúc, diện tích xây dựng, diện tích đất lớn như khu Đấu xảo thời Pháp thuộc. Nếu vẫn còn đến hôm nay thì thực sự đây là viên kim cương gắn lên vương miện của Hà Nội - Thành phố sáng tạo.

Kim Oanh